GN - Khi tôi sang Nhật tu học, bạn bè khuyên tôi đừng về và những người đồng học đồng tu với tôi cũng đi tứ tán trên thế giới. Lúc phân vân không biết nên về hay không, tôi chợt nhớ đến một thiền sư mù mắt, nhưng rất sáng tâm. Tôi nghĩ nên đến xin ngài lời khuyên vì chưa đủ sức tin mình.
Tôi đến chùa Vĩnh Bình mà ngài làm viện chủ. Chùa này do Thiền sư Đạo Nguyên xây dựng trong núi sâu với tâm niệm nơi đó hòa bình vĩnh viễn ngự trị. Vua nghe nói ngài đắc đạo mới phong là quốc sư và ban tặng tử y (y màu tím). Ngài ra tiếp sứ giả của vua ở ngoài cổng chùa và cho xây tháp thờ y bát của vua ban. Ý của ngài là không muốn đem lợi danh thế sự vào chùa, vì lợi danh chen vô sẽ làm cho chùa không được bình an.
Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (nội trú) trong một khóa lễ trì kinh - Ảnh: Đăng Huy
Chúng ta thấy rõ các bậc chân tu ra giúp nước xong đều ẩn tu. Lịch sử ghi Trí Giả đại sư được vua Tùy Dạng Đế phong quốc sư và xây chùa Ngọc Tuyền cho ngài xong thì ngài rời bỏ nơi này để lên núi Thiên Thai tu hành. Tất cả thế sự phải đem đặt ngoài cổng chùa. Tu mà chưa vào cổng chùa là còn kẹt lợi danh. Bước vào trong cổng chùa, lợi danh tình ái bỏ sạch, việc thế tục trả cho thế tục.
Tôi đến chùa Vĩnh Bình, gặp vị tri sự đứng đón. Hòa thượng viện chủ dặn ông nếu có nhà sư Việt Nam đến thì đưa vào phương trượng. Tôi không xin yết kiến ngài trước, hầu như ngài không tiếp khách. Khi gặp ngài, không đợi tôi thưa thỉnh, Hòa thượng Sato tự giảng giải tâm sự của tôi và những điều chưa rõ thì ngài bảo tôi về mở Đại tạng kinh ở trang nào đó có nói rõ.
Sau đó, tôi quyết tâm trở về Việt Nam vì đã thấy được nhân duyên giáo hóa của tôi ở đây; trong khi người khác thấy nguy hiểm nên bỏ đi. Vì vậy, quan trọng là chúng ta phải có tuệ đức để thấy nhân duyên. Phật dạy thấy nhân duyên là thấy pháp, theo đó mà tu hành mới đắc đạo; chưa kiến đạo thì tu không thể được thành quả. Trên cuộc đời, mọi người chỉ thấy theo nghiệp duyên, nhưng mấy ai tránh được nguy, tìm được an.
Với tuệ đức, thấy nhân duyên thì ta ở chỗ nguy mà được an. Người tu phải phát huy tuệ đức. Chúng ta tìm được tuệ đức ở những bậc cao minh, ở những người có kinh nghiệm tu hành như pháp và ở trong sách vở, theo đó tu hành nhất định đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, tu hành phải có tấm lòng thực với đạo, cuộc đời ta sẽ có nhiều điều xảy ra ngoài sức tưởng tượng. Riêng bản thân tôi từ trước đến nay làm được một số việc vượt ngoài hiểu biết mà ta thường gọi là may mắn và may mắn này ứng vô tâm đức là tấm lòng của tôi. Anh em có tấm lòng vì đạo, vì chúng sanh thì ứng với Phật bổ xứ anh em đến đó.
Ngôi chùa này đã được Hòa thượng Thiện Hào xin lại từ lâu, nhưng suốt thời gian dài không được. Nay tự nhiên chính quyền lại mời tôi đến giao chùa, đối với tôi đó là nhân duyên tới thì việc tự thành. Nhân duyên chưa tới, cố gắng làm cũng không kết quả. Kinh nghiệm này tôi muốn nhắc nhở anh em. Đầu tiên chúng ta có tấm lòng quyết tâm tu cho kết quả, nên ta nhận được sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát, Hộ pháp thiện thần là lực vô hình không thấy được bằng mắt.
Điển hình cho tinh thần quyết tâm tu là Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thanh Từ. Hòa thượng Bửu Huệ tốt nghiệp xong, ngài ẩn tu 10 năm để gia công hành trì. Ngài cho biết nhờ 10 năm tu hành miên mật mà phục vụ được Giáo hội 8 năm, sau đó cạn nguồn nên không làm được nữa. Điều này cho thấy anh em học xong có hiểu biết và sau đó phải áp dụng hành trì trong cuộc sống mới thành tựu Phật sự. Hòa thượng phải trải qua 10 năm tu theo pháp của Tổ Thiên Thai và thực sự tích lũy được công đức mới giáo hóa được.
Các anh em phải ý thức rằng thực chất giáo hóa được người là nhờ đạo đức bên trong, nên người thấy hay nghe ta thuyết pháp, họ phát tâm Bồ-đề. Người nghe không chấp nhận, thấy ta mà không phát tâm thì nhập Niết-bàn là vừa, vì dầu đã hết, đèn phải tắt; ráng ở thêm không chừng thân bại danh liệt.
Theo Hòa thượng Pháp Lan, giáo hóa chúng sanh không phải nói hay, chỉ có đạo đức mới có sức thuyết phục người. Hòa thượng nói: “Tôn mạc tôn hồ đạo, dĩ kỳ đạo vô vi nhơn phục. Mỹ mạc mỹ hồ đức, duy hữu đức bất trị dân tùng”. Hòa thượng nhận ra ý này, trải qua một thời gian dài, ngài chuyên trì tụng kinh Pháp hoa và trở thành pháp sư nổi tiếng. Nhưng đến khi cạn nguồn, thăng tòa thuyết pháp không ai nghe. Tụng kinh Pháp hoa có độ cảm sâu xa với Phật, việc tốt tự tới thì cái đạo, cái đức có sức cảm hóa người, không phải ta khôn ngoan, thủ đoạn, lừa dối được ai.
Hòa thượng Huỳnh Kim nói với tôi rằng mình làm chết xác, nhưng không mấy người bằng lòng; còn Hòa thượng Chủ tịch Trí Tịnh ngồi yên suốt mấy nhiệm kỳ mà không ai phản đối. Chúng ta không nên đánh giá việc làm bên ngoài, phải thấy được sức mạnh của cái đức bên trong.
Anh em phải học và tu cho được cái đức như cố Hòa thượng Chủ tịch. Ngài ngồi yên, không phải không làm, ngài làm bằng cái đức. Ngài phân định rõ nửa ngày giao tiếp với chúng sanh, nửa ngày nghiêm mật tu hành để tiếp cận Phật. Vì vậy, buổi chiều ngài không tiếp khách, dành thì giờ dịch kinh, niệm Phật, tham thiền để xây dựng cái đức. Ngài chỉ tiếp cận với Phật, Bồ-tát; đó là việc rất quan trọng mà anh em phải thực hiện cho được như ngài.
Một hôm ngài niệm Phật, ngồi thiền thấy trên hư không hiện ra chữ Nam-mô A Mi Đà Phật, nên ngài không niệm A Di Đà Phật. Tiếp cận Phật là nghĩ về Phật, về cảnh giới Tây phương. Buổi sáng Hòa thượng dành thì giờ tiếp chúng sanh, hướng dẫn người cầu học.
Đức Phật chúng ta cũng đi giáo hóa chúng sanh buổi sáng để người hữu duyên nhìn thấy ngài mà phát tâm, không phải khất thực để xin ăn. Ở Lộc Uyển, chưa có người đắc La-hán, tâm chưa thanh tịnh, người khác trông thấy sẽ khởi niệm ác, nên chỉ một mình Phật đi khất thực san sẻ cho năm anh em Kiều Trần Như. Đến khi Kiều Trần Như đắc La-hán, Phật mới cho ông cùng đi khất thực để nuôi bốn người kia. Sau đó mới đến Mã Thắng đắc La-hán cũng được Phật cho phép đi khất thực chung.
Người đắc đạo giáo hóa chúng sanh bằng tâm, dùng tâm nghĩ đến người nào thì người đó cảm nhận được và tự phát tâm là cách giáo hóa lớn của Bồ-tát. Tôi thí nghiệm pháp này. Giữ cho tâm thanh tịnh và nghĩ tốt về người nào, chỗ nào, thì một khoảng thời gian thấy phản ứng của họ, của nơi đó hướng về ta, tìm đến ta để cầu học là biết đúng pháp. Giáo hóa bằng tâm có cái lợi là không sợ mất lòng, không sợ lỡ lời.
Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật thường sử dụng tâm để giáo hóa chư Thiên, Bồ-tát. Ngài không nói, nhưng hướng tâm đến họ thì họ tiếp nhận được tâm thánh thiện của Phật, liền phát tâm Bồ-đề và theo Phật tu hành.
Ngoài ra, còn có giáo hóa bằng ngôn ngữ. Người tìm ta thưa hỏi việc hay hỏi đạo, nghe pháp, tùy theo đó ta cho lời khuyên thích hợp để họ yên tâm và tu hành. Riêng tôi có thắc mắc gì thường nhờ Hòa thượng Chủ tịch chỉ dạy. Có thưa thì ngài mới nói và thưa thì phải quỳ xuống ngài mới dạy; không phải cá ươn mà nài bán. Người tha thiết cần cầu như tôi thì ngài dạy không uổng công.
Đối với hạng người thứ ba, Đức Phật cứ yên lặng cầm bình bát đi, người thấy bóng dáng thanh tịnh của Phật liền tự phát tâm, đắc quả, đắc pháp.
Trên bước đường tu, anh em nên dành thì giờ tiếp cận Phật, Bồ-tát, do thiền quán mà nghĩ về cảnh giới Phật, do tụng niệm lễ bái mà cảm được hạnh đức của Phật, tiêu trừ được nghiệp, phát sinh trí tuệ. Và dành thì giờ tiếp cận Phật nghĩa là thể hiện tinh thần thượng cầu Phật đạo. Khi tiếp xúc được với Phật, Bồ-tát sẽ hiện được tướng thanh tịnh, giải thoát khiến cho người thấy phát tâm mới thể hiện được việc hạ hóa chúng sanh.
Mong rằng anh em tu học nghiêm trang để không cô phụ sự tin tưởng của Giáo hội và đàn-na tín thí.