Tăng Ni sinh khóa XI sẽ nội trú trước mùa an cư năm tới

GN - LTS. Như thông tin trước đây liên quan đến tiến độ xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là Học viện) tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, dự kiến sẽ đưa khai giảng khóa XI (2015-2019) và đưa toàn bộ Tăng Ni sinh khóa XI vào quy chế nội trú tại cơ sở mới này. Trước nhiều thắc mắc của Tăng Ni, Phật tử quan tâm, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HÐTS GHPGVN, Viện trưởng Học viện về vấn đề trên.
1 hthuong 1.jpg
HT.Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn

Bạch Hòa thượng, Hòa thượng cho biết tiến độ thi công cơ sở Học viện đến nay như thế nào rồi?

- Kể từ lúc làm lễ khởi công xây dựng tháng 11-2012 cho đến nay, Hội đồng Ðiều hành Học viện đã tích cực trong các công việc giải tỏa và đền bù đất đai trên 23,8ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, hoàn tất các thủ tục về pháp lý, tạo mặt bằng để thi công các hạng mục ưu tiên theo kế hoạch.

Chúng tôi cũng đã quyết tâm thúc đẩy tiến độ thi công, trong kế hoạch dự tính, sẽ khai giảng khóa XI - tuyển sinh năm 2015 tại cơ sở mới này. Nhưng trong quá trình thi công, đã gặp một số trở ngại.

Hiện nay phần xây dựng cơ bản một số hạng mục chính trong quần thể kiến trúc Học viện đã xong, như tòa nhà giảng đường, Tăng xá và Ni xá, tòa nhà hành chánh… Các tiện nghi phục vụ cho giảng dạy và nội trú cũng đã đặt mua sắm tương đối đủ, có thể đưa vào sử dụng ngay được. Chỉ còn phần nội thất của cơ sở hành chánh, Hội đồng Ðiều hành đang cân nhắc về giải pháp trang thiết bị nội thất làm sao phù hợp với truyền thống lại vừa hiện đại và tiết kiệm, tạo điều kiện cho các giảng viên lưu trú giảng dạy và nghiên cứu một cách thuận lợi nhất.

Hội đồng Ðiều hành sau khi xem xét, đánh giá và cân nhắc một cách toàn diện, đã quyết định dời lùi lại nửa năm, dự kiến sẽ đưa Tăng Ni sinh khóa mới vào nội trú trước mùa an cư năm tới.

Chúng tôi đang cho tiến hành xây dựng một đại giảng đường, điện Phật và nhà ăn có khả năng phục vụ cho 1.000 người.

Hội đồng Ðiều hành cũng đã xem xét đến nguồn nước sạch phục vụ cho số lượng cả ngàn người, sau khi làm việc với đơn vị cấp nước của thành phố, hiện cũng phải chủ động nguồn nước giếng khoan tại chỗ cùng với hệ thống lọc và phân phối để chủ động trong mọi tình huống.

Thời gian mấy tháng sắp tới, Hội đồng Ðiều hành sẽ cho hoàn thiện một số công trình phụ, không gian phụ cận nhằm tạo sự hài hòa, thân thiện cho Tăng Ni sinh có thể vừa học vừa tu một cách hiệu quả.

Bạch Hòa thượng, những năm gần đây, Học viện đã cho Tăng Ni sinh nghỉ hè trong 3 tháng để về các trú xứ an cư, nhưng như Hòa thượng vừa cho biết, đối với khóa mới trong năm tới, sẽ có quyết định khác?

- Kể từ khi thành lập, ban đầu là Trường Cao cấp Phật học VN cơ sở 2, nay là Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh, mặc dù rất muốn có chương trình nội trú cho tất cả Tăng Ni sinh đủ điều kiện tu học, nhưng do không gian cơ sở nhỏ hẹp, chư tôn đức lãnh đạo vẫn chưa thể tiến hành chương trình nội trú được.

Chúng tôi cũng thấy rằng, Tăng Ni sinh theo học tại Học viện không chỉ là người thường trú tại thành phố, mà phần nhiều đến từ các tỉnh thành khác, khắp cả 3 miền trong cả nước. Sau khi thi tuyển, đủ điều kiện nhập học, các Tăng Ni sinh lại phải vất vả tìm chỗ trú để theo học. Việc đó phải nói là rất vất vả đối với Tăng Ni sinh.

Ðối với người tu, nhất là với các Tăng Ni trẻ, an cư là một trong những sinh hoạt không thể bỏ. Trong điều kiện như đã nói, chúng tôi đành phải cho Tăng Ni sinh ngoại trú nghỉ học, bắt buộc trở về các trú xứ an cư. Sau mỗi mùa an cư phải có giấy chứng nhận của cơ sở tự viện, hoặc Giáo hội địa phương trình diện với nhà trường. Nhà trường xem đó là một trong những cơ sở để đánh giá đạo hạnh của Tăng Ni sinh.

Nay điều kiện đã gần đủ, trong khóa XI này, khi chuyển về cơ sở mới tại xã Lê Minh Xuân, chúng tôi sẽ tổ chức cho Tăng Ni sinh vừa học vừa tu trong ba tháng an cư, sẽ không nghỉ như hiện nay.

Do đó, để khi Tăng Ni sinh đến nội trú, mọi cơ sở ổn định, tương đối tiện nghi như trong đời sống tự viện, nên Hội đồng Ðiều hành quyết định dành thêm thời gian cho đơn vị thi công hoàn thiện phần còn lại. Chúng tôi muốn mọi công trình được xây dựng một cách chắc chắn, không vì theo đúng tiến độ mà vội vàng, tránh những điều đáng tiếc sau này.

1 hthuong 2.jpg


Hòa thượng Viện trưởng chỉ đạo tại công trường - Ảnh: Bảo Toàn

Phật giáo Việt Nam chúng ta có nhiều tông phái, hệ phái khác nhau. Tăng Ni sinh cũng vậy, xuất gia và được hướng dẫn phương thức hành trì biệt truyền của hệ phái như Bắc tông (miền Bắc, Trung và Nam), Nam tông (Kinh và Khmer), Khất sĩ... Vậy khi vào nội trú, quy củ sẽ được định hướng như thế nào, bạch Hòa thượng?

- Ðiều đó cũng đã được Hội đồng Ðiều hành Học viện bàn bạc và cân nhắc. Với tính chất là môi trường học đường, nên chúng tôi sẽ chọn con đường trung đạo, phù hợp với thực tế.

Về nội quy dành cho Tăng Ni sinh được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc chung mà Hội đồng Ðiều hành đã cử đoàn đi khảo sát, học tập ở các trường đại học Phật giáo có chương trình nội trú dành cho Tăng Ni sinh theo các truyền thống Nam và Bắc tông tại Thái Lan, Ðài Loan..., cùng với việc thừa kế kinh nghiệm truyền thống Phật học viện của Phật giáo Việt Nam chúng ta trước đây.

Trên cơ sở đó, Hội đồng Ðiều hành sẽ có những gia giảm tùy thực tế, như tinh thần tùy chế trong luật nghi dành cho người xuất gia có từ thời Ðức Phật. Ðiều cốt lõi là làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni sinh nghiên cứu, học tập nhưng cũng phải giữ gìn đúng quy củ thiền môn, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Mẫu hình Tăng Ni sinh mà Học viện nhắm đến là mẫu người tu sĩ, dù ở tông phái, hệ phái nào, thì cũng phải nắm vững những giáo lý căn bản, lịch sử tư tưởng của Phật giáo, học nếp sống thiền môn, đủ các kỹ năng cơ bản để có thể tự nghiên cứu cũng như hướng dẫn tín đồ một cách tự tin.

1 hthuong 3.jpg


Các hạng mục chính và cảnh quan của cơ sở mới
Học viện đang đi vào giai đoạn hoàn thiện - Ảnh: Bảo Toàn

Bạch Hòa thượng, cơ sở nội trú dành cho Tăng Ni sinh tối đa được bao nhiêu người? Ðiều kiện để được nội trú là như thế nào?

- Phòng ở tối đa đã được xây dựng dành cho 1.000 người, với điều kiện về không gian học, sống, thể thao phù hợp, nhằm đảm bảo sức khỏe để Tăng Ni sinh tập trung tâm sức cho việc học và tu. Nhưng Hội đồng Ðiều hành Học viện quyết định, trong năm đầu chỉ nhận khoảng trên dưới 500 Tăng Ni sinh, số đạt trong kỳ thi tuyển vào khóa XI vừa rồi. Các khóa trước vẫn học tại cơ sở 750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận.

Trong tương lai gần, tất cả Tăng Ni sinh theo học chương trình đại cương sẽ phải nội trú và được miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở. Tăng Ni sinh chỉ phải đóng học phí theo quy định chung của Học viện.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

>> Xem thêm: Lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện PGVN tại TP.HCM || Chùm ảnh: Học viện PGVN tại TP.HCM đang thi công ||

Hoàng Ðộ thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày