Có những con người cho đến tận cuối đời, hạnh phúc đối với họ vẫn là một thứ “xa xỉ” và lại càng xa xỉ hơn khi mùa Xuân, mùa hạnh phúc đang đến rất gần.
Chúng tôi có mặt tại Mái ấm chùa Diệu Pháp, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Gần 20 năm, nơi đây trở thành một “địa chỉ” của lòng nhân ái.
Cửa “không”
Đã bao năm qua, quán cơm “cộng đồng miễn phí” của chùa được mở cửa vào 3 ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật luôn đông thực khách. Họ là sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Chùa Diệu Pháp chẳng phải là một ngôi chùa khang trang nhưng đã gần 20 năm qua, ngôi chùa rất rộng cửa với những người già neo đơn.
Đại đức Thích Thanh Tri, phụ trách Mái ấm chùa Diệu Pháp nói vui: “Cửa Phật là cửa “không”. Những ông cụ, bà cụ được nuôi dưỡng tại đây đều không tài sản, không con cái, không nhà cửa. Hiện chùa đang nuôi dưỡng 53 cụ. Cụ cao tuổi nhất đã 96 tuổi. Các cụ sống tại đây, được các tăng ni, phật tử chăm sóc cho đến tận cuối đời. Nhà chùa cũng mua bảo hiểm y tế cho các cụ phòng lúc có bệnh tật, khi các cụ mất thì được lưu cốt tại đây”.
Cụ Nguyễn Thị Thìn, 96 tuổi (ngoài cùng bên phải) |
Mấy hôm nay, theo lời đại đức, mỗi ngày trung bình có khoảng 15 lượt các nhà hảo tâm từ khắp nơi trên đất nước đến quyên góp tiền và hàng theo lời kêu gọi của nhà chùa để tặng quà tất niên, mừng xuân Tân Mão cho người khiếm thị, khuyết tật và người già neo đơn.
Cụ Trần Văn Trắng, 80 tuổi, cụ là một trong những người sống lâu nhất tại ngôi chùa này. Người dân đưa cụ vào khi còn lang thang làm nghề lượm lặt ve chai và sống dưới gầm cầu. Cụ Trắng kể: “Tôi đã sống ở đây được 10 năm rồi, cả cuộc đời không vợ, không con, họ hàng ly tán trong chiến tranh”. Đối với ông, thời gian hạnh phúc nhất là được sống tại mái ấm này. Có cô bé sinh viên học một trường ĐH đâu đó ở quận 1, thường đến đây với các bạn để thăm nom các ông bà, con bé thương ông nhiều lắm. Ông nhớ 2, 3 mùa Xuân qua, cứ đến gần Tết, con bé cùng các bạn đến lấy hết chăn màn ra giặt, cho quà bánh, lì xì cho ông, bà và không quên những câu chúc cho ông bà sống lâu, sống khỏe.
Vào những ngày cận Tết, đến chùa Diệu Pháp và ngay cả các viện dưỡng lão, các trung tâm nuôi dưỡng người già khác cũng sẽ bắt gặp không ít tấm lòng của nhà hảo tâm chở các xe lương thực để các cụ già vui Xuân. Nơi đây cũng có mai vàng, bánh tét, dưa hấu nhưng cái mà các cụ cần là tình cảm của con cháu, người thân trong những ngày Tết thì lại thiếu vắng.
Đi tìm hạnh phúc
Đại đức Thích Thanh Tri chia sẻ: “Thực sự mà nói, tôi không nghĩ nơi đây là tốt đẹp nhất, đủ để làm cho các cụ cảm thấy hạnh phúc nhất. Càng vào ngày Tết, các cụ càng cảm thấy cô đơn, các cụ nhớ quê, nhớ người thân, nhớ con cái nhưng vì nhiều lý do các cụ không thể tìm gặp họ được”.
Đại đức kể lại chuyện, cách đây mấy hôm, một cụ tên thường gọi là Năm, 70 tuổi, hôm ấy bỏ đi đâu từ sáng sớm đến tận tối mới về. Gặng hỏi đi đâu, thì cụ trả lời rằng: “Buồn quá thầy ơi, con chỉ lên xe buýt đi, rồi cứ đi. Không biết nhà ai, không nhớ có ai nên lại quay về chùa”.
“Chúng tôi cùng các phật tử đã nhiều năm qua cố gắng làm những gì tốt nhất cho các cụ bằng những chương trình mừng Xuân, tổ chức ca nhạc, các em sinh viên đến đây nấu bánh tét, bánh chưng, vá áo cho các cụ... và rất nhiều hoạt động khác nữa - đại đức tâm sự - Chúng tôi muốn đây là chốn nương tựa để các cụ đi hết đoạn đường đời còn lại”.
Chúng tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Thìn, 96 tuổi, cao tuổi nhất tại mái ấm này. Trông cụ vẫn còn minh mẫn với mái tóc trắng xóa. “Tôi vào đây được 6 năm khi con gái duy nhất của tôi “ở vậy” không lấy chồng, nuôi dưỡng tôi cho đến khi nó qua đời vào độ tuổi 73. Đối với tôi, được vào đây ở những ngày cuối đời là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”. Thế nhưng câu nói “hạnh phúc lắm rồi” mà bà nói với chúng tôi khi những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà cụ lại nắm tay chúng tôi và nói trước lúc chia tay: “Chúc các cháu và gia đình có một mùa Xuân thật ấm cúng và hạnh phúc nhé”.