Tấm lòng rộng lớn của “Bé nhỏ”

GN - “Bé nhỏ” là biệt danh từ thuở thơ ấu của chị Nguyễn Thị Trường An, pháp danh Nhuận Bình, vì vóc người nhỏ bé của chị so với những anh chị của mình. Bây giờ, mọi người cũng quen gọi chị như vậy, một cái tên thân mật mà khi gọi đến ai cũng dành cho thật nhiều những tình cảm yêu mến...

Giúp người ăn chay

Là chủ một công ty kinh doanh nhỏ, nhưng chị Trường An vẫn dành những phần lợi nhuận khá khiêm tốn của mình vào những hoạt động từ thiện, vào những hộp cơm chay đong đầy tình thương.

Anh 2, Trang PGTT GN 774.jpg
Chị Trường An đang chuẩn bị những phần cơm từ thiện trong niềm hoan hỷ - Ảnh: T.Linh

Cứ vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, chị lại tổ chức nấu và tặng những phần cơm chay tại nhà cho những người lao động nghèo, người muốn ăn chay ở xung quanh nơi chị ở, hay đôi khi chỉ là những người hữu duyên đi qua đoạn đường trước nhà chị (số 738 Quốc lộ 13, khu phố 4, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Bếp cơm từ thiện của chị An được lập ra khoảng 4-5 tháng nay nhưng đã và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Từ những anh chị em trong nhà đến những người hàng xóm, cứ đến những ngày nấu, phát cơm, mọi người đều vui vẻ đến phụ chị từ rất sớm. Chị nói, có người đến còn góp thêm gói muối, bịch đường, miếng rau, cân gạo… Những sự chung tay tuy là rất nhỏ nhưng chị cảm thấy rất an ủi, thấy thương lắm, “như vậy là họ tin vào việc mình làm là tốt và cùng với mình thực hiện”.

Chị nói thêm, để có được số lượng hơn 500 phần cơm mỗi lần phát trong khoảng từ 1-2 tiếng vào buổi trưa, chị phải chuẩn bị từ ngày hôm trước, tính toán mua nguyên liệu để chế biến, rồi lên thực đơn nấu nướng. Có lúc chuẩn bị đến tận khuya nhưng chị đều cố gắng chỉ mong sao nấu được những hộp cơm chay thật ngon, thật bổ dưỡng trao cho mọi người.

“Là một người không giỏi nấu nướng”, chị An tâm sự, nhưng thật kỳ lạ là những món chay chị nấu đều được mọi người khen ngon, “chắc được Phật gia hộ cho mình”, chị cười và ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc. Chị cho biết cũng thường đi ăn chay tại nhiều nơi, thấy món nào ngon chị đều cố gắng tìm hiểu cách chế biến, rồi về nhà nấu thử với mong muốn có thể nấu thêm được nhiều món chay ngon để phục vụ tốt hơn cho những “thực khách” của mình, giúp họ yêu thích món chay và ăn chay nhiều hơn.

Được biết, ngoài bếp cơm từ thiện tại nhà ở thành phố, chị cũng có một bếp cơm từ thiện đặt tại tỉnh Bình Dương (bếp này hoạt động khoảng 2 năm trước). Ngoài ra, chị cũng tham gia nhóm từ thiện Những người bạn - giúp đỡ những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên tham gia vào hoạt động xây dựng cầu, đường của hội thiện nguyện chùa Nguyên Ngộ.

Nói về bản thân mình, chị An tâm sự, chị là người hạnh phúc, vì luôn có một chỗ dựa vững chắc là gia đình, anh Quang - chồng chị luôn là người thương yêu, hỗ trợ và sẻ chia với chị trong việc kinh doanh và những hoạt động từ thiện. Các con của chị cũng rất chăm ngoan và luôn ủng hộ mẹ. Có được “tài sản” quý báu là hạnh phúc gia đình, chị không mong muốn gì hơn là có thể sẻ chia niềm hạnh phúc đó với mọi người, thông qua từng hoạt động thiện nguyện của mình, chỉ mong mọi người sẽ có được niềm hạnh phúc.

Mong một chiếc xe cứu thương...

Với suy nghĩ dường như khá giản đơn “mình làm điều tốt thì mình sẽ gặp tốt”, người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn này vẫn luôn mong muốn làm thật nhiều việc tốt cho cộng đồng, giúp đỡ được thật nhiều người, gieo duyên lành cho những mảnh đời bất hạnh.

Hỏi thêm về ước mơ của chị trong tương lai, giọng chị nghẹn lại, chị ước sẽ mua một chiếc xe cứu thương để chở miễn phí những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hay bất cứ bệnh nhân nào có nhu cầu được giúp đỡ.

Chị kể lại, mỗi khi thấy người ta mất, không có tiền về quê hay những người bệnh không lo được chi phí chuyển viện, chị thương lắm nhưng chẳng thể làm được gì vì sức chị có hạn. Nơi chị sống cũng không có chiếc xe cứu thương nào nhất là khi người dân bị bệnh cần cấp cứu, chị nghĩ mình cần mua một chiếc xe cứu thương để giúp đỡ những người bệnh vì như thế. Dù điều kiện hiện tại chưa cho phép nhưng chị nói sẽ tích góp dần và biến ước mơ đó thành sự thật.

Huỳnh Thị Tú Linh


_________________
* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày