Thân cận thiện sĩ

Thân cận thiện sĩ

GN - Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, những bậc có nhân cách cao thượng.

Kinh Tăng nhất A-hàm có hai phẩm vinh danh người cư sĩ tại gia, đó là phẩm Thanh tín sĩ, vinh danh bốn mươi nam cư sĩ đệ nhất, và phẩm Thanh tín nữ, vinh danh ba mươi nữ cư sĩ đệ nhất. Qua đó, chúng ta thấy trong hàng đệ tử tại gia của Phật có những cư sĩ tài năng, trí tuệ, thần đức, hàng phục bọn ma, nhiếp phục ngoại đạo, thuyết pháp sâu sắc, biện tài vô ngại, sở thí rộng rãi…, đặc biệt trong số những cư sĩ được vinh danh hội đủ mọi thành phần trong xã hội, từ địa vị quân chủ cho đến hàng thứ dân. Sự vinh danh này chính là sự ấn chứng, sự thọ ký của Đức Phật về khả năng tu tập và đạt được kết quả giải thoát đối với hàng cư sĩ tại gia.

Cư sĩ tại gia là người không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh hoạt thế gian mà thực hành những vấn đề cơ bản Phật pháp, đó là dùng tam quy ngũ giới để hoàn thành tư cách Phật tử đối với bản thân, đối với gia đình và đối với xã hội; để rồi từ đó hướng đến địa vị cao thượng là giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, người cư sĩ sống giữa cuộc đời trần tục với đầy dẫy những ràng buộc, phiền não nhưng dùng chất liệu Phật pháp để chuyển hoá, biến cải cuộc đời, để Phật hóa gia đình, biến nhân gian thành Tịnh độ.

Kinh điển Nguyên thủy cho thấy người cư sĩ tại gia có khả năng tu tập và đạt đến quả vị thứ ba trong bốn thánh quả, tức A-na-hàm. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì tin rằng mục đích cứu cánh của giác ngộ là quả vị Phật-đà, và người tại gia cư sĩ cũng có thể đạt đến quả vị đó bằng cách phát tâm Bồ-đề, tự lãnh trách nhiệm hộ trì Chánh pháp, gọi là tu tập Bồ-tát hạnh. Tuy nhiên, bước chân khởi đầu của người cư sĩ vẫn là sự quay về nương tựa Tam bảo để trở thành một người Phật tử.

Kinh Tăng chi nói: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử”. Nhưng để trở thành một người Phật tử có đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ thì cần phải tăng thượng tâm bằng bốn đức tính Dự lưu chi, gồm: thân cận thiện sĩ, thính văn Chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Chính nhờ bốn đức tính này mà người cư sĩ giữ tròn giới thể, không tạo nghiệp ác sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu.

Thân cận thiện sĩ tức là gần gũi chúng Tăng, nhưng hơn hết là gần gũi với những bậc có nhân cách cao thượng. Làm thế nào để nhận biết nhân cách cao thượng? Đó “là người không sống theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào Nhị thừa, tâm thường trong sáng, tán dương phạm hạnh, không làm cho người sống không giới luật”. Gần gũi, thân cận với những người có nhân cách, phẩm chất, trí tuệ cao thượng để được nghe và được học, để hiểu biết những giá trị cao thượng mà người cư sĩ tại gia dù ở bất cứ địa vị nào trong xã hội cũng không thể tìm thấy trong những thú vui ngũ dục (thính văn Chánh pháp). Những gì đã nghe, đã học cần được suy nghĩ một cách sâu sắc, chân chánh (như lý tác ý) để thể nghiệm trong đời sống hằng ngày (pháp tùy pháp hành). Đây là bốn đức tính đưa người Phật tử vào đạo, dự vào dòng Thánh.

Một khi hội đủ được bốn đức tính Dự lưu, người Phật tử sẽ Nhập lưu bằng bốn niềm tin thanh tịnh, trong sáng, không bao giờ thay đổi, gọi là Tứ bất hoại tín, hay Tứ chứng tịnh (Tứ bất hoại tịnh). Ấy là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Thánh giới. Với bốn niềm tin này, người đệ tử Phật có thể đi vào dòng dõi của bậc Thánh, sống an vui trong từng giây phút hiện tại, do sự thấy pháp và chứng nghiệm pháp đem lại. Kinh Tạp A-hàm nói rằng, người nào thành tựu bốn pháp Bất hoại tịnh này thì muốn cầu thọ mạng lâu dài liền được thọ mạng lâu dài; muốn cầu dung sắc, sức lực, khoái lạc, biện tài, liền được một cách tự tại. Đức Thế Tôn bảo: “Thánh đệ tử nếu thành tựu được bốn Bất hoại tịnh, thì ở giữa loài người không sống cuộc sống nghèo khốn; không bị lạnh rét, xin ăn; mà tự nhiên giàu sang đầy đủ”. Kinh còn nói, dù làm Chuyển luân Thánh vương, có đầy đủ bảy báu, có bốn thần lực trong cõi người, làm vua bốn thiên hạ, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên cõi trời, cũng chẳng bằng một vị Tỳ-kheo mang y phấn tảo, xin ăn khắp mọi nhà, dùng ngọa cụ bằng cỏ. Vì sao vậy? Bởi Chuyển luân Thánh vương chưa đoạn trừ được cái khổ của đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do chưa đạt được bốn Bất hoại tịnh. Còn Tỳ-kheo Thánh đệ tử đã giải thoát được cái khổ của các đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, do đã thành tựu được bốn Bất hoại tịnh.

Kinh ghi: “Dù bốn đại: đất, nước, lửa, gió có sự thay đổi tăng giảm, bốn Bất hoại tịnh này chưa từng có sự tăng giảm biến khác. Chúng không tăng giảm biến khác, cho nên đa văn Thánh đệ tử đã thành tựu được đối với Phật, mà nếu bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì điều này không thể có được”.

Người Phật tử thành tựu được bốn niềm tin bất hoại thì được gọi là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di có đầy đủ tín, giới, văn, thí xả và trí tuệ. Kinh nói: “Người cư sĩ lấy chánh tín đối với Như Lai làm gốc, kiên cố, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma, phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được. Này Ma-ha-nam, đó gọi là cư sĩ có đủ tín”. Như vậy, những lợi ích có được từ sự thành tựu bốn niềm tin bất hoại là không thể nghĩ bàn, và tất cả những lợi ích ấy đều được bắt đầu từ sự thân cận thiện sĩ. Nhưng, niềm tin của người Phật tử không dừng lại ở đây, mà còn tin tưởng bản thân mình cùng tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật bằng cách hành Bồ-tát đạo, qua sự phát tâm Bồ-đề, và cũng từ sự tăng thượng tâm nhờ thân cận thiện sĩ. Kinh Bồ-tát an lạc bản nghiệp, quyển thượng nói: “Tất cả chúng sanh thuận theo Phật, nhớ nghĩ đến Phật, cũng có thể thành Phật nên gọi là Phật tử”.

‘Bởi có thể thành Phật nên gọi là Phật tử’. Đó là nhận thức cơ bản mà tất cả những ai đã, đang và sẽ tự cho mình là Phật tử cần phải ghi nhớ, bởi chính nhận thức này giúp người Phật tử đứng đúng vào địa vị và làm tròn bổn phận của mình trong ngôi nhà Phật pháp. Bổn phận của người Phật tử là hộ trì Chánh pháp, nhưng cần phải ý thức rằng cái bổn phận đó là để hoàn thành Bồ-tát hạnh của mình, để thành tựu cái quả vị Phật-đà cho chính mình, chứ không đơn giản chỉ là bảo trợ đời sống cho người xuất gia, xây dựng chùa tháp… Hẳn nhiên, như kinh Như thị ngữ đã nói: “Chúng xuất gia nhờ chúng tại gia giúp đỡ những đồ dùng như quần áo, thức ăn, chỗ ở v.v...; chúng tại gia nương chúng xuất gia mà tiếp nhận giáo pháp và phạm hạnh. Cả hai bên nương nhau tu hành theo Chánh pháp”, nhưng người Phật tử đã thành tựu tín, giới, văn, thí xả, trí tuệ thì luôn luôn nhận thức rằng, mục đích cứu cánh của người cận sự nam, cận sự nữ là đạt được giác ngộ giải thoát, mà nói theo lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh ngay trong cuộc đời trần tục của mình, chứ không phải chỉ cầu phước báo nhân thiên bằng sự hộ pháp.

Thật vậy, lý tưởng của Phật giáo Đại thừa là chuyển hóa cõi Ta-bà uế trược này thành nhân gian Tịnh độ thanh lương. Lý tưởng đó, với nhiều người, là quá lớn lao. Thế nhưng, nó không phải là điều không tưởng, mà có thể thực hiện được bằng một ít nỗ lực, với một hành vi hết sức tầm thường, như kinh Pháp hoa nói, là chỉ cần chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’.

Chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, thế là đủ để quyết định sẽ thành Phật. Đây là điều bất khả tư nghì. Ấy vậy mà nó đã từng xảy ra với một người, trong một hoàn cảnh, mà đối với chúng ta bây giờ, đã trở thành một huyền thoại.

Chuyện kể rằng, một thời tại thành Tỳ-xá-li có kỹ nữ nổi tiếng tên là Ambapāli, quản lý trung tâm giải trí công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc dành cho hàng vương tôn công tử quyền uy. Trong một cơ duyên hạnh ngộ, được diện kiến và nghe Đức Phật thuyết pháp, trong lòng Ambapāli chợt rung động và chuyển hóa hoàn toàn, nàng sụp lạy Đức Thế Tôn, thành kính chắp tay chào ‘Nam-mô Phật’, rồi phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo và thọ trì năm giới.

Từ phút giây ấy trở đi, Ambapāli trở thành con người mới. Nàng đã biến cải công viên Am-la, một tụ điểm xa hoa trụy lạc thành chốn tu hành thanh nghiêm dâng cúng cho Tăng đoàn Đức Phật. Và tại đây, cũng từ giây phút ‘đổi đời’ của Ambapāli, hàng trăm công tử Ly-xa, một bộ tộc hùng mạnh đang cai trị thành Tỳ-xá-li phú cường, với áo mão cân đai, cờ phướn, xe cộ… mỗi lần đi ra không khác chư thiên tử cõi trời, cũng tìm đến công viên nhưng không phải để hưởng thụ dục lạc mà để tìm chân lý. Tất cả sự biến cải, chuyển hóa tại công viên Am-la không xứng đáng để được gọi là Tịnh hóa, Phật hóa gia đình, xã hội hay đẹp hơn là tịnh Phật quốc độ chăng?

Mọi sự thành tựu ấy đều từ việc làm: Thân cận thiện sĩ.

Nói tóm, thân cận thiện sĩ là bước chân đầu tiên người Phật tử dự vào dòng Thánh, bởi từ đó người Phật tử được nghe, được học, được thấy những phẩm chất cao thượng mà họ không thể tìm thấy ở giữa cuộc đời trần tục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày