GN - Tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ VIII, trước thềm Đại hội lần thứ IX của GHPGVN TP.HCM, nhóm PV Giác Ngộ đã ghi nhận ý kiến của chư tôn đức lãnh đạo chủ chốt thuộc Ban Thường trực BTS và các cư sĩ, Phật tử tiêu biểu, đại diện cơ quan chức năng, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
TT.Thích Thanh Phong, UV Thường trực BTS GHPGVN TP:
“Tận tâm hoàn thành công việc Tăng sai”
Phật giáo TP.HCM là một trong những nơi có nhiều hoạt động Phật sự lớn và sôi nổi nhất cả nước. Được quý Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội TP giao trọng trách coi sóc một số công trình xây dựng, chúng tôi đảm nhận trong tinh thần Tăng sai.
Đầu tiên phải kể đến đó là công trình xây dựng Việt Nam Quốc Tự (VNQT), đây là một công trình lớn và trọng điểm của Giáo hội TP, sau khi làm lễ đặt đá vào ngày vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm 19-9-Giáp Ngọ (2014), bộ phận phụ trách xây dựng đã bắt tay ngay vào công việc. Tất cả từng hạng mục công trình đều được chúng tôi báo cáo tiến độ xây dựng đến chư tôn đức Ban Thường trực BTS. Đây không những là công trình được sự lưu tâm của Tăng Ni, Phật tử tại TP.HCM, mà còn có sự quan tâm của chư tôn đức và Phật tử các tỉnh thành trong cả nước, bởi đây là mảnh đất và công trình có tính lịch sử. Trong quá trình xây dựng cũng có nhiều góp ý, thậm chí cả sự chưa hài lòng do mọi người chưa hình dung được tổng thể công trình khi hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, khi công trình đã gần như hoàn thiện, hầu hết đều nhận được sự hài lòng của số đông những người quan tâm. Công trình chánh điện hiện chỉ còn các phần ốp gỗ ở các vị trí; các phần còn lại đã bắt đầu đưa vào sử dụng. Phần công trình tháp đang trong tiến độ xây dựng và đang thi công đến tầng thứ 11 trong tổng số 13 tầng của hạng mục này.
Ngoài công trình VNQT, chúng tôi cũng được Tăng sai phụ trách thêm hai công trình khác nữa là Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và chùa Bát Bửu Phật Đài tọa lạc ở huyện Bình Chánh. Công trình Học viện đến nay đã xây dựng xong 5 hạng mục trong tổng số 7 hạng mục: tòa nhà hành chính, 1 tòa giảng đường, 3 ký túc xá Tăng Ni. Còn lại 2 hạng mục là 1 tòa giảng đường và 1 ký túc xá. Đây là những hạng mục riêng của khu học viện. Ngoài ra, trong quy hoạch của tổng thể công trình hơn 23ha này còn có khu văn hóa Phật giáo, khu tâm linh… Công trình mảng cây xanh của cả khu đất cũng đang được thi công thực hiện nhằm tạo ra một môi trường xanh mát. Đây là một công trình lớn với sự đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng; vì thế các hạng mục công trình sẽ xây dựng dần.
Với công trình chùa Bát Bửu Phật Đài, sau khi san lấp mặt bằng và tiến hành đóng cọc, Ban xây dựng đã bắt đầu thi công tầng 1. Đây cũng là một công trình với sự đầu tư lớn của Phật giáo TP.
Sau một thời gian ngắn và khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo của các Hòa thượng và chư tôn đức, các công trình lớn đã gần như hoàn thành theo tâm nguyện. Bản thân chúng tôi chỉ làm theo sự chỉ dạy của các ngài và cố gắng hết sức mình, tận tâm với ước nguyện đóng góp công sức vào các công tác Phật sự chung của Giáo hội.
HT.Thích Thiện Bảo, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP:
“Giáo hội TP nên giao trách nhiệm cho một vị phụ trách phát ngôn chính thức”
Ban Thông tin - Truyền thông là ban mới của GHPGVN TP trong nhiệm kỳ VIII. Các thành viên của Ban rất cố gắng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mà Ban Thường trực BTS GHPGVN TP giao phó, tuy nhiên vẫn còn những Phật sự chưa thực hiện được một cách toàn vẹn. Tôi mong trong nhiệm kỳ mới, vị nào được suy cử phụ trách Ban Thông tin - Truyền thông sẽ có những phương hướng tiếp nối những gì nhiệm kỳ cũ chưa thực hiện được.
Trong nhiệm kỳ mới này, tôi nghĩ GHPGVN TP nên có một phương cách và kế hoạch về truyền thông như giao trách nhiệm cho một vị phụ trách phát ngôn chính thức. Đây là cách tốt nhất nhằm tránh đi những thông tin xấu, sai lệch đối với truyền thông Phật giáo hiện nay.
Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần này, tôi nghĩ GHPGVN TP nên dung hòa cơ cấu nhân sự theo hướng chuẩn bị kế thừa, khi giao nhiệm vụ lãnh đạo cho một nhân sự mới bắt buộc phải kinh qua những quy trình mà Giáo hội đã quy định cụ thể bằng văn bản, tránh cảm tính cá nhân.
Chúng ta biết trong thời điểm hiện nay, hoạt động Phật sự phải đi vào chiều sâu và thiết thực không chỉ có hình thức mà đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu bức thiết của Tăng Ni, tránh những công tác Phật sự có tính phong trào mà phải xây dựng một chiến lược lâu dài, có như thế mới tạo được điểm nhấn cho một nhiệm kỳ. Là thành viên của GHPGVN TP, tôi tin tưởng, kỳ vọng nhiệm kỳ mới sẽ mở ra một cơ hội cho những nhân sự trẻ năng động, nhiệt tâm để đóng góp cho hoạt động Phật sự, phát triển vững mạnh cho BTS GHPGVN TP, đơn vị Phật giáo đứng đầu của cả nước về số lượng Tăng Ni.
HT.Thích Chơn Không, Q.Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử (HDPT) GHPGVN TP:
“Vận động các tự viện tổ chức khóa lễ tụng kinh Phước đức hàng tuần, đề xuất xét duyệt hồ sơ xin công nhận chính thức các đơn vị GĐPT mới thành lập…”
Trong nhiệm kỳ qua, Ban HDPT TP đã có các hoạt động Phật sự khởi sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đáng kể nhất là kiện toàn nhân sự của Ban HDPT TP, đẩy mạnh chương trình Phật hóa gia đình và đạt những thành tựu khả quan. Hiện nay, có 26 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt thường xuyên với 275 huynh trưởng và 1.310 đoàn sinh. Tổ chức tốt các trại họp bạn Lục Hòa, ngày Dũng, ngày Hạnh, ngày Hiếu truyền thống của GĐPT hàng năm và nhiều thành tựu Phật sự khác.
Trong nhiệm kỳ tới, Ban HDPT TP tổ chức triển khai quán triệt các nghị quyết, chủ trương chuyên ngành của Ban HDPT T.Ư, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022) đến toàn thể thành viên trong Ban HDPT TP, các thành viên Ban HDPT 24 quận huyện, chư tôn đức điều hành các đạo tràng, khóa tu, lớp giáo lý, giảng đường; Tổ chức các khóa tập huấn chuyên ngành Cư sĩ Phật tử và Thanh thiếu nhi Phật tử; Tổ chức sinh hoạt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tu học, hội thi giáo lý, tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Phật hóa gia đình”, vận động các tự viện tiến hành tổ chức khóa lễ tụng kinh Phước đức hàng tuần, đề xuất với BTS GHPGVN TP xét duyệt hồ sơ xin công nhận chính thức các đơn vị GĐPT mới thành lập và thành lập thêm các đơn vị GĐPT tại các tự viện có nhu cầu.
TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP:
“Giáo hội TP nên quyết liệt thực hiện 5 chính sách quan trọng”
Nhờ sự đồng tâm hiệp lực của các lãnh đạo và thành viên, Ban Văn hóa GHPGVN TP trong nhiệm kỳ 2012-2017 đã đóng góp và thành tựu một số lãnh vực Phật sự tiêu biểu. Về triển lãm mỹ thuật Phật giáo có 16 đợt triển lãm, tại Hội Mỹ thuật TP, Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang, Xá Lợi, Pháp viện Minh Đăng Quang, Trường Đại học KHXH&NV.
Về Tuần lễ Văn hóa Phật giáo, BVH đã tổ chức 9 lần tại chùa Phổ Quang và Việt Nam Quốc Tự; tổ chức 2 lần về tư vấn mùa thi, chiếu phim Phật giáo: Cuộc đời Đức Phật, giao lưu với đạo diễn và diễn viên chính tại 10 tỉnh thành năm 2014; chiếu phim Công chúa Da-du-đà-la và phim Đức Phật 55 tập; tổ chức 3 lần Giờ Trái đất. Ban Văn hóa hợp tác với Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tổ chức Tuần lễ Văn hóa Ấn Độ và 2 lần lễ hội yoga quốc tế; 2 lần tổ chức Hội diễn văn nghệ Phật giáo cho 24 quận huyện;10 Đại nhạc hội Phật giáo chuyên nghiệp, hoành tráng tại Nhà hát Hòa Bình và Sân khấu Lan Anh, tổ chức 5 lần chương trình Di Lặc du xuân, mỗi lần tặng 1.000 phần quà vào đêm giao thừa.
Để đạt được kết quả tốt trong việc thúc đẩy hoạt động Phật sự của các ban ngành chuyên môn nêu trên, chúng tôi kỳ vọng lãnh đạo GHPGVN TP.HCM nhiệm kỳ 2017-2022 cần có chính sách tiên quyết về: 1. Thuyên chuyển thích hợp và chuyên môn hóa năng lực của các vị phụ trách vai trò Trưởng, Phó, Thư ký của 13 ban ngành và 24 BTS quận huyện để hiệu quả Phật sự của nhiệm kỳ mới phải cao hơn các nhiệm kỳ trước; 2. GHPGVN TP nên tiên phong trong việc trẻ hóa lãnh đạo Phật giáo ở cấp Phó BTS GHPGVN TP, 12 ban chuyên môn và 24 BTS quận huyện; 3. BTS GHPGVN TP nên định hướng các hoạt động Phật sự với tầm nhìn xa, lớn, để 12 ban và 24 BTS quận huyện phải năng động và hiệu quả trong các Phật sự được gánh vác hay được giao phó; 4. Tăng cường sự giám sát các hoạt động Phật sự của 12 ban và 24 BTS quận huyện; khen thưởng Tăng Ni hữu công để khích lệ tinh thần phụng sự và đóng góp; không tái bổ nhiệm các Tăng Ni thiếu năng lực, thiếu cam kết, thiếu hiệu quả… trong các Phật sự được giao phó.
Nói chung, các Phật sự của GHPGVN TP phải mang tính quy mô, vĩ mô, thiết thực và hiệu quả, góp phần mô hình hóa và tiên phong hóa các hoạt động Phật sự, nhằm tạo giá trị tham khảo cho BTS GHPGVN TP các tỉnh thành khác. Tôi cho rằng khi các hoạt động Phật sự nêu trên được tổ chức có hệ thống, kịch bản, đều đặn, đồng bộ và thân thiện với người tham gia thì các Phật sự của chúng ta sẽ góp phần cải thiện xã hội, theo đúng tinh thần “phụng sự nhân sinh tức là cúng dường Đức Phật một cách thiết thực”.
Bài liên quan: Phát triển bền vững trên tinh thần giới luật, giáo luật || Nhìn lại để vững chãi hướng về tương lai ||