Khi trời trở lạnh là lúc Tết gần kề. Và rồi những ngày cuối đông cũng đến, khí lạnh hòa lẫn chút gió xuân mơn man và nắng nhẹ đem đến sức sống cho cỏ cây, cho muôn loài vạn vật. Trong vườn hoa lá nhú chồi non, những nụ hoa ngậm sương mai thẹn thùng chào xuân mới. Ai nấy cũng phấn khởi, lòng bất chợt nao nao, cứ như tâm hồn đang chuyển mình cùng vạn vật. Còn nhớ những ngày thơ ấu, mỗi khi Tết đến lòng rộn ràng niềm vui, thấy mình như lớn hơn khi mùa xuân về ban thêm tuổi mới. Trong tình cảm, nhận thức của mỗi người, Tết mỗi năm mỗi khác. Xuân bây giờ cũng không giống những xuân xưa. Khác nhau về sinh hoạt đời sống, về hoàn cảnh và tâm trạng đón xuân... Tết trong lòng mỗi người mỗi khác, song trong cảm thức chung của mọi người, Tết vẫn vui, vui lắm. Vui vì được đoàn tụ với gia đình, gặp lại những người thân. Vui vì được về thăm quê hương xứ sở. Vui vì kết thúc những tháng ngày bận rộn, có thời gian ngơi nghỉ vui chơi, thưởng thức những cuộc vui hội hè đình đám. Vui vì có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà, bày tỏ tình cảm đối với người thân, bè bạn… Tết đối với trẻ con thì vui lắm, có quần áo mới, có bánh mứt, có phong bao lì xì, được đi chơi, và hơn thế nữa là được thêm một tuổi. Còn Tết đối với người lớn có không ít nỗi buồn, nỗi lo toan lẫn vào trong niềm vui lớn. Tết đến, người lớn phải bận lo nhiều thứ, phải tranh thủ những công việc còn lại trong năm, phải chuẩn bị cho những khởi đầu sau Tết, phải trang hoàng nhà cửa, chăm sóc mồ mả tổ tiên, quà cáp biếu xén bà con thân thuộc, bạn bè, lo mua sắm sửa soạn áo quần, thức ăn cho ba ngày Tết. Mùa xuân là mùa giúp chúng ta ý thức về thời gian một cách rõ nhất. Cuộc sống luôn trôi chảy và thời gian không dừng, nhưng vì mải tất bật với cuộc mưu sinh mà người ta không nhận ra điều đó. Đến khi gió đông mơn man thổi, cánh én chao lưng trời, mai đào nhú nụ mang thông điệp báo hiệu xuân về, lúc ấy mới giật mình: Lại hết một năm, Tết đến. Ôi chao, thời gian nhanh quá! Và nhìn lại thấy mình đã già hơn, bấy giờ mới hay mình đã bỏ nhiều thời gian để tìm kiếm những gì, đã được những gì và đánh mất những gì, và mới hay mình không còn trẻ nữa. Mùa xuân chính là thời điểm nhìn lại những trải nghiệm cuộc sống để đúc kết những bài học có giá trị trong đời. Nhưng không phải ai cũng thế, nhất là đối với những người trẻ. Tuổi trẻ năng nổ, tràn đầy sức sống, thích khám phá phiêu lưu, luôn muốn tìm kiếm những điều mới lạ. Mùa xuân không phải là thời điểm họ nhìn lại những gì đã qua, mà là thời điểm nhìn về tương lai sắp tới, đối với họ mùa xuân là mùa của những khởi đầu. Mùa xuân còn mở ra cho họ những cơ hội thỏa mãn niềm yêu thích, đam mê. Mùa xuân là dịp để họ đi đó đi đây mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu biết. Có người mê thú du lịch, dành mấy ngày Tết ngắn ngủi cho những cuộc đi chơi đó đây mà quên việc đoàn tụ với người thân để ôn lại những tình cảm gia đình thiêng liêng quý báu. Có khi việc thắp một nén hương trước mộ hay bàn thờ tổ tiên theo truyền thống uống nước nhớ nguồn cũng bị lãng quên vì "bận vui xuân" với bạn bè! Mỗi năm cứ đến ngày 15 tháng Chạp ai nấy lặt lá mai để cho cây ra hoa đúng Tết. Mai phát âm gần giống với "may" trong "may mắn", mai cũng là biểu tượng của mùa xuân. Ngày Tết nhà nào cũng chưng một cành mai rực rỡ trên bàn thờ tổ tiên và phòng khách. Nhà ở quê, miền Bắc thì trồng đào, miền Nam thường trồng mai trước cửa, có nhiều gốc mai tuổi đến mấy mươi năm. Thời tiết bây giờ thật khó đoán, trời mùa đông không còn lạnh căm căm, khí hậu biến đổi thất thường, cây mai cũng ra hoa không đúng hẹn, người trồng mai phải lặt lá sớm hoặc muộn hơn tuỳ theo thời tiết mỗi năm. Năm nay không biết cây mai trước nhà ai lặt lá? Có lẽ mai cũng buồn vì người năm cũ đã đi xa. Đây không phải là cái Tết đầu tiên xa nhà nhưng sao nghe nhớ quá! Gió thoang thoảng hơi xuân, cái khí lành lạnh hòa vào trong nắng nhẹ tạo cảm giác ấm áp dễ chịu đến lạ kỳ. Tôi biết xuân đã về bên cửa sổ…