GN - Ba mươi năm là một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên dường như không đủ để Rinchen Khando Choegyal quên đi khoảnh khắc cô phải chứng kiến số lượng lớn chư Ni Phật giáo Tây Tạng di chuyển đến Ấn Độ trong cuộc hành trình năm 1987.
Chư Ni trẻ Phật giáo Tây Tạng
Rinchen Khando Choegyal cho hay nhu cầu chính yếu lúc đó là “một nơi để trú ngụ và các điều kiện chăm sóc cơ bản dành cho chư Ni”. Bởi lẽ cô đã bị khủng hoảng và chấn thương trong một thời gian dài do điều kiện sống thiếu thốn.
Từ đó dự án về chư Ni Phật giáo Tây Tạng hình thành, được sáng lập bởi Choegyal và các vị tu sĩ Tây Tạng sống trên đất nước Ấn Độ và tại nhiều quốc gia khác. Dự án này đã kỷ niệm 30 năm ngày thành lập vào năm 2017 vừa qua. Hiện tại, với sự giúp sức của nhiều vị mạnh thường quân và các nhà tài trợ trên toàn thế giới, dự án đã hoàn tất xây dựng Ni xá dành cho hơn 700 chư Ni Phật giáo Tây Tạng tại 8 Ni viện khác nhau.
Mục đích khác của dự án là hướng đến giáo dục. Nhiều chư Ni thuộc Phật giáo Tây Tạng đến Ấn Độ có hiện tượng mù chữ. Hiện tượng này khá phổ biến đối với nữ giới Tây Tạng thuộc tầng lớp thứ 2 phát tâm xuất gia tu học. Tu viện đã nỗ lực giúp họ tiếp cận việc giáo dục và đào tạo liên quan đến Phật học, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế.
Ngày nay, chư Ni sau khi được chăm sóc bởi dự án này đã có cơ hội học tập và giáo dục nhiều hơn. Một cột mốc quan trọng là vào năm 2016, một nhóm chư Ni được hỗ trợ bởi dự án này tại các tu viện đã trở thành những nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đầu tiên thi đậu bằng Geshema, tương đương với học vị tiến sĩ của chương trình Phật học.
Dự án cũng đã giúp phá vỡ các rào cản chính khác khi cho phép nữ tu giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức tu viện của Phật giáo Tây Tạng.
“Mang lại chất lượng giáo dục và tạo ra sự bình đẳng cho chư Ni là điều rất quan trọng”, cô Choegyal, hiện đảm nhiệm đồng giám đốc của dự án khẳng định. “Chính giáo dục có thể làm cho chư Ni nâng tầm hiểu biết. Họ sẽ hiểu hơn về bản chất tự nhiên của cuộc sống, nhận ra việc Đức Phật luôn dạy chúng ta thực hành để có một cuộc sống an lạc và vị tha đối với tất cả mọi người”.
Chư Ni có trình độ học vấn tốt hơn cũng có thể tham gia vào sứ mệnh hoằng pháp. Họ đã và đang đảm nhận vai trò thuyết giảng trong cộng đồng Phật giáo. Lãnh đạo dự án cũng hy vọng một ngày nào đó có thể đưa chư Ni đến các trường đại học để cải thiện tiếng Anh, để họ có thể “diễn đạt kiến thức, trí tuệ đến với rộng rãi người học Phật trên toàn thế giới”.
Gia Trúc (theo Lion’s Roar)