GN - Huyền về nhà lúc mười hai giờ đêm, chó sủa từ cổng sủa vào. Ngoài sân nhà vài người đang nhấp nhổm đứng, ngồi bàn luận. Vừa thấy Huyền là tất cả đều quay lại hỏi “có thấy không?”. Huyền mệt mỏi lắc đầu. Mẹ đi đâu được chứ khi Huyền và các bác đã tìm quanh khắp xã, chạy men theo bờ đê hỏi thăm cả những người huyện khác. Đi đến đâu chưa cần chìa ảnh ra, chỉ tả sơ qua là người ta đã “à” lên một tiếng. “Tôi mới gặp sáng qua chứ đâu. Thấy ngồi bên bờ suối gội đầu. Rắc hoa mua lả tả theo dòng nước”. Người thì bảo “ngày nào tôi đi làm chẳng gặp lững thững dọc đường đê. Nhưng ngày hôm nay thì không, chắc là đi đường mới. Mà cô là con gái bà ấy hả?”.
Thêm vài người nói mới gặp mẹ chỗ này chỗ kia. Có người nói vài phút trước gặp mẹ đang hát ở giữa chợ bên này sông. Huyền chưa kịp quay xe thì đã có người đi từ bến đò lên vỗ vai hỏi: “Hình như cô đi tìm người đàn bà điên đúng không? Tôi thấy bà ấy vừa qua đò sang bên kia sông, có thể đã đi đến gần làng gốm, đuổi theo nhanh còn kịp”. Huyền cứ lần theo dấu vết mà mẹ để lại qua lời kể người dưng mà đi tìm mãi. Đến giờ này mẹ đã đi khỏi nhà ba ngày, không biết đói no ra sao. Dù suốt hai sáu năm nay ngày nào mẹ cũng đi ra từ năm giờ sáng, bất kể mùa hè hay mùa đông lạnh giá. Nhưng khi mặt trời sắp khuất núi là dù ở đâu mẹ cũng vội vã về nhà. Lần này có thể mẹ đã đi quá xa nên không thể tìm thấy đường về. Hoặc là mẹ sợ trở thành gánh nặng của Huyền…
Tranh: baohaiduong
Năm 1989, anh trai Huyền mất vì bệnh tật. Huyền không nhớ rõ anh bị bệnh gì, chỉ biết lúc ấy thuốc thang khan hiếm, nhà lại quá nghèo nên không chạy chữa nổi. Sau cái chết của anh, mẹ trở nên điên dại. Hàng ngày mẹ xõa tóc ngồi trước mô đất nhỏ sau nhà mà khóc cười gọi tên con trong đau đớn. Rồi thì mẹ bắt đầu đi quanh làng, quanh xã miệng gọi “con ơi”.
Mẹ cũng ít cho ai động vào người, lạ hay thân cũng vậy. Bộ quần áo mẹ mặc đã sờn rách, tóc mẹ dài bùn đất bết lại sau lưng. Hai năm sau, vì không chịu được cảnh sống chung với người vợ điên, bố bỏ nhà đi theo người đàn bà khác. Khi đó Huyền mới mười hai tuổi, da đen, tóc vàng khè vì dãi nắng. Các bác bên ngoại cưu mang hai mẹ con Huyền từng lon gạo đầy, từng manh áo ấm. Sau buổi đến trường Huyền đi nhặt nhựa, mò cua, bắt ốc bán lấy tiền. Mọi người đã quen với hình ảnh hai mẹ con Huyền đội nón lá cọ lội nhấp nhô giữa đồng mót lúa ngày nắng, mót lạc ngày mưa. Huyền khom lưng nhặt từng củ lạc nổi lên trên những đường cày. Mẹ theo sau chạy đùa, đôi khi hất đổ cả rổ lạc trên tay Huyền xuống ruộng. Huyền lầm lũi nhặt lại, nhắc mẹ đừng cởi áo mưa ra mà cảm lạnh.
Thỉnh thoảng mẹ ngoan như đứa trẻ. Mẹ đòi gối đầu lên chân Huyền để ngủ. Hoặc là mẹ sẽ chịu để yên cho Huyền chải tóc, gội đầu, thay quần áo bẩn. Mỗi lần được tắm gội sạch sẽ, Huyền đều thấy mẹ rất hiền và đẹp. Da mẹ mịn, mắt mẹ đen, chiếc mũi cao thanh thoát. Khi mẹ cười, hai má lúm đồng tiền duyên dáng như muốn hút mọi thứ xung quanh về phía mình. Huyền ngắm mẹ thật lâu, vuốt ve mái tóc vừa xơ rối vừa mới được gội thơm. Huyền vừa đút cho mẹ ăn từng thìa nhỏ vừa cưng nựng vỗ về. Ai cũng cảm động trước tình yêu thương của Huyền dành cho mẹ, khi nhìn cảnh Huyền cẩn thận gỡ hết xương dăm rồi mới bón cơm cá mẹ ăn. Cất được ít tép sông, Huyền chỉ ăn mỗi đầu, nhường phần ngon cho mẹ. Ngày ấy nghèo, cơm mười bữa có khi độn khoai sắn cả mười. Huyền tự hớt phần sắn bên trên, xới phần cơm trắng vào bát mẹ. Người trong làng vẫn hay ghé qua cho mớ tép, ít tôm đồng, vài củ khoai, nắm rau đay mới hái. Ai đó mang cho tấm áo lành, bát canh ngon. Cũng có khi là cái bánh chưng, đĩa bánh trôi ngày Tết. Hoặc có khi ghé chỉ để xem nhà cửa dột chỗ nào thì trèo lên lợp hộ. Có vài người thấy Huyền ngoan quá thì thương, hứa hẹn sau này sẽ đón về làm con dâu nhà họ. Nhưng đó chỉ là mấy lời hứa hẹn với một đứa trẻ con. Khi lớn lên chẳng ai muốn yêu người con gái có một bà mẹ điên. Cũng chẳng ai muốn nhận Huyền làm con dâu nữa. Ba mươi tuổi, Huyền thành gái lỡ thì, vẫn thui thủi một mình nuôi mẹ.
Cả gia đình bên ngoại ai cũng thương Huyền. Mấy hôm trước các bác, cậu mợ đã họp gia đình nói sẽ thay nhau chăm sóc cho mẹ để Huyền nhẹ gánh lo hạnh phúc của mình. Nhưng Huyền bảo:
- Con làm sao có thể bỏ lại mẹ một mình. Mẹ bị bệnh đâu thể tự chăm sóc bản thân.
- “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Con đâu thể lấy chồng mà vẫn ở lại đây được chứ. Con phải về chăm lo vun vén gia đình chồng như biết bao người phụ nữ khác.
- Con tin là có người sẽ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Cũng sẽ cùng con yêu thương và chăm sóc mẹ.
- Cứ cho là chồng con sẽ cảm thông. Nhưng gia đình họ thì sẽ khó mà chấp nhận.
- Vậy thì con sẽ ở vậy bên mẹ suốt đời.
- Nhưng mẹ con thì không thể ở bên con mãi được. Rồi cũng sẽ đến lúc già đi. Nếu không có chồng con thì sau này con phải sống một mình, tội lắm.
Mẹ ngồi bên cạnh chơi búp bê, nghe tất cả câu chuyện bằng vẻ mặt hồn nhiên của một đứa trẻ. Nhưng tối đó mẹ nằm ôm Huyền khóc. Trong tiếng khóc của mẹ là ầng ậc nỗi đau đớn, xót xa như thể mẹ chưa từng điên dại. Sáng hôm sau, lúc Huyền đi làm, mẹ vẫn còn nằm ngủ ngon lành như tất cả những ngày bình thường khác. Nhưng tối đó mẹ không về nữa, nồi cơm cắm sẵn để ở nhà phần mẹ vẫn còn nguyên vẹn. Nhà cửa vắng tanh, sạch sẽ. Người duy nhất trong làng gặp mẹ vào ngày hôm ấy là bác gái. Bác vừa khóc vừa kể lại “mẹ cháu cứ nắm chặt tay bác lắc nhẹ như thể muốn dặn dò gì đó. Giờ mới biết có khi dì ấy nhờ chăm sóc cháu cũng nên. Người mẹ nào chẳng vậy, điên thì sao chứ? Điên mà không biết thương con gái mình sao?”. Huyền bật khóc. Mẹ ơi, giờ mẹ ở nơi đâu? Con biết phải tìm mẹ ở nơi nào?
- À, đúng là người đàn bà tội nghiệp này rồi. Sáng nay tôi thấy bà ấy lân la mãi bên mẹt thị. Hôm nay là chợ phiên mà.
- Có phải là khu chợ nằm gần cây đa chín gốc không ông?
- Cây đa ấy chết gần chục năm rồi. Người ta mới đào gốc vất đi, trồng vào đấy một cây vú sữa. Giờ người ta đổi tên chợ Cây Đa thành chợ cây Vú Sữa. Cô cứ thẳng đường này mà đi. Đến chỗ bãi đá vôi thì quẹo trái. Đi tầm vài trăm mét là thấy chợ ngay trước mắt rồi.
Huyền phóng xe dọc con đường mọc đầy bụi cúc tần và hoa mua tím. Một con đường phía bên kia dòng sông tưởng chừng lạ hoắc nhưng ký ức bỗng nhiên ùa về. Phải rồi, chính con đường này lúc nhỏ mẹ từng có lần dẫn hai anh em Huyền đi bán nón cọ. Nón mẹ buộc thành chùm treo trên đòn gánh, còn anh em Huyền mỗi đứa ngồi một đầu quang. Thỉnh thoảng anh em Huyền nhảy xuống chạy nhảy dưới đường, dồn bắt những chú chuồn chuồn ớt đỏ chót bay chấp chới trên ngọn cỏ may. Cũng là mùa hoa mua nở tím ngắt thế này, bướm bay rập rờn khoe sắc. Mỗi cánh bướm là một tấm lụa sặc sỡ sắc màu. Có lần vì đuổi theo đàn bướm mà Huyền đi lạc. Mẹ tất tưởi gánh gồng chạy đi tìm Huyền, mồ hôi nhễ nhại.
Huyền đến ngay đầu chợ hỏi về mẹ thì có người chỉ tay bảo “thẳng hướng này, vừa mới đi xong. Trên tay còn cầm hai chiếc bánh rán bọc đường và một quả thị thơm. Mấy đứa nhỏ thử hỏi xin thì bà ấy bảo để phần con trai, con gái”. Huyền đi tiếp trên con đường tưởng lạ mà quen. Con đường mẹ từng đi vẫn còn vương hơi ấm. Phải chăng mẹ cũng đang đi theo hồi ức của mình. Thứ hồi ức sum vầy đủ đầy con cái khi anh trai Huyền còn là đứa trẻ vui vẻ và hoạt bát và tai ương còn chưa ập đến. Ký ức của mẹ đã mãi mãi ở lại trong những năm tháng ấy.
- Tôi mới gặp người đàn bà này loanh quanh ở sân ga. Mọi người hỏi đi đâu thì bà ấy bảo “đi tìm con gái”.
- Sân ga nào bác ơi? Còn cách đây bao nhiêu cây số?
- Ừm… chắc khoảng bốn cây. Tàu chiều sắp dừng ở sân ga đón khách, cô đi nhanh còn kịp.
Hồi ấy Huyền từng nghe thấy âm thanh lạ từ xa vọng lại. Huyền từng hỏi mẹ đó là tiếng gì? Mẹ cười bảo “còi tàu. Chắc là gần đây có một sân ga”. Mẹ còn hứa hôm nào đó sẽ dẫn anh em Huyền đến thăm sân ga, ngắm đoàn tàu nối đuôi nhau thẳng hàng như trò chơi rồng rắn. Giờ thì Huyền lại nghe thấy thứ âm thanh đó, càng lúc càng gần hơn. Đây có phải cách mà mẹ đưa Huyền đến sân ga trong ký ức? Mẹ ơi…
Huyền đến đúng lúc tàu dừng ở sân ga. Mẹ lặng lẽ ngồi ở ghế đá dưới gốc bàng già nhìn người lên kẻ xuống với lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo. Huyền chạy ào lại, nắm lấy bàn tay mẹ bật khóc như đứa trẻ lên ba vừa đi lạc. Người mẹ vội vàng lau nước mắt cho con bằng đôi bàn tay run rẩy. Huyền nhận từ tay mẹ chiếc bánh rán bọc đường được cất kỹ trong mấy lớp túi nilon. Huyền mua cho mẹ mấy bắp ngô nếp nóng hổi của bà cụ ngồi bán cho khách đi tàu. Hỏi mẹ ăn ngon không? Mẹ khẽ gật đầu. Mẹ bỏ đi mấy ngày mà trông tiều tụy hẳn, đất cát bám lên cả lông mày, đuôi mắt. Hai mẹ con ngồi ở sân ga cho đến khi đoàn tàu lăn bánh. Huyền nắm lấy tay mẹ thủ thỉ “mình về nhà thôi mẹ. Muộn rồi”. Mẹ chịu ngồi yên trên xe, khẽ gục đầu vào lưng Huyền suốt chặng đường hun hút gió. Huyền thấy đâu cần phải tìm hạnh phúc xa xôi. Nếu có ai thương yêu mẹ con Huyền thì vui. Còn nếu không thì chỉ cần mẹ bình an mạnh khỏe thế này để nương tựa vào nhau mà sống. Huyền nhất định sẽ chăm sóc cho mẹ suốt đời…