GN - 7 năm qua, hàng nghìn sản phẩm tượng Phật, tượng A Di Đà, tượng Bồ-tát... bằng gốc tre của người nghệ nhân nơi sông Hoài phố Hội này đã tỏa ra Bắc vào Nam theo chân những du khách. Và quan trọng hơn, trong hành trang của không ít người nước ngoài đến Hội An khi trở về là những tượng Phật vừa giản đơn, vừa tinh tế được thỉnh từ cửa hàng của anh Huỳnh Phương Đỏ. Anh là người đầu tiên và duy nhất ở Hội An cho đến bây giờ có ý tưởng biến gốc tre thành tượng Phật, tâm huyết của anh Đỏ đã mang lại nhiều niềm tin cho mọi người…
Từ cơ duyên khi đứng ngắm dòng nước lũ...
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất và kinh doanh của anh Huỳnh Phương Đỏ ở khối phố Tân Thịnh, phường Cẩm Nam, thành phố Hội An (Quảng Nam) khi anh vẫn đang loay hoay với cái đục, cái cưa bên những tác phẩm chưa hoàn tất của mình. Bỏ qua nỗi bộn bề của công việc thường nhật, anh ngồi chia sẻ rất chân thành những tâm tư về con đường lập thân mà ít người lựa chọn này.
Anh Huỳnh Phương Đỏ bên tác phẩm của mình
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hoài thơ mộng, tuổi thơ của anh Huỳnh Phương Đỏ trải qua những ngày gian truân khi mà Hội An vẫn chưa được nhiều người biết đến. Ngay từ nhỏ, anh đã phải làm rất nhiều việc để mưu sinh phụ giúp gia đình. Đến năm 17 tuổi, ý thức được mình phải có cái nghề để nuôi sống mình và lo cho vợ con sau này, anh quyết định theo học nghề điêu khắc mộc - một cái nghề không lạ ở Hội An ngày ấy. Nhưng sau khi ra nghề, nhiều khó khăn lại đến với anh. Thứ nhất, anh không có vốn để mở cho mình một cơ sở riêng hoạt động kinh doanh. Thứ hai là, cho dù có mở ra được, thị trường tượng điêu khắc gỗ ở Hội An ngay lúc đó đã quy về những làng nghề, những doanh nghiệp có tên tuổi. Là một người mới vào nghề như anh thì rất khó có thể cạnh tranh được. Rồi lại phải làm thuê cho các cơ sở từ chỗ này đến chỗ khác dù trong lòng anh không muốn...
Năm 25 tuổi, anh có vợ, cuộc sống có nhiều đổi khác. Anh quyết tâm đi bán bánh chưng để kiếm tiền lo cho gia đình và tích ít vốn chờ thời cơ. Rồi cơ duyên cũng đến. Trong một mùa lũ cách đây khoảng 7 năm, không thể đi làm, anh một mình đứng ngắm dòng sông Hoài cuồn cuộn nước đục ngầu đổ về. Chợt giữa dòng nước ấy, những bụi tre chỉ còn trơ gốc trôi dập dềnh lúc nổi lúc chìm hiện ra. Những gốc tre ấy như cuộc đời anh đang phải bôn ba tìm đường giữa cuộc sống xô bồ này. Và, trong đầu anh ý tưởng về những pho tượng bằng gốc tre hiện ra.
Ngay khi nước lũ rút, anh Đỏ đã tự mình đi dọc theo triền sông Thu Bồn (mà đoạn cuối đổ về biển gọi là sông Hoài) để tìm những gốc tre còn vương vãi lại trên bờ hay đã chìm ở một chỗ nào đó không sâu lắm. Anh tâm sự: “Lúc ấy, ý tưởng thì mới nghĩ ra, tiền thì không có, một mình tui kiên trì tìm cách kéo những bụi gốc tre ấy lên bờ rồi thuê người chở về nhà. Ban đầu, tay đục tay cưa đưa lên các gốc tre rất khó vì trước giờ tui chỉ quen làm trên gỗ mà thôi. Nhưng dần dần quen, các tượng Phật cũng như nhiều tượng hình dạng khác nhau được hiện hình và trau chuốt ngày càng đẹp hơn, tỉ mỉ hơn. Khi bước đầu có người mua và đặt hàng, tui mạnh dạn đi tới các vùng quê khác thu mua gốc tre về để tạc tượng Phật với số lượng lớn. Ấy vậy mà đã hơn 7 năm rồi...”.
Những gương mặt tượng độc đáo
Hiện nay, cửa hàng tượng Phật bằng gốc tre của anh Đỏ ở phường Cẩm
Bộ ảnh Phúc Lộc Thọ bằng gốc rễ tre
Vui hơn, khi anh Đỏ bảo rằng từ một ý tưởng mưu sinh, cho đến giờ, cái nghiệp tạc tượng Phật bằng gốc tre đã biến anh thành người nghệ sĩ. Anh bắt đầu trở nên đam mê hơn rất nhiều dù cho bây giờ không còn nặng lắm về kinh tế. Những gốc tre khô đã bỏ đi ấy càng ngày càng có sức hút hết sức mãnh liệt với anh. Và, hàng trăm tác phẩm nghệ thuật độc bản đã ra đời từ niềm đam mê đó của nghệ nhân. Điều anh cảm nhận được là từ khi tạc những pho tượng Phật, anh cảm thấy mình trở nên hiền hơn, đằm tính hơn, bao dung hơn và bình tĩnh trước những đắng cay, vui buồn và được mất trong cuộc đời.
Làm việc là làm việc nhưng nếu có ai hợp về tâm trạng cũng như có lòng muốn khám phá, nghiên cứu về chuyện tạc tượng gốc tre thì anh Đỏ sẵn sàng ngồi chia sẻ hàng tiếng đồng hồ, có thể là cả ngày. Cuối buổi trò chuyện, thế nào khách cũng được tặng một pho tượng Phật mà anh Đỏ ưng ý nhất. Cũng vì thế mà bạn bè anh em ở các nơi cũng như bà con khu vực đều yêu mến anh.
Giờ đã có một cơ ngơi tuy chưa bề thế nhưng đủ để yên tâm, một thương hiệu khá duyên dáng và độc tôn trong làng điêu khắc nhưng trong lòng anh cũng còn khá nhiều băn khoăn. Đầu tiên, anh muốn truyền cái nghề đặc biệt này lại cho một ai đó. Bởi những tượng Phật có xuất thân thơm thảo từ gốc tre mang một cái hồn riêng không gì có thể sánh được của quê hương này, của đất này, của dân tộc Việt mình.
Nhưng chẳng có ai mặn mà với việc anh đang làm. Tất nhiên, giờ anh vẫn thuê những người thợ về phụ việc cho mình. Nhưng hầu hết họ đều làm công ăn lương chứ không hề có một sự đam mê như anh. Anh chỉ để họ làm các công đoạn phụ, còn việc tạc, điêu khắc, trau chuốt tượng anh đều phải tự tay làm. Bởi những pho tượng có đẹp hay không đều một phần lớn ở đam mê và cái hồn chân thật, cống hiến hết mình của người nghệ nhân làm ra nó.
Năm nay 39 tuổi, hàng ngày anh Huỳnh Phương Đỏ vẫn miệt mài tạo ra những pho tượng Phật bằng gốc tre để mọi người chiêm bái, ngưỡng vọng. Ở đó, một thế giới yên bình, thanh lương xuất phát từ tâm hồn, sự đam mê và trăn trở của một nghệ nhân.