Nhưng để hiểu thấu đáo ý nghĩa thực theo quan niệm tâm linh của người VN về ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân với hai lễ lớn: Lễ Vu lan - Báo hiếu cha mẹ; Lễ cúng cô hồn - Lễ cho các linh hồn không nơi nương tựa hương khói thờ cúng, thì không phải ai cũng có được sự hiểu biết rõ ràng, mà chỉ là làm theo phong tục, tập quán truyền thống của người xưa, như một sinh hoạt văn hoá tâm linh nằm trong chuỗi các nghi thức hàng năm của tín ngưỡng Phật giáo.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Việt Ngữ, có lẽ trong quá trình đi sâu nghiên cứu về các loại hình văn hoá truyền thống VN, đặc biệt là các tác phẩm ca diễn xướng cổ điển có liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo, đã phát hiện ra nhiều vấn đề lý thú xung quanh tích “Mục Liên - Thanh Đề”, gắn với lễ Xá tội vong nhân ngày Rằm tháng Bảy ở VN. Và những phát hiện này đã được ông chú ý nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, phân tích qua thực tiễn, qua tư liệu và cả những “nhân chứng” vật thể, phi vật thể, trong một thời gian dài từ những năm 1960 đến tháng 9. 2010, ông tập hợp những nghiên cứu của mình, viết thành cuốn “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân- Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn”- Ban Văn hoá Thành hội Phật giáo Hà Nội xuất bản năm 2010 (Phật lịch 2554).
Cuốn sách thật sự là một công trình khảo cứu có giá trị về ý nghĩa của một phong tục tín ngưỡng Phật giáo “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân - Lễ Vu lan & Lễ Cúng cô hồn” của người VN trong sinh hoạt tâm linh. Ngoài ra, qua những khảo cứu minh hoạ, đây còn là cuốn sách có giá trị sưu tầm những trò diễn xướng dân gian truyền thống mang tính tôn giáo rất lý thú. Sách được chia làm ba phần.
Phần một: Phần mang tính nghiên cứu sâu của tác giả,Tháng Bảy ngày rằm, xá tội vong nhân. Rất khúc chiết, rất khoa học, nhưng lại dễ hiểu và thuyết phục, với những phát hiện cùng chú giải tưởng chừng như rất khó lĩnh ngộ trong kinh sách Phật hay các điển tích Phật giáo phương Đông, các tích diễn xướng cổ điển dân gian VN… , tác giả Trần Việt Ngữ đã dẫn dắt người đọc dần khám phá ra ý nghĩa của phong tục từ thời xa xưa đến nay, những “biến thể” qua thời gian và dị biệt trong câu chuyện gốc tạo nên sự khác biệt khi được du nhập và VN hoá trong tín ngưỡng dân gian của ta.
Từ những phong tục “Rằm tháng Bảy với tích Cứu mẹ và tục cúng vong”, “Lễ Vu lan bồn và lễ Cúng cô hồn”, giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng phong tục, tìm cái chung cái riêng, để có được cái nhìn chính xác về một phong tục mang tính nhân văn cao của tình người với các đấng sinh thành cũng như với chúng sinh. Điều thú vị ở phần này là tác giả đã đưa ra những “nhân chứng” phi vật thể và cả vật thể để minh hoạ cho những phát hiện, nghiên cứu của mình về phong tục” Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân” với “Đàn tràng Vu lan”, qua những tác phẩm văn hoá nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống như vở Chèo: Mục Liên báo ân, Tuồng: Ban sắc xá cách, Cải lương: Mục Liên - Thanh Đề…
Đặc biệt “đàn tràng” hay “đàn trai” của phong tục này, được tác giả trình bày rất chi tiết về cách thức nghi lễ có lớp lang, ngòai ý nghĩa về một nghi thức trong sinh hoạt tâm linh ngày rằm tháng Bảy, nó còn mang giá trị như một nghiên cứu sâu về trò diễn xướng trong kho tàng văn hoá dân gian VN mang tính tôn giáo và các sinh hoạt nghi lễ tâm linh của người Việt.
Phần hai: Đây là phần tác giả sưu tầm, cống hiến cho người đọc những tác phẩm diễn xướng dân gian gần như là kinh điển của tích “Mục Liên - Thanh Đề” liên quan đến phong tục Lễ Vu lan và Lễ Cúng cô hồn. Ngòai ba vở chèo, tuồng, cải lương đã được nêu trên, còn có phần diễn xướng theo đúng lớp lang của đàn tràng trong cúng lễ ngày rằm tháng Bảy: Bảo đường ca, Triệu linh thần, Văn thỉnh thập loại cô hồn, Kế hạnh thập ân, Chèo thuyền ca cách.
Phần ba: Phần phụ lục, ngòai hai bài mang tính Phật pháp thuyết giáo: Giới vong và Phật thuyết Vu lan bồn kinh, còn có một bài viết: Địa ngục luận - của sư thầy Thích Tuệ Nhuận, giải nghĩa về địa ngục và ngày rằm tháng Bảy theo triết học Kinh Phật Đại thừa, như một bài văn tham khảo.
“Tâm thức của người xem nằm trong vùng thăng hoa của nghệ thuật, cung kính chư Phật, chí hiếu Mẹ Cha, từ ái với chúng sinh, sửa mình quy thiện, tâm ấy tức Phật tính, là tỉnh thức, là Giác...”- trích Lời đề từ cho cuốn sách của Thượng toạ Thích Minh Hiền, Trưởng Ban Văn hoá Thành hội Phật giáo Hà Nội.