NSGN - Sau khi thân tứ đại ở cõi Ta-bà này chấm dứt, giữa khoảng thời gian đã chết và thời gian chưa tái sanh vào cảnh giới khác, trải qua 49 ngày, người chết có một cái thân gọi là thân trung ấm hay thần thức, mà người ta thường gọi là linh hồn.
Trải qua 49 ngày, người chết có một cái thân gọi là thân trung ấm
hay thần thức, mà người ta thường gọi là linh hồn - Ảnh minh họa
Ngoại trừ những người tu hành đắc đạo, hay người có tâm thuần thiện thì tái sanh liền, họ sẽ sanh về Tịnh độ, hay sanh lên Thiên giới. Những người cực ác cũng vậy, vừa tắt thở thì họ đọa ngay vào ba đường ác, không trải qua thân trung ấm. Còn tất cả mọi người sau khi chết đều trải qua giai đoạn trung ấm. Thân trung ấm sẽ đi thọ sanh vào loài nào tùy theo nghiệp lực của chính họ dắt dẫn.
Thân trung ấm là trạng thái vi tế, mặc dù không có mắt, tai, mũi… như thân tứ đại lúc còn sống, nhưng nó cũng có khả năng thấy, nghe, hay biết, đi lại… Tuy nhiên, đó chỉ là do nghiệp thức biến hiện mà thôi.
Thật vậy, người chết chẳng những sắc uẩn là thân vật chất không còn, mà cả thọ, tưởng, hành uẩn cũng không có. Họ chỉ còn giữ lại thức uẩn, nhưng khi còn sống, thức uẩn do thọ, tưởng, hành uẩn huân tập mà thành. Do đó, lúc chết, cả ba phần là thọ, tưởng và hành (nghĩa là cảm thọ, tưởng tượng, hành vi tạo tác trong tâm) đều lưu lại trong thức uẩn. Nó khiến cho vong linh hay thần thức bị ám ảnh, cảm thấy nóng lạnh, đói khát, khổ đau…; trong khi sự kiện thực tế gây ra nóng lạnh, đói khổ, không hề có. Thí dụ thần thức người chết cảm thấy bị đánh đau đớn, là vì lúc sống họ đã bị đánh và có cảm nhận đau đớn. Sự kiện và cảm nhận đó được lưu trữ trong A-lại-da thức. Đến khi chết, mặc dù thực sự không bị ai đánh cả, nhưng vì thần thức vẫn còn hoạt động, vẫn còn nghĩ rằng họ đang bị đánh đau. Bấy giờ là “Thức” bị đau, không phải thân đau, vì không còn thân. Như vậy, người chết sống với nghiệp thức, nên họ khổ vì nghiệp thức.
Chính vì thân trung ấm sống với nghiệp thức, cho nên thời gian này, thần thức người chết ở trạng thái khi mờ khi tỏ, từ đó thường chiêu cảm sự bất ổn, nỗi thống khổ. Khi thì thần thức cảm thấy hoảng hốt vì lạc vào thế giới xa lạ, khác hẳn cuộc sống dương thế, với những cảnh tượng và âm thanh ghê sợ hiện ra đe dọa. Lại có lúc thần thức nổi lên lòng luyến ái vợ con, tiếc nuối tài sản. Hoặc đau khổ oán hận, không chấp nhận cái chết, vì oan ức…
Tất cả những tâm lý khổ đau ấy đều do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm mà khởi lên. Nói chung, khi chết, tùy theo nghiệp mà cảm thọ khổ vui và sau đó lại sanh thân trung ấm khác để tiếp tục tìm thân nào ưa thích mà thọ sanh.
Biết nỗi khổ của hương linh như vậy, thân bằng quyến thuộc có thể nhờ các bậc chân tu đức hạnh khai thị để cảm hóa, giải tỏa nỗi khổ niềm đau cho hương linh. Và chính người thân hiện tiền mỗi ngày cũng vì người quá vãng mà tụng kinh, niệm Phật và bố thí, cúng dường để nhắc nhở hương linh hướng tâm về Phật, về việc làm thiện lành.
Nhờ chí thành nghĩ đến Phật và những điều thiện đã từng làm, hay do thân quyến hồi hướng, mà hương linh tiếp nhận được năng lượng từ bi, giải thoát của Phật, năng lượng an vui của việc tốt lành, nên nghiệp thức của hương linh được lắng yên, thanh tịnh theo, từ đó họ sẽ được oai lực của Phật tiếp độ vãng sanh về Cực lạc, hoặc về cảnh giới an lành.
Hiểu rõ tác động chi phối của thiện nghiệp và ác nghiệp như thế nào đối với người chết, họ sẽ đi về đâu, để chúng ta xây dựng cho mình cuộc sống theo Phật dạy, lấy trí tuệ và giới đức trang nghiêm thân tâm. Được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có cuộc sống an lạc, giải thoát ngay trong hiện đời và khi rời bỏ huyễn thân này, đi vào cảnh giới nào tùy theo sở nguyện của mình, cũng như có thể cứu độ người thân quá vãng và những vong linh hữu duyên với mình.
>> Thân trung ấm tồn tại có trái ngược với giáo lý Vô ngã? ||