Bước chân vào làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội), những ngôi nhà từ 3 đến 4 tầng mọc lên san sát, nơi đây nổi tiếng với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sơn son thếp vàng.
Nghề tạc tượng được hình thành ở Sơn Đồng từ rất lâu. Thời Pháp thuộc đã có nhiều thợ ở Sơn Đồng được nhà nước bảo hộ phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử, nghề của làng dần mai một. Đã có thời gian, gần như người ta không còn nghe đến nghề tạc tượng gỗ ở đây. Thế rồi, với lòng yêu nghề, yêu truyền thống lịch sử cha ông, một vài người trong làng đã tìm lại với nghề, khôi phục lại vốn quý cha ông để lại. Những nghệ nhân của Sơn Đồng kể lại rằng, làng nghề độc đáo này chính thức được khôi phục khoảng 30 năm nay.
Cụ Nguyễn Viết Thạc, 87 tuổi, một nghệ nhân của làng, tâm sự: "Tôi luôn nhắc nhở con cháu của Sơn Đồng phải biết giữ lấy cái nghề truyền thống mà cha ông đã giầy công xây dựng. Có như thế tiếng thơm của làng nghề mới bay xa".
Tượng của Sơn Đồng nổi tiếng nhất là tượng giả cổ. Từ những thân gỗ mít, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân đất này trở thành những pho tượng sống động có hồn. Cũng vì thể, bức tượng phật giả cổ trở thành “đặc sản” của người Sơn Đồng. Đã có hàng trăm, hàng nghìn bức tượng như thế đi vào các chùa chiền, đền miếu trên khắp cả nước, phục vụ cho nhu cầu trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, nhu cầu tín ngưỡng của người dân...
Nghề tạc tượng ở Sơn Đồng đã giúp cho người dân của ngôi làng nhỏ bé ấy có một cuộc sống sung túc, người Sơn Đồng giờ đã có thể yên tâm sống với nghề. Có tới hơn 200 hộ sản xuất chuyên nghiệp trong làng với đội ngũ lao động tham gia lên tới hàng nghìn lao động với thu nhập khá, ổn định.
Đất Việt giới thiệu một số hình ảnh về làng nghề Sơn Đồng.