Tản mạn chuyện giàu nhân "ngày thần tài"

Bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chen chúc mua vàng cầu may - Ảnh: TTO
Bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chen chúc mua vàng cầu may - Ảnh: TTO
GNO - Sáng ngày 10 tháng Giêng, tôi đi làm sớm hơn mọi ngày, đi ngang qua những con đường quen ở TP.HCM, thi thoảng lại thấy vài chỗ đông đúc người đứng đợi. Chỗ ấy (tiệm vàng) mọi ngày không đông như vậy, hóa ra hôm nay nhiều người tụ tập để chờ mua vàng.

Lên tới cơ quan, đọc báo và lướt mạng xã hội mới thấy, ở Hà Nội, nhiều người đã xếp hàng chờ mua vàng từ 4g sáng; nhiều người xếp lâu quá không mua được, đâm bực bội, nổi sân si, rồi cãi nhau giữa đám đông chờ đợi. Một cảnh tượng không đẹp mấy nhưng thường thấy ở ta, vì với nhiều tình huống xếp hàng tương tự (thậm chí trong tình cảnh nguy cấp của động đất ở Nhật), người dân nước họ cũng nhẹ nhàng, trật tự, nhường nhau.

Chưa nói về việc ứng xử nơi công cộng, chỉ nghĩ về việc mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm (theo quan niệm đây là "ngày thần tài", mua vàng sẽ may mắn, phát đạt, giàu có...) mới thấy, đôi khi niềm tin của con người thiệt mông lung, thiệt kỳ lạ. Họ mong muốn vào sự ban phát, gia hộ nên nỗ lực làm những điều được truyền-tụng một cách thiếu cơ sở khoa học, chủ yếu dựa vào "thế lực siêu nhiên" rồi gia tâm làm, làm cho yên tâm khi đa số mọi người đều làm vậy.

Trong dòng người xếp hàng mua vàng có đủ thành phần, trong đó có những người trẻ, những trí thức của xã hội.

Chia sẻ về việc tranh nhau mua vàng rồi sinh sự cãi nhau, một người bạn của tôi bày tỏ - "thần tài, may mắn chưa thấy đâu, chỉ thấy thần bực bội xuất hiện, thần sầu có mặt rồi".

Tôi thì nghĩ, ngày này, thần tài chỉ gõ cửa chỗ mấy tiệm vàng, vì họ được dịp bán quá trời vàng, đôi khi nâng giá cao hơn thường ngày. Còn người mua, cũng chỉ sắm được số vàng bao nhiêu đó cộng với sự đầu tư thời gian, sự mỏi mệt đợi chờ, đôi khi mua cao hơn giá thường ngày. Như vậy, một việc nghĩ là may mắn nhưng lại tạo ra sự thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần - đã là không đúng ngay từ lúc bắt đầu rồi.

Nhìn từ lời Phật dạy thì mọi biểu hiện lành trong cuộc sống của mỗi người tùy thuộc vào nhân-duyên tốt người ấy gieo tạo trong quá khứ, hiện tại lẫn định hướng đẹp cho tương lai chứ không phải do ai đem tới, sắp đặt, tạo dựng.

Theo đó, mỗi người là chủ nhân kiến tạo cuộc đời mình, mỗi người sẽ là "thần tài" của chính mình bằng việc gieo nhân-duyên lành trên bước đường sống, tu học của bản thân. Và, một khi có phước báo, đến lúc hội đủ duyên lành thì tự khắc mọi việc tốt sẽ đến (tức biểu hiện của quả lành).

Tôi nhớ lại, trong một quán ăn chay có treo những điều tâm niệm thuộc về nhân quả được ai đó quán chiếu, ghi lại; chủ quán đã in ra để thực khách tham khảo. Nội dung gồm có mười lý do nghèo: 1 - phóng túng, không lo làm ăn, từ từ sẽ nghèo; 2 - tiêu phí tiền bạc không tiếc tay, rồi sẽ bị nghèo; 3- hằng ngày thức dậy trễ - đường đi đến chỗ nghèo; 4 - nhà có ruộng đất không lo canh tác, làm biếng sẽ bị nghèo; 5 - ham kết bạn với người giàu có hơn mình, nhìn cao đua đòi mà nghèo; 6 - vay nợ làm sang, tỏ ra mình giàu - tự mình làm nghèo; 7 - sống tự ti mặc cảm, tỏ ra anh hùng, tức khí mà nghèo; 8 - vợ chồng ăn no làm biếng, con cái lêu lỏng nên phải nghèo; 9 - để con cháu giao du với người bất lương, bị lừa gạt mà nghèo; 10 - thích rượu chè, trai gái, cờ bạc sẽ nghèo triệt để.

Bên cạnh đó, còn có 10 điều làm giàu: 1 - không từ mọi gian nan, cực khổ vì cần kiệm mà giàu; 2 - buôn bán công bằng, uy tín, trung hậu mà giàu; 3- mỗi sáng thức dậy sớm, chăm chỉ mà giàu; 4- thường chăm lo việc gia đình, lâu ngày sẽ giàu; 5 - giữ gìn nhà cửa, đề phòng trộm cướp, hỏa hoạn mà giàu; 6 - không làm những việc phi pháp sẽ giàu; 7 - trong nhà già trẻ giúp đỡ lẫn nhau, một lòng mà giàu; 8 - thương vợ hiền con ngoan, không hà hiếp ghen tuông giúp gia đình làm giàu; 9 - dạy con cháu biết tạo lập sự nghiệp để đời sau sẽ giàu; 10 - một lòng tích đức làm thiện, vì ở hiền mà giàu.

Đọc những điều trên, tôi tâm đắc - người suy nghiệm những điều trên đã giúp cho bao người làm giàu cái nhân tốt, có thể họ chưa giàu về tiền bạc nhưng sẽ giàu về sự bình an, thanh thản. Những người tốt theo đó sẽ chiêu cảm, gần họ, cùng họ kiến tạo điều tốt đẹp hiện tiền và mai sau, đời sau. Chứ làm sao có thể giàu có từ chuyện mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng được nhỉ?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày