Tháng Bảy nghĩ về cầu an, cầu siêu

Tháng Bảy nghĩ về cầu an, cầu siêu

GN - Cầu an-cầu siêu cho người khác phải là giúp cho họ tỉnh thức, phát khởi tâm lành và tự chuyển hóa.

Tháng Bảy với mùa lễ hội Vu lan là thời gian người Phật tử hướng về cội nguồn, tưởng niệm ân đức ông bà cha mẹ, bày tỏ lòng biết ơn bằng các hành động mang tính nhân văn cao đẹp. Họ đến chùa lễ Phật, cầu nguyện sự bình an cho ông bà cha mẹ hiện tiền và cầu siêu cho tổ tiên, người thân đã quá vãng. Dĩ nhiên, trong cuộc sống thường nhật, ai cũng cần quan tâm hiếu kính, luôn nhớ tưởng đến ân đức của tổ tiên, ông bà cha mẹ, biết sống hiếu thảo nhưng mùa Vu lan được xem như mùa lễ hội nhắc nhở mọi người về hạnh hiếu khi sống giữa dòng đời tấp nập bon chen và nhiều bận rộn này.

Các hoạt động văn hóa trong mùa Vu lan thường là thăm viếng ông bà, cha mẹ, hướng ông bà cha mẹ đến với đời sống đạo đức, tâm linh; đi chùa lễ Phật, tụng kinh, cầu nguyện, phóng sinh, bố thí, cúng dường, làm các việc thiện lành để hồi hướng cho người thân đã khuất v.v… Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa, giá trị của những việc làm đó, và có nhiều người chỉ đến chùa để gởi cúng cầu an, cầu siêu cho người thân của mình thôi, hoàn toàn không có hoạt động ý nghĩa nào khác. Không ít người lại làm với niềm tin cạn cợt rằng sự cầu nguyện, cúng bái của mình sẽ mang lại an lành cho cha mẹ hiện tiền và siêu thoát người thân đã quá vãng.

Theo quan niệm thông thường, cầu an là cầu nguyện an lành cho người sống, cầu siêu là cầu nguyện cho người chết siêu thoát. Thật ra chết chỉ là giai đoạn chuyển tiếp của một đời sống. Chết không phải là dấu chấm hết, là sự kết thúc. Sống và chết chỉ là những giai đoạn của tiến trình luân hồi. Kỳ thực không có sự sống chết như quan niệm thông thường của thế gian.

Vì lẽ đó cầu an và cầu siêu đều có ý nghĩa như nhau, đó là cầu sự bình an vượt khỏi những phiền não khổ đau, những vướng mắc, đọa lạc. Người sống (theo quan niệm sống-chết của thế gian) vẫn đọa lạc chứ không phải chỉ sau khi chết, đó là đọa lạc trong phiền não khổ đau, trong ngục tù si mê tăm tối, vọng tưởng điên đảo. Có những lúc con người rơi vào những trạng thái khổ não bức bách như địa ngục, có những lúc rơi vào trạng thái ham muốn, khao khát như loài ngạ quỷ và có những lúc si mê tăm tối, thú tính như loài súc sinh. Vì thế dù còn sống hay đã chết đều cần có sự bình an và vượt lên, thoát khỏi những phiền não khổ đau.

Tuy nhiên không thể cầu nguyện suông để có được sự bình an và siêu thoát. Muốn được an và siêu, tự thân mỗi người phải thay đổi nhận thức, tu tập chuyển hóa tâm ý, lời nói và hành động. Cầu nguyện chỉ thể hiện ý nguyện, sự mong muốn, song song với sự cầu nguyện phải là sự tu tập chuyển hóa.

Ý nghĩa chính yếu của hoạt động cầu an-cầu siêu là: Người cầu an, cầu siêu mong muốn qua việc làm thiện lành của mình, người bệnh hoặc người đang hấp hối, hoặc người vừa mới chết sinh tâm hoan hỷ, được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, về mặt tâm linh để lòng bình an, không còn hoang mang lo lắng, sợ hãi. Đồng thời qua lời kinh kệ, lời thuyết giảng, khai thị của Tăng Ni hoặc thiện hữu tri thức, người bệnh, người đang hấp hối hoặc vừa mới chết tỉnh thức, hiểu rõ quy luật vô thường sinh diệt, buông bỏ ý niệm luyến thương, nuối tiếc người thân, tiền của, sự nghiệp, hoặc ý niệm thương, ghét, oán hận... để tâm không còn bị trói buộc, không còn bị chi phối bởi phiền não khổ đau, tâm trở nên thanh thản, tự tại. Nếu là người đã chết thì nhờ đó mà siêu thoát và tái sinh về cõi lành.

Kỳ thực không ai có thể cầu cho ai được bình an, thoát khỏi sự ràng buộc, chi phối của phiền não, nghiệp chướng; không ai có thể cầu cho người khác tái sinh về cõi lành. Và tự bản thân mỗi người cũng không thể cầu nguyện cho mình có được những điều đó. Sự cầu an-cầu siêu cho người khác phải là giúp cho họ tỉnh thức, phát khởi tâm lành và tự chuyển hóa phiền não khổ đau của chính họ. Cầu an-cầu siêu cho chính mình cũng thế, phải là sự ý thức, tỉnh ngộ, chuyển hóa tâm thức và hành nghiệp của mình theo chiều hướng tích cực.

Mong sao người Phật tử nói riêng và những ai quan tâm đến đời sống tâm linh nói chung đều hiểu được ý nghĩa của việc cầu an-cầu siêu, để có những hành động thiết thực, hữu ích cho chính mình và người thân trong mùa Vu lan Báo hiếu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày