Thanh cao dáng núi

GN - Buổi trưa yên ắng, Quảng Hương Già Lam tịch tịnh; trên chiếc ghế đá trước sân chùa, tôi suy niệm đến Ôn, tấm lòng chân thành tri ân hồng đức, tưởng như có thể ngàn vạn lạy hướng về tháp thiêng, sừng sững giữa bầu trời quang đãng, như dáng núi thanh cao...

>> Hiện thân cát bụi vào muôn nẻo

Mây lành hẳn ở đâu đây

Và cơn mưa pháp tháng ngày Già Lam…

Hai câu thơ trên do tôi nghĩ ra khi ngồi dưới cội cây trước sân chùa Già Lam vào ngày thứ 49 kể từ khi Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Thủ viên tịch. Bấy giờ tôi còn là một Tăng sĩ trẻ, giờ đây tôi đã qua nhiều năm của lục thập, và hôm nay lại đến chùa Già Lam vào dịp kỷ niệm 29 năm  kể từ ngày Ôn rời Ta-bà để vào miền tịch tĩnh.

thichtrithu-3.jpg

Ôn Trí Thủ những ngày ở Phật học viện Hải Đức - Nha Trang

49 ngày và rồi 29 năm… Thời gian thấm thoát, nhưng hình bóng Ôn vẫn không phai trong tâm tưởng. Bậc trưởng thượng, vị Đại trí với tâm hồn giản dị, thanh cao, từ bi rộng mở, có lẽ đang hướng về Phật giáo và đất nước để phù hộ cho hưng thịnh, trường tồn, từ nơi miên viễn hóa thân tại cõi này…

Thành quả Phật sự lớn lao của Ôn vẫn còn đó; giáo dục Tăng Ni Phật tử, biên soạn dịch thuật kinh sách với hàng chục tác phẩm, vài chục bản khảo luận Phật học và vài chục bài thơ. Ôn đã thể hiện trí tuệ công sức không ngừng để tham gia lãnh đạo và phát triển Phật giáo Việt Nam. Vầng tuệ đã sáng ngời ngay từ thời Ôn trúng tuyển Thủ Sa-di trong số 300 giới tử tại giới đàn thọ Cụ túc giới: pháp danh Trí Thủ mà Ôn được bổn sư ban hẳn mang ý nghĩ là sự đứng đầu về trí tuệ, là bậc lãnh đạo trí tuệ.

Quả vậy, suốt hơn nửa thế kỷ Ôn vẫn thuộc hàng lãnh đạo, là Sơn môn bảo chướng, là Thiền lâm tông tượng: Đàn chủ nhiều giới đàn, Tổng vụ trưởng Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tài chánh, Viện trưởng Cao đẳng Phật học viện, Viện trưởng Viện Hóa đạo, Chủ tịch Hội đồng Trị sự…

Từ bi, nhẫn nại, giản dị, thanh cao và trí tuệ sáng ngời là cốt cách của Ôn. Từ năm 1980, Ôn là Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo. Ôn cùng phái đoàn đã đi khắp nhiều tỉnh thành để thực hiện nguyện vọng thiết tha của Tăng Ni Phật tử Việt Nam là thống nhất Phật giáo trong hoàn cảnh đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất non sông. Tôi bấy giờ tuổi đời vừa mới ba mươi, nhờ ơn Tam bảo, được Ôn chỉ định cho tham gia vào Ban Vận động, có dịp được cận kề Ôn trong thời gian vài năm, được Ôn chỉ dẫn, dạy bảo.

Tôi nhớ như in những chuyến đi dài trong thời buổi phương tiện đường sá khó khăn; tôi nhớ những giọt mồ hôi trên trán Ôn; nhớ chiếc áo nâu nhuốm bụi đường xa; nhớ những lần xe lửa trục trặc phải dừng nơi hoang vắng hay khi xe hơi bị gãy nhíp giữa đường đèo. Những lúc ấy, Ôn vẫn nhẹ nhàng an ủi, động viên mọi người.

Chùa Quán Sứ ở thủ đô Hà Nội là nơi đoàn ở lại nhiều ngày mỗi khi đoàn làm việc ở Hà Nội và phải liên tục vào việc giao tiếp, bàn thảo, vận động từ sáng đến tối. Vị thế của tôi trong đoàn không quan trọng so với chư tôn Hòa thượng nhưng sức trẻ vẫn có phần mệt mỏi, đủ biết sự chịu đựng của chư tôn, của Ôn thật là vô cùng kính phục. Mấy ngày liên tục tại chùa Quán Sứ, vào lúc 3 giờ rưỡi khuya, trời còn tối mịt, tôi đã nghe tiếng chân của Hòa thượng Đạt Đạo, bấy giờ là thị giả của Ôn, đến phòng và khẽ bảo rằng Ôn dậy chuẩn bị cùng Ôn ra chánh điện lễ lạy, khấn tụng 48 lời nguyện của Đức Phật A-di-đà. Tôi xúc động về những lời nói, cử chỉ từ hòa, ưu ái Ôn dành cho tôi.

Có lần trên đường từ Đà Lạt về thành phố, Ôn khích lệ chí nguyện của mọi người, rồi Ôn vui vẻ nói “Làm thú thì phải làm đầu đàn; vào địa ngục thì phải làm chúa ngục; nhập Tỳ-kheo thì phải làm chúng trưởng”. Câu nói có vẻ đùa vui ấy của Ôn hẳn để phê phán những cái tâm kiêu mạn, hiếu thắng, ham danh… nhưng cũng để khuyên những người trẻ nên nỗ lực tinh tấn để vượt lên chính mình!

thichtrithu-4.jpg

Thành quả Phật sự lớn lao của Ôn vẫn còn đó;
giáo dục Tăng Ni Phật tử, biên soạn dịch thuật kinh sách...

Hiền dịu, thong dong, Ôn là một nhà thơ yêu thiên nhiên, đất nước và đạo pháp. Ôn nhắc đến cảnh làng quê đạm bạc, yên ả trong tiếng chuông chùa. Làng quê hay mảnh đất tâm an tịnh mà Ôn luôn gìn giữ và khuyên nhủ mọi người hãy bảo vệ.

Làng tôi xa lánh cảnh phồn hoa

Sáng tối chuông ngân khắp mọi nhà

Luống cải vườn rau sanh hoạt thú

Tiếng cười xen lẫn tiếng dân ca.

                           (Nhớ làng)

Mong ước canh cánh của Ôn là Phật giáo Việt Nam có sự đoàn kết vì Đạo pháp và Dân tộc, phát triển trường tồn trong lòng đất nước. Lòng yêu Nước yêu Đạo ấy được thể hiện trong bài thơ mà Ôn cho khắc ở hòn non bộ hình chữ S:

Sớm hôm hướng nẻo Phật đà

Sắc không tâm sự đường xa nỗi gần

Mong sao giữ vẹn mười phần

Thanh cao dáng núi trong ngần vẻ sông

Gấm non, gương nước trăng lồng

Đạo vàng dân tộc chiếu hồng muôn Xuân.

Buổi trưa yên ắng, Quảng Hương Già Lam tịch tịnh; trên chiếc ghế đá trước sân chùa, tôi suy niệm đến Ôn, tấm lòng chân thành tri ân hồng đức, tưởng như có thể ngàn vạn lạy hướng về tháp thiêng, sừng sững giữa bầu trời quang đãng, như dáng núi thanh cao... Lòng lắng tịch nhiên, ngưỡng cầu cảm ứng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày