Tệ nạn “thập diện mai phục” tại hội chùa Hương

Thịt rừng bày bán tại lễ hội chùa Hương.
Thịt rừng bày bán tại lễ hội chùa Hương.

Ngay thời điểm trước và sau khi khai hội, có thể ghi nhận những sự cố gắng của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cùng chính quyền địa phương trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực diễn ra lễ hội. Thế nhưng ngày hôm qua (9/2), theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, tại lễ hội này những tệ nạn dường như chỉ nằm chờ một thoáng lơ là của những người quản lý là lại chực chờ "hành" du khách.

Tệ nạn "phục kích" du khách

Sáng ngày 8/2 tức ngày 6 tháng Giêng năm Tân Mão, Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã chính thức khai mạc. Có thể ghi nhận một sự khác biệt của lễ hội năm nay đó chính là việc không còn cảnh ùn tắc giao thông trên suối Yến lẫn con đường dẫn về chùa Hương. Hiện tượng ùn tắc tại cáp treo cũng giảm đi đáng kể, cũng không còn hiện tượng "cò cáp treo" công khai như năm ngoái, dọc con đường dẫn đến khu bến Đục cũng như đường dẫn lên Thiên Trù đã im bặt tiếng loa đài quảng cáo... Thế nhưng để ý một chút, có thể thấy dường như trước những động thái "có vẻ” cương quyết của Ban tổ chức lễ hội những tệ nạn ăn theo vẫn đang "âm ỉ" hoạt động và nằm chờ sự lơi lỏng của Ban quản lý để bùng lên.

Ngay từ khu Vân Đình cách chùa Hương đến hơn chục cây số những "cò đò" đã xuất hiện dọc hai bên đường, chỉ cần thoáng thấy du khách đi chùa Hương là ngay lập tức rồ ga phóng theo mời chào. Một số du khách đã bị bất ngờ trước những màn phóng xe "tạt đầu" khá nguy hiểm của những “cò” này. Nhẹ nhàng hơn, một số “cò” từ từ bám theo rồi lân la bắt chuyện mời chào. Cũng có một số “cò” còn giả làm khách đi chùa để "rủ" đi cùng, chỉ cần nhận thấy khách lưỡng lự là những “cò” này quyết bám đến cùng để câu kéo.

Chị Phạm Thu Hiền (Dịch Vọng, Hà Nội) bức xúc phản ánh, ngay khi vừa đi qua khu Vân Đình chị đã loạng choạng suýt ngã chỉ vì một "cò đò" bất ngờ phóng vọt lên chèo kéo. Vừa từ chối “cò” đó xong, đi thêm được khoảng 1 km nữa lại có một “cò” khác bám theo chèo kéo đến tận gần khu Yến Vĩ mới chịu buông tha.

Bước vào khu bến Đục, dù Ban tổ chức lễ hội (BTC) đã phối hợp với các cơ quan chức năng vận động người dân về việc nghiêm cấm bán thịt thú rừng thế nhưng một số hàng quán dọc hai bên đường vẫn "lách luật" treo lủng lẳng đủ loại thú rừng thật giả lẫn lộn. Thử bước vào hỏi giá, ngay lập tức PV được bà chủ vồn vã chào giá với thịt nai rừng giá 200 ngàn đồng/kg, cầy hương 300 ngàn đồng/kg và "thịt hoẵng trúng bẫy" với giá lên đến 600 ngàn đồng/kg... du khách có thể mua mang về hoặc đặt chủ quán chế biến một vài món tráng miệng trước khi vào... bái Phật.

 Riêng đối với các loại hình dịch vụ hầu như không có gì khác so với các năm trước. Khách du lịch luôn bị "chém đẹp" khi muốn mua bất cứ thứ gì tại khu vực lễ hội với mức giá thường là gấp đôi, gấp ba giá thị thường, vé gửi xe máy tại một số điểm tư nhân cũng đội lên từ 10 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng cho một vé ngày và từ 20- 40 ngàn đồng cho một vé gửi qua đêm.

Theo thông tin từ phía BTC lễ hội, cho đến thời điểm cuối ngày 9/2 vẫn chưa phải giải quyết một trường hợp bị móc túi, mất cắp nào.

Chủ đò ngang nhiên "làm loạn"

Giá vé cho các dịch vụ khi tham gia lễ hội đã được công bố rõ ràng trên một số bảng treo cùng các phương tiện thông tin đại chúng với mức vé đi đò gộp cả hai chiều vào và ra là 25 ngàn đồng/người, BTC sẽ trích phần trăm ở giá vé này cho chủ đò. Nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết cộng với tâm lý "lạ đất" của du khách, những chủ đò vẫn ép khách phải trả thêm một khoản bồi dưỡng "tùy tâm" từ 20 - 50 ngàn đồng/ người.

Giá vé thắng cảnh đã bao gồm cả tiền bảo hiểm, nhưng ngay cả khoản này nhiều khi cũng chảy thẳng vào túi chủ đò khi không biết họ kiếm đâu ra những tấm "vé mời" để rồi thu tiền của du khách, xong những chủ đò này trực tiếp dẫn khách đến cổng rồi qua cửa bằng đường... "vé mời" chứ không phải bằng những tấm vé của BTC.

Một người lái đò tự giới thiệu tên là Lan cho biết: "ở đây giá chung là như thế, cả ngày quá lắm đi được 3 - 4 lượt khách mà không bồi dưỡng thì chúng tôi biết lấy gì mà sống".

Khi được hỏi về vấn đề này ông Nguyễn Phúc Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nói: "Năm nay ngay từ trước khi lễ hội diễn ra chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ kinh doanh để họ tự giác thực hiện. Sắp tới có thể chúng tôi xây dựng một khu kinh doanh ăn uống tập trung dưới sự giám sát chặt chẽ của BTC. Năm nay chúng tôi cũng đã triệt để ngăn cấm tình trạng chèo kéo khách, tuy nhiên do lực lượng bảo đảm trật tự mỏng lại phải trải ra ở một địa bàn rất lớn, đông du khách nên một số đối tượng vẫn lợi dụng kẽ hở này để lén lút hoạt động. Cũng đã có một số trường hợp va chạm nhỏ giữa du khách và chủ đò nhưng BTC đều đã giải quyết ổn thỏa. Trong những ngày tiếp theo chính quyền địa phương cùng với ban tổ chức sẽ kiên quyết dẹp bỏ những vấn đề lộn xộn trên".  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày