NSGN - Cách nhà tôi một căn, có một gia đình cán bộ tập kết về. Ông bà chỉ có hai người con, một trai một gái. Một chiều tháng Năm thằng bé đi học về thì bị xe tải cán vào đầu. Vào khoảng giờ thằng bé vừa chết, cô chị ngủ, nằm thấy thằng bé về, chỉ có cái mình với đủ chân tay nhưng không có đầu. Khi gia đình hay tin, nhận xác về thì quả tình chỉ còn cái mình. Đầu, phải dùng bao ni-lông gom đỡ chút gì hay chút đó.
Khi bố tôi mất, nhà tôi không phải chỉ thấy ông vào lúc nửa đêm, mà thấy cả vào lúc trưa nắng. Mở con mắt mà thấy, không phải ngủ rồi mộng.
Với người có cái nhìn xuyên suốt mọi hiện tượng thì những thứ đó không có gì lạ. Với người thường như mình, những trường hợp như thế tạo cho mình cái cảm giác “Ngoài cái thân mấy chục ký này, hẳn có một cái gì khác nữa”. Mà đúng là có một cái gì khác thật. Người đời và các đạo giáo khác gọi nó là “linh hồn”. Kinh luận Phật giáo gọi nó là “thần thức” hay “nghiệp thức”. Gọi là “thần thức” vì nó vượt ngoài cái thấy bình thường của người đời, là “nghiệp thức” bởi thức này do nghiệp nắm giữ.
“Linh hồn” không khác “nghiệp thức” nếu hai khái niệm ấy chỉ dùng để chỉ ngoài phần thể xác con người, còn có một thứ làm chủ thể xác ấy. Song đi sâu vào thực chất mà mỗi triết phái đã quan niệm thì chúng không như nhau. Như thuyết Hiện tượng phụ đới1 thì “Họ phủ định sự tồn tại độc lập của tâm trí lẫn linh hồn. Họ cho rằng thể xác là thực thể hiện hữu duy nhất, tâm trí và linh hồn chỉ là hiện tượng phụ, chỉ hiện hữu khi thể xác còn tồn tại. Sự sống vĩnh hằng là một dạng ảo tưởng phi thực tế”.
Descartes thì quan niệm “Thể xác và tâm linh là hai thực thể riêng rẽ, khác biệt và thực hữu theo cách riêng của chúng” v.v...
Với cái nhìn của Đức Phật, nghiệp thức không phải là một loại hiện tượng phụ như thuyết Phụ đới đã nói, cũng không có tính cách độc lập với thân như Descartes đã nêu ra.
Do nhân duyên gì gọi là thần thức?
Gọi là “thần”, vì hành tướng của thức này rất vi tế, khó biết. Còn “thức”, Phật nói: “Ông hỏi thức là nghĩa gì? Có hạt giống sinh mầm. Từ trí sinh thức, gọi là niệm. Cho nên trí năng sinh gọi là thức, rồi sau lại thọ nơi xúc. Vì trí biết khổ lạc nên gọi là thức. Sau lại thọ thiện ác. Hay biết cảnh giới thiện ác nên gọi là thức. Giống như từ hạt giống sinh mầm. Thân này thành tựu nên gọi là thức”. Thức, gốc của nó là trí. Trí là dụng của chân thể thanh tịnh, vô sanh, không phân biệt. Thức vốn là trí, nhưng vì sinh khởi và phân biệt nên gọi là trí năng sinh, chính là thức. Như biển động mà gọi là sóng. Do sinh khởi và phân biệt mà trí thành thức. Biết khổ lạc, biết cảnh giới thiện ác… là muốn nói đến mặt phân biệt của thức. Do trí năng sinh khởi phân biệt liên tục mà có khổ lạc, rồi chấp trước khổ lạc đó mà tạo tác các việc thiện ác trong đời, từ đó có thân thành tựu. Thân thành tựu giúp ta biết có thần thức.
Tướng mạo thần thức ấy thế nào?
Phật nói thần thức ấy không có tướng mạo, cũng chẳng nhờ sắc mà thấy được. “Này Hiền Hộ! Giống như phong đại, tuy không hình sắc chẳng thể nhìn thấy, song do nhân duyên mà hiện hình sắc. Hiện hình sắc, nghĩa đó thế nào? Thí như gió thổi làm động cây cối. Thổi đến vách núi, bờ sông mà phát ra tiếng. Do nhân duyên phát sinh nóng lạnh, có thể cảm thọ. Song thể của gió ấy không thể thấy... Thần thức giới2 cũng lại như vậy. Chẳng thể nhờ sắc mà thấy. Cũng chẳng có sắc thể. Chỉ do sở nhập làm thành thể mà hiện sắc. Thức giới này cũng như vậy”3. Tướng mạo cũng như thể chất của thần thức, mắt thường mình đây không thể thấy nhưng không phải không có. Kinh nói: “Ai có cái thấy chân thật thì thấy được thức này”4. Tuy không có tướng mạo nhưng đủ duyên thì hiện hình sắc. Tuy nói hiện hình sắc mà thật không có hình sắc để thấy, chỉ là nương các duyên chung quanh mà biết có thần thức. Như gió, nếu không có các thứ như lá cây rụng, tiếng rào rào va chạm, thấy hơi mát trên cơ thể, thấy tóc bay v.v… thì không thể nhận ra gió. Chỉ nhờ vào những tướng đó mà biết có gió. Nhưng các tướng đó không phải là gió. Cũng không nhờ các tướng đó mà gió thành có sắc thể5. Chỉ là nương các tướng đó mà biết có gió.
“Sở nhập” là chỉ cho chỗ mà thần thức biểu hiện ra. Với cái nhìn nhị biên của người đời thì đó là chỗ mà thần thức gá vào. Lấy chỗ đó làm thể của mình nên dường như thấy có hình sắc, thực ra thì không.
Thức giới, xứ này gọi là pháp giới thọ xúc
Xứ này, chỉ cho cõi Dục ta đang sống đây. Tại cõi này, thức giới còn có tên khác là “xúc thọ”.
“Thọ”, chỉ cho sự thâu nạp. Thâu nạp ra sao, không có hình tướng, chỉ nhờ những cảm thọ mà biết có sự thâu nạp. “Thọ” có ba là lạc, khổ, không lạc không khổ. “Xúc” là xúc chạm. Đó là phần “xúc” trong lục trần. Ba thứ căn - trần - thức hòa hợp, cũng gọi là xúc. Do căn - trần - thức - xúc mà có thọ. “Thọ” và “xúc” hiện tiền giúp biết có phần thức giới này hiện diện. Đây là lý do vì sao người chết thì không còn biết khổ, lạc, nóng, lạnh, mắt không thể thấy sắc, tai không thể nghe tiếng. Vì thức giới đã theo nghiệp mới mà có thân khác.
Tuy có tên là pháp giới xúc thọ, nhưng không phải chỉ có xúc với thọ mới là biểu hiện của thức. Tất cả đều là biểu hiện của thức. Từ sắc thân cho đến tư tưởng, cảnh giới sáu trần v.v...6. Nhưng xúc và thọ nắm phần quyết định cho việc có thân nên nói “pháp giới xúc thọ”.
Thần thức đến, đi, dời, diệt như thế nào?
Với cái nhìn thông qua nghiệp thức chúng sinh thì vạn pháp đều có tướng sinh, diệt, đến, đi. Với cái nhìn của Trung luận, bản chất các pháp không sinh, không diệt, không đến, không đi. Thấy đến đi sinh diệt là do mê mà thấy, không phải bản chất các pháp là vậy. Thần thức không ra ngoài lệ ấy.
Phật đã dùng ví dụ hương và gió để nói việc thần thức đến đi như thế nào. “Thí như phong giới có thể làm mùi hương dịch chuyển, nên biết hương hoa này nhờ gió thổi đến, nhưng phong giới này thật chẳng mang hương hoa đến, cũng không phải không có gió mà hương hoa có thể đến. Hương ấy không sắc, gió ấy cũng không sắc, căn nghe được mùi hương ấy cũng không sắc”. Phong giới, chỉ cho gió. Hương, gió và căn không sắc, là muốn nói đến bản chất của các thứ đó. Bản chất của các pháp là không. Chỉ do nhân duyên hội đủ mà thành sự. Đủ duyên thì hiện. Hết duyên liền không. Cái hội tụ nhân duyên này cho thấy pháp không có cội gốc riêng mà gốc của tất cả pháp chính là tâm. Tất cả chỉ như ngủ rồi mộng, trong mộng thấy có đến, đi, sinh, diệt mà thật không có đến, đi, sinh, diệt. Thấy đến, đi, sinh, diệt là vì cái thấy của mình bị chi phối bởi vô minh. Do giấc ngủ vô minh mà chúng ta thấy có đến, đi, sinh, diệt.
Hiện tại có thể dùng vài ví dụ để chứng minh cho việc không có đến đi mà thấy như có đến đi này.
Ta thấy từng đợt sóng từ xa đẩy vào bờ, cứ như gió đẩy những dòng nước ngoài khơi vào. Thật ra, những hạt nước ở vị trí ngoài khơi không hề dịch chuyển. Nó chỉ chuyển động quanh vị trí của nó mà thôi. Cái khiến mình tưởng có sự dịch chuyển là sự truyền đi của năng lượng. Năng lượng truyền đến đâu, phần nước ở đó liền nổi sóng. Đợt này nối tiếp đợt kia mà thấy như nước ngoài xa chạy vào bờ.
Hoặc như những bóng đèn chạy dọc theo bảng quảng cáo. Thật ra bóng đèn nào nằm ở vị trí bóng đèn đó. Chỉ là đèn trước sáng rồi tắt, nhường chỗ cho đèn sau sáng rồi tắt v.v… Việc xuất hiện ánh sáng theo cách như thế khiến ta tưởng đèn chạy quanh bảng quảng cáo. Thật ra không có bóng nào chạy. Chỉ là bóng nào đủ duyên thì sáng, bóng nào hết duyên thì tắt, tạo cảm giác cho ta thấy bóng chạy.
Thần thức cũng như vậy. Do năng lực của nghiệp và gió vô minh mà có thân, căn, thọ, xúc v.v… Thấy thân này, thân khác, thấy địa ngục, ngạ quỷ, Thiên, Long, Càn-thát-bà v.v… mà chúng ta tưởng thần thức bỏ thân này đến thân khác, đi từ cõi này qua cõi khác. Thật ra không có sự dịch chuyển, chỉ là đủ duyên thì hiện tướng. Duyên nào có thân căn và cảnh giới của duyên đó.
Thành Duy thức luận nói: “Nghiệp hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên chiêu cảm ra quả Dị thục thô phù trong ba cõi, với thân mạng sống lâu hay chết yểu. Do sức nhân duyên mà có sự hạn định nên gọi là Phần đoạn sinh tử”7. Nghiệp hữu lậu ví như năng lượng. Phiền não ví như gió. Do nhân và duyên đó mà thấy thần thức như có sự dịch chuyển, dời đổi. Nhưng thực là không, chỉ như ngủ rồi mộng mà có các cảnh giới khác nhau.
Mối liên hệ giữa thức và thân
Kinh nói: “Như trong gương chiếu hiện thân hình, như khuôn đất đúc ra tượng”. Gương và khuôn chỉ cho thức giới. Hình và tượng chỉ cho thân xác của chúng hữu tình. Thần thức và thân có mối liên hệ như gương hiện hình, khuôn đúc tượng. Kinh nói: “Thân người sinh là do tài khéo của thức. Những tạo tác của thân là do thức tạo thân đó sinh ra”. Cũng nói: “Thức này tự sinh thân rồi tự tạo nghiệp, giống như con tằm nhả tơ tự trói, cũng tự diệt thân chuyển đến thân khác”. Cái sinh thân và tạo nghiệp đó là nhân duyên có sinh tử tương tục. Thân này diệt, có thân khác, liên tu bất tận.
Kinh nói: “Chúng sinh tùy nghiệp thọ quả báo. Dòng thức tương tục giữ thân chẳng dứt, đến khi báo hết, thức liền xả tứ đại. Tùy nghiệp mà chuyển nhận. Thí như đem sữa lẫn nước mà nấu. Do lực của nhiệt, nước sữa và chất béo mỗi mỗi phân tán. Cũng vậy, chúng sinh khi mạng chung, do nghiệp lực nên hình hài, thức và các giới, nhập, mỗi mỗi phân tán. Thức là sở y, giữ lấy pháp giới và pháp giới niệm cùng nghiệp thiện ác mà dời nhận báo khác”.
Thức là nền tảng trong việc có thân và tạo nghiệp. Nhưng nghiệp mới là cái quyết định để thân diệt hay thân sinh. Báo nghiệp nào hết duyên thì thân của nghiệp đó diệt. Báo nghiệp nào đến duyên thì thân của nghiệp đó hiện. Nghiệp là những gì mà chúng sinh đã tạo tác trong đời. Được huân thành chủng tử lưu trong tạng thức.
Bà Thanh Đề, mẹ Đại thánh Mục Kiền Liên, do thời quá khứ, vì sự sân giận mà phát lời nguyền tà ác, nên hiện đời có hành vi phá hoại sự thanh tịnh của chúng Tăng, bị cái quả địa ngục. Nhưng do cái nhân bòn mót cúng dường chúng Tăng lon gạo thời quá khứ, bà được vị trụ trì thời đó hiện thân đầu thai làm con trai, tu hành đắc đạo, thỉnh cầu chư vị La-hán có đạo lực hộ niệm, khiến bà mở tâm, được thác sanh vào cõi Trời. Do cái nhân tà ác mà có cái quả địa ngục. Do cái nhân tham lam mà gặt bát cơm hóa lửa. Do cái nhân rộng mở, bà thác sanh vào cõi Trời.
Khi thác sanh vào cõi Trời là lúc báo nghiệp địa ngục của bà mãn. Quả cũ trả xong. Nói thác sanh, là thân, căn và thế giới địa ngục biến mất, nhường chỗ cho báo nghiệp mới xuất hiện. Báo nghiệp đó xuất phát từ cái nhân là tấm lòng rộng mở, nên thân, căn và cảnh giới chư thiên hiện ra. Giống như đóng vai Diêm vương thì có mặt mũi, áo quần Diêm vương và cảnh là ở địa ngục. Đóng vai Phật ở cõi Tịnh độ thì mặt mũi áo quần như Phật, cảnh cũng là Tịnh độ của Phật. Song người đóng tuồng thì vẫn không khác, không phải Diêm vương cũng không phải Phật. Thức này cũng như vậy. Tuy đến cảnh giới thiện ác mà không nhiễm thiện ác.
Kinh nói: “Thức này cần phải được thấy như ánh sáng mặt trời, chiếu vào các thây chết ô uế cũng chẳng bị chúng làm nhiễm, mà các ô uế đó chẳng lìa ánh sáng mặt trời. Cũng vậy! Thức dục này dù sinh ở nơi ô uế, ăn các vật bất tịnh, lại ở trong bụng chó, heo v.v… mà thọ thai. Song thức này chẳng bị cái ô uế này làm nhiễm”.
Không phải thức chỉ tạo thân mà tất cả đều duy thức biến. Căn - trần - thức, tất cả đều không ngoài thức. Chúng là pháp duyên khởi, nên có cùng có, không cùng không. Một người chết đi, xả thân, cũng có nghĩa là xả luôn phần cảnh giới của thân đó. Không phải chỉ xả thân mà cảnh giới thì còn. Ta thấy người đã chết mà cảnh giới còn, là vì đó là cái thấy của ta, không phải là cảnh giới cũng như cái thấy của người chết, dù khi sống họ có cùng cảnh sở duyên với ta.
Đối với phàm phu, việc thức tạo thân sinh tử tương tục là vô tận. Chỉ khi đạt được cái định Diệt thọ tưởng của hàng La-hán và các Thánh vị cao hơn thì sinh tử mới chấm dứt. Kinh nói: “Cũng như khi mặt trời lên thì diệt hết mọi u tối. Mặt trời lặn thì u tối bao trùm”. Mặt trời là chỉ cho giác tâm. U tối chỉ cho thức tạo thân. Giác tâm ẩn thì thức tạo thân tương tục. Giác tâm hiển thì thức ngưng tạo thân. Cái tên nghiệp thức hay thần thức không còn. Do mặt tùy duyên này mà nói “Cái u tối đó không thường định cũng không phải không thường định. Cũng vậy, thức này sinh ra thân như tối rời sáng. Thân sinh cũng vậy. Người ấy chẳng thấy thức này nhưng thức thọ thân này”. Không thường định, vì khi ở địa vị La-hán hoặc giác tâm tròn đầy thì thần thức này không còn. Không phải không thường định, vì tâm phàm phu huân rồi biến liên tục, nếu không tu tập và chứng được Thánh vị thì thức này tạo thân vô tận.
Thần thức bỏ thân cũ có thân mới như thế nào?
Phật nói: “Người chết đó thần thức sắp dời đi, nắm giữ xúc, thọ v.v… cùng các giới rồi có đời kia. Nhờ cha mẹ hòa hợp rồi sau biết có thức. Thức ấy có nên liền biết có thọ có xúc hòa hợp mà thành”.
Theo vòng Thập nhị duyên sinh, chi đầu tiên là vô minh, kế là hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh lão, tử.
Đi từ cội nguồn đầu tiên là chân thể pháp thân thường trụ, thì vô minh chính là phần Vô minh nghiệp tướng nói trong luận Đại thừa khởi tín, chỉ là một niệm bất giác sơ khai. Do bất giác, tâm động. Cái động đó chính là “hành”. Do cái động đó mà chân thể thanh tịnh biến thành “thức”. Từ đó có sơn hà, đại địa cùng thế giới chúng sinh.
Khi đã có sơn hà, đại địa cùng thế giới chúng sinh thì vòng quay nhân duyên lại tiếp tục: do vô minh mà chúng sinh tạo nghiệp, chính là “hành”. Vô minh giúp phát khởi nghiệp thiện ác chính thức chiêu cảm quả đời sau. Nghiệp thiện ác phát khởi đó gọi là “hành”. Hành có ba thứ là thân hành, khẩu hành và ý hành. Vô minh và hành là hai thứ khai dẫn chủng tử của năm quả thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ trong bản thức, rồi chủng tử của thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ tự thân sanh ra thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ thuộc dị thục quả đương lai8.
Nghĩa là, trên nền tảng bản thức, vô minh tiếp tục sinh hành, hành sinh thức (Dị thục thức). Thức này là kết quả của các hành nghiệp thiện ác từ đời trước. Do nghiệp thiện ác đời trước mà thụ thai trong đời hiện tại. Thai lớn dần có hình tướng gọi là “danh sắc”. Khi có sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đầy đủ, gọi là “lục nhập”. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần, trong đó có sáu thức. Ba thứ này hòa hợp, gọi là “xúc”. Do “xúc” mà có khổ, lạc… chính là “thọ”. Từ “thọ” mà có việc thích hay không thích, là “ái”. Từ “ái” sinh “thủ”. “Thủ” khiến đời sau nối tiếp, gọi là “hữu”. Do “hữu” mà có sinh lão bệnh tử. Cứ luân chuyển như thế mà có sự nối tiếp từ đời này qua đời khác. Cõi trời, cõi giới súc sinh v.v… vô cùng vô tận không sao kể xiết.
Thức tuy đã có nhưng vì không hình tướng nên không thể thấy. Đợi khi có thân và nhất là có “xúc” và “thọ”, mới có thể cảm nhận về nó. Nên nói “Nhờ cha mẹ hòa hợp rồi sau mới biết có thức. Thức ấy có nên liền biết có thọ có xúc hòa hợp mà thành”.
Hành nghiệp của chúng sinh tạo ra trong đời, là cái nhân quyết định cho “thần thức” có cảnh giới kế tiếp. Nhất là lúc sắp chết, hành nghiệp nào mạnh sẽ làm chủ và quyết định điều đó. Như lúc sắp chết (cận tử nghiệp), do sự xúc chạm hoặc ngoài hoặc trong tâm tưởng mà người chết sinh tâm sân hận, thì tâm sân hận đó quyết định phần nhân duyên cha mẹ làm chỗ nhập thai của nó. Nếu sân hận là nhân của loài bốn chân có lông thì hình ảnh tinh cha huyết mẹ mà thần thức gá vào đó chính là loài có lông bốn chân. Nói chính xác, cái nhân sân hận sẽ khiến thức giới hiện tướng thành thân căn của loài có lông bốn chân kèm với cảnh giới tương ưng. Vì do “xúc” và “thọ” mà có hiện tượng sân hận v.v… Nên nói: “Người chết đó thần thức sắp dời đi, nắm giữ xúc, thọ v.v… cùng các giới rồi có đời kia”. Đó là phần “Nắm giữ xúc thọ”.
“Cùng các giới có đời kia” thì “giới” là chỉ cho các chủng tử trong tàng thức. Bất cứ suy nghĩ hành tác nào được lặp đi lặp lại nhiều sẽ để lại dấu ấn trong tâm thức, gọi là chủng tử. Chủng tử nhóm họp (chỗ lưu giữ chủng tử) gọi là tạng thức, là cách gọi khác của tâm. Tập sân hận có chủng tử sân hận. Tập tụng kinh có chủng tử tụng kinh v.v... Phần chủng tử này ở đâu, hình dáng ra sao thì nghiệp thức chúng sinh không thể thấy, chỉ khi đủ duyên nó mới hiện tướng. Khi một người sắp chết, lực của chủng tử nào mạnh sẽ nắm giữ phần nhập thai kế tiếp của người ấy, nhưng những chủng tử khác vẫn theo cạnh đó, không mất. Nên nói “…cùng các giới rồi có đời kia”.
Vì hành nghiệp mạnh có lực nắm giữ phần nhập thai của thần thức như vậy, nên chư vị thiện tri thức dạy người: “Bình thường phải làm thiện, niệm Phật, tụng kinh, thiền định v.v… là để khi chết thiện nghiệp có thể làm chủ lấy “xúc” và “thọ” của mình. Xúc và thọ bình yên, thoải mái, an lạc thì cảnh giới kế tiếp mới tốt đẹp. Còn chết trong tâm trạng luyến tiếc, đau khổ, mà nhất là sợ hãi thì dễ rơi vào ba cõi dữ. Các cõi đó từ đâu ra? Chính từ tâm biến hiện ra. Thành đã gây tạo nghiệp nhân bất chính thì khi đủ duyên, quả nhất định hiện không thể thoát được.
Nói chi tiết hơn…
“Khi mạng chung, thức này do nghiệp nắm giữ nên nghiệp này và khi mạng chung đó giống như người nhập tịch diệt tam muội có thể của thức thân. Thể của thức thân này diệt rồi sau đó trụ vào tịch diệt. Cũng vậy, thức này ở nơi người chết, xả thân và các đại. Xả rồi chỉ có niệm lực biết như vầy “Ta là…”. Khi phàm nhân xả thân có hai thứ xúc chánh niệm. Thế nào là hai? Một là chánh niệm. Hai là xúc. Khi người đó mệnh chung, ở thân có xúc và hai thứ thọ. Một là thân thọ. Hai là niệm thọ. Sau khi chết niệm có xúc”.
Tịch diệt tam muội là trạng thái không tịch của tâm. Mọi tư duy cảm xúc đều dứt bặt.
Mắt đối với sắc có nhãn thức thì thân đối với xúc có thân thức. “Thể của thức thân” là chỉ cho phần thân thức này.
Khi mạng chung, thân thức xả thân gồm các đại, tức lìa khỏi phần căn mà nhờ đó nó hiện hình, trở lại trạng thái tịch diệt. Chỉ có một niệm lực “Ta là …”. Tức khi thần thức trút bỏ thân này thì lúc đó chỉ có một niệm đó thôi, không còn bị ràng buộc trong thân thể, hơi thở v.v… Chết rồi, ai cũng có phần tịch diệt tự do này, nhưng do chấp thủ mà không nhận được trạng thái tịch diệt đó, chỉ nắm chặt lấy phần xúc thọ lúc sắp chết. Đây là lý do vì sao người chết do ngợp nước, hoặc chết cháy vẫn thấy mình bị ngợp nước và nóng rát thân thể v.v… Vì tâm chấp thủ mạnh. Cần phải thỉnh những vị có đạo cao đức trọng hữu duyên khuyên nhủ để họ thoát khỏi những ảo tưởng do đã nắm giữ đó.
Trong nhà thiền, việc chính của hành giả tu thiền là phá bỏ thức phân biệt. Chính là để trụ cho được phần tâm hiện lượng, như phần chánh niệm nói đây. Khi căn tiếp xúc với cảnh, tuy ý thức cùng khởi với các thức khác, nhưng là phần ý thức hiện lượng, chưa có phân biệt. Cảnh thế nào biết đúng thế ấy, không để những đối đãi hai bên như xấu, đẹp chi phối. Song do lực phân biệt huân tập mạnh nên không giữ được trạng thái hiện lượng ấy mà chạy theo cảnh bên ngoài rồi thủ chấp và tạo nghiệp9.
Xúc chánh niệm của phàm phu xả thân tương tợ như trường hợp của hành giả tu thiền nói trên. Có hai trạng thái xảy ra. Hoặc chính là niệm đầu thanh tịnh. Hoặc chính là dòng vọng tưởng. Như vậy, dù ở địa vị phàm phu, khi chết vẫn có trạng thái chánh niệm. Nhưng đa phần bị lực của dòng vọng niệm cuốn trôi, nên bỏ qua trạng thái xúc chánh niệm mà chọn loại “xúc” dẫn đến cảm thọ. Xúc, là sự hòa hợp giữa căn - trần - thức. Nó có thể là nhĩ căn - nhĩ thức - thanh trần, cũng có thể là ý căn - ý thức - pháp trần. Cộng thêm phần xúc ở thân thể. Chỉ nói đến ba thứ đó, vì ở cận tử nghiệp, chỉ có ba thứ đó là còn tác động mạnh đến thân tâm người chết. Vì vậy, người chết rồi thường để yên đến 8 tiếng, cũng thường dùng tiếng kinh câu kệ hay lời khuyên của các vị thiện tri thức v.v… làm tác lực tác động vào tâm thức của người chết, giúp họ đạt được phần xúc đưa đến cảm thọ an lạc. Đó là nhân duyên giúp người chết có thân cảnh kế tiếp tốt đẹp.
Một lần, tôi cùng người bạn đi dự ma chay của cô em họ. Vì trời nắng lại không tìm ra đường nên tâm sinh bực bội. Khi bước vào được chùa rồi, nghe tiếng tụng kinh của vị trụ trì, tâm bực bội tan biến, nhường chỗ cho sự nhẹ nhàng, yên lắng, thân cũng không thấy mệt nữa. Nhưng cô bạn bên cạnh thì không, bực vẫn bực, nhăn vẫn nhăn… Đó là do việc huân tập kinh kệ không có trong tâm thức của cô bạn. Bình thường kinh kệ không có tác động giúp cô an lạc, nên nó không giúp cô giải tỏa được bực bội như tôi. Trạng thái tâm của người sắp chết cũng như vậy. Nếu bình thường việc tụng niệm tu tập được huân sâu trong tạng thức, thì khi chết, tiếng tụng kinh hay pháp thoại của một vị thầy hữu duyên sẽ giúp thân tâm người chết dễ an lạc. Xúc và thọ như vậy sẽ đưa đến cảnh giới tốt đẹp cho người chết. Còn không, việc tụng niệm chỉ như trúng độc đắc, vẫn có thể trúng nhưng xác suất rất thấp.
Thọ có ba là khổ, lạc, không khổ không lạc. Phân kỹ thì ba thứ đó thuộc hai thứ là thân thọ và tâm thọ. Những cảm thọ nào thuộc về thân, gọi là thân thọ. Những cảm thọ nào thuộc về tâm, gọi là tâm thọ. Những cảm nhận như đau khổ, hạnh phúc, an lạc v.v… là thuộc về tâm. Đây gọi là niệm thọ.
Thân trung ấm
Khi xả thân trước mà chưa nhận thân sau ở sáu đường, có một thân tồn tại khoảng giữa ấy, gọi là thân trung ấm. Trung là giữa. Ấm là chỉ cho các ấm. Thân này như chiếc bóng. Trong kinh Đại Bửu Tích, Phật nói: “Ông hỏi phàm người mà thần thức mới dời khỏi thân cũ chưa đến thân mới thì trụ ở chỗ nào và nên quán tính nó thế nào ư? Này Đại Dược! Như bóng người ở trong nước, tuy hiện sắc tướng nhưng chẳng phải là sắc tướng chính. Nên như vậy mà quán. Này Đại Dược! Cái bóng ấy chẳng nghĩ tôi có nhiệt não, tôi có nóng lạnh, thân tôi mệt mỏi, cũng không có chỗ nhiễu loạn, cũng không có thanh âm. Này Đại Dược! Thần thức xả thân này rồi mà chưa đến thân kia có hình như vậy, có tính như vậy”.
Đại thừa tông cho rằng, không hẳn ai chết cũng có thân trung ấm, có thể có cũng có thể không. Người cực thiện hoặc cực ác thì không có trung ấm, tùy nghiệp mà tâm hiện ngay cõi giới phải tới. Những hạng còn lại thì có trung ấm. Song cũng có thuyết cho rằng, khi nào cũng có trung ấm, chỉ là đối với hai cảnh giới kia, thân ấy sinh diệt quá nhanh, nên không thể thấy. Kinh Đại Bửu Tích nói: “Trời Vô sắc thì không có trung ấm vì không có sắc thân”.
Hình dạng của trung ấm, Thiền sư Tổ Nguyên nói: “Thân trung ấm của loài người, hình trạng như lúc sống, lớn như đứa con nít năm sáu tuổi. Thân trung ấm của loài súc sinh thì hình trạng giống loài súc sinh. Các loài khác cũng vậy. Tất cả đều như lúc còn đang sống. Hình trạng của trung ấm tuy nhỏ nhưng hay tạo tác các nghiệp, sáu căn lanh lợi, tới lui nhặm lẹ, không chỗ nào ngăn ngại, người khác thấy chỉ như cái bóng. 7 ngày chết rồi lại sinh. Sống lâu không quá 49 ngày. Sống ngắn, chừng hai ba thất liền thọ sanh. Thói thường gọi là hồn”10. Một số luận khác thì nói thân trung ấm có thể sống lâu hơn 49 ngày.
Trong kinh Trung ấm, ngài Di Lặc nói: “Trung ấm của chúng sinh ở bốn châu hút nuốt gió, thọ mạng 7 ngày và diện trạng như Hóa tự tại thiên”.
Kinh Đại Bửu Tích ghi: “Trung ấm của hữu tình thì có hai chân hai tay, hoặc nhiều chân hoặc bốn chân, hoặc không chân. Tùy theo nghiệp đời trước phải thác sanh mà thân trung ấm có hình như vậy. Trung ấm của cõi trời và người thì đầu hướng lên, có màu hoàng kim. Trung ấm của bàng sanh và quỷ thì đi ngang. Trung ấm của địa ngục thì đầu chúc xuống”.
Do niệm thọ xúc mà thần thức đang nắm giữ quyết định thân phần kế tiếp, nên việc thân nhân tu tập, bố thí, cúng dường, hồi hướng vẫn có tác dụng ít nhiều đối với thần thức của người chết. Nếu thân nhân hữu duyên có lực tu tập mạnh, cộng với công đức phát Bồ-đề tâm và lợi tha lớn, dùng đó hồi hướng thì có thể chuyển đổi tâm thức của người chết. Cảnh giới kế tiếp của người chết sẽ thay đổi phù hợp với xúc và thọ mà thần thức đang nắm giữ.
Thân trung ấm thác sinh thế nào?
Tùy nghiệp thiện hoặc ác thân trung ấm nắm giữ lúc đó mà có nhân duyên với dục sự của cha mẹ. Thấy cha mẹ hòa hợp, trung ấm liền nhập vào, thọ lấy cái dục đó mà thành có thân. Kinh Đại Bửu Tích ghi: “Do dục sự của cha mẹ, trung ấm thọ thân phan duyên với nghiệp. Thần thức có ở nơi trung ấm nhập vào dục, nhơn đó thành tựu thân. Nghiệp kia không sắc. Cái nhân nam nữ kia cũng không sắc. Chỉ nhân nơi thọ phan duyên nên sanh dục tưởng mà liền có sắc. Cho nên nói thọ (nhận) dục tưởng. Sắc thọ (nhận) dục tưởng, gọi là thọ dục”.
Thần thức thác sinh địa ngục
Trong kinh Đại Bửu Tích tập 6, phẩm Hiền Hộ Trưởng giả, Phật nói: “Người ấy khi vừa xả thân, liền bị ưu sầu khổ não chi phối, rồi thấy mọi thứ địa ngục. Thức ấy tại địa ngục liền thành tựu hữu nghiệp. Thấy ở phương đó có máu tươi, sinh tâm nhiễm trước mà thành thân địa ngục. Thần thức kia cũng giống như chỗ ẩm thấp ô uế mà sinh trùng, như chỗ hôi thối nát rã mà sinh trùng. Này Đại Dược! Chúng sinh sắp thác sinh vào địa ngục cũng lại như vậy”. Chúng sinh thác sinh vào địa ngục thì phần xúc thọ mà chúng sinh ấy nắm giữ ở giai đoạn cận tử nghiệp là ưu bi, khổ não v.v… Đây là do khi còn sống, tạo quá nhiều bất thiện nghiệp. Do tạo nhiều bất thiện nghiệp nên lúc gần chết thấy tối đen, thấy máu tươi v.v…, tức thấy những cảnh giới mà thần thức người chết phải sinh phiền não. Thấy máu tươi mà sinh tâm nhiễm trước vì bình thường gây tạo các bất thiện nghiệp có liên quan đến máu như phá thai, đồ tể v.v…
Thần thức thác sinh cõi Trời
Thần thức thác sinh vào cõi Trời là do khi còn sống tạo nhiều thiện nghiệp. Tại thời điểm cận tử nghiệp mà tâm người chết hoan hỷ, thích tán thán công đức của các thiện nghiệp như bố thí v.v… và ra đi trong sự an ổn hoan hỷ, thì thần thức nhất định thác sinh vào cõi Trời. Khi xả thân mạng thấy ngồi cùng giường với chư thiên.
Tâm hoan hỷ là do lúc gần chết đó thấy được các điều lành như kiệu xe, mọi thứ âm thanh vi diệu, hoa trời vi diệu trải đầy v.v... Đây là do lúc còn sống, người chết hành nhiều thiện nghiệp như giữ giới, bố thí v.v… nên lúc sắp chết, tâm hiện các cảnh giới như vậy.
Người sinh cõi trời, tử thi không lạnh không nóng, gia quyến cũng không quá quyến luyến bi ai.
Trì ngũ giới sẽ thác sinh cõi giới nào?
Kinh nói giữ gìn ngũ giới là “phan duyên muốn thọ cái quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm ở đời sau, liền thọ thân sau hoặc là thân Trời hoặc là thân người”. Tùy mức độ trì ngũ giới mà hoặc có cảnh giới người, hoặc có cảnh giới trời. Điều này cho thấy chỉ cần thọ trì ngũ giới thôi, sau khi xả thân này liền có thân mới tốt đẹp. Đó là cái nhân để gieo duyên với các quả giải thoát. Nếu còn tạo thêm các thiện nghiệp xuất thế như thiền định, niệm Phật và nhất là phát tâm Bồ-đề thì cảnh giới kế tiếp càng được tốt đẹp. Vì thế, tu thiền hay niệm Phật, dù chưa đạt được cảnh giới thiền định hay vãng sinh Cực lạc, nhưng nếu giữ giới nghiêm chỉnh thì cảnh giới kế tiếp vẫn tốt đẹp.
Chân Hiền Tâm
_______________________
(1) Tư tưởng của các triết gia vĩ đại, biên dịch Lâm Thiện Thanh - Lâm Duy Chân.
(2) Giới, là phần hạn.
(3) Kinh Đại Bửu Tích quyển 6, phẩm Hiền Hộ Trưởng giả. Dẫn trích kinh luận trong phạm vi bài viết này, nếu không ghi xuất xứ, đều lấy từ phẩm này.
(4) Kinh Đại Bửu Tích quyển 6, phẩm Hiền Hộ Trưởng giả.
(5) Như bột, đường v.v… tạo thành bánh; bánh có sắc thể hẳn hoi. Với gió thì các duyên chỉ giúp ta nhận biết có gió, không giúp hiển sắc thể của gió.
(6) Kinh Đại Bửu Tích cuốn 6, phẩm Hiền Hộ Trưởng giả.
(7) Luận Thành duy thức, HT.Thích Thiện Siêu dịch, 1996, tr.379.
(8) Luận Thành duy thức, HT.Thiện Siêu dịch và chú.
(9) Một số công án như “Cây bách trước sân”, “Tiếng vỗ một bàn tay” v.v… là nhằm đánh đổ phần ý thức phân biệt, giúp người tu nhận dạng được phần ý thức hiện lượng, chính là niệm đầu đó. Có nhận dạng được nó, mới biết nó có mà phấn khích dụng công. Không thì suốt đời cứ nghĩ vọng tưởng là thật, khó mà buông bỏ được vọng tưởng.
(10) Vạn pháp quy lục, Thiền sư Tổ Nguyên, HT.Thích Đắc Pháp dịch.