Thao thức việc làm cho người khiếm thị của một Phật tử trẻ

Quý Thầy chùa Kỳ Quang II tặng hoa chúc mừng 14 năm hoạt động của dự án "Đôi tay người mù - Ảnh: L.Đ.L
Quý Thầy chùa Kỳ Quang II tặng hoa chúc mừng 14 năm hoạt động của dự án "Đôi tay người mù - Ảnh: L.Đ.L
0:00 / 0:00
0:00
GNO - 15 năm trước, Châu Cao Minh, một Phật tử trẻ quê Ba Tri (Bến Tre) đã chọn khu vực Gò Vấp (TP.HCM) để mở một cơ sở massage người mù. “Lúc khởi sự, tôi mong có một chốn về cho những người mù hữu duyên với mình, để họ có việc làm và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân mình”, Châu Cao Minh chia sẻ.

Từ dự án “Đôi tay người mù”

Minh từng là một sinh viên nghèo của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đỗ vào ngành Kinh doanh quốc tế của ngôi trường này, chàng trai ốm khẳng khiu xứ dừa khăn gói lên Sài Gòn để theo đuổi ước mơ học hành, kể từ năm 2006. Ba của Cao Minh cũng là một người mù. “Do vậy tôi rất hiểu những khó khăn của người nghèo như mình và đặc biệt hướng về những người mù, vì hiểu ba mình”, Châu Cao Minh nói về ý niệm ban đầu của dự án “Đôi tay người mù”.

Bấy giờ, khi đã học xong hệ cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Minh bắt tay ngay vào dự án. Anh chọn một địa điểm ở đường Trần Quốc Tuấn, P.1, Q.Gò Vấp để hiện thực hóa việc “giúp nhau sinh kế” của mình.

Theo Châu Cao Minh, người mù có nhiều nghề như đan chổi, làm tăm, bán dạo, nhưng phổ biến nhất có lẽ làm massage. “Khi họ không có đôi mắt sáng thì đôi tay điêu luyện được đào tạo nghề bài bản sẽ giúp họ có kế sinh nhai tốt. Tuy nhiên, họ gặp khó trong việc tự mở cơ sở, nếu có thì cũng cần tích lũy vốn, kinh nghiệm, biết cách quản lý mới có thể làm tốt. Do vậy, họ cần một người sáng mắt và có kế hoạch, kỹ năng trong quản lý, điều hành cơ sở mở một nơi cho họ làm nghề”, Minh chia sẻ.

Châu Cao Minh (áo trắng) bồi dưỡng kỹ thuật cho nhân viên - Ảnh: L.Đ.L

Châu Cao Minh (áo trắng) bồi dưỡng kỹ thuật cho nhân viên - Ảnh: L.Đ.L

Cơ sở massage “Đôi tay người mù” được Châu Cao Minh mở vào năm 2009, với chỉ 4 giường và 5 nhân viên là những kỹ thuật viên người mù được anh tuyển chọn từ khóa đào tạo ở chùa Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Nhớ lại những ngày đầu đó, Minh bồi hồi: “Tôi không nghĩ sau ngần ấy năm, có những người gắn bó ban đầu vẫn còn theo mình làm nghề, nhiều anh chị trưởng thành từ đây đã ra mở cơ sở riêng, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp nhiều người mù khác có được công ăn việc làm. Thật là mừng lắm”.

Chính cơ sở của Châu Cao Minh ngày ấy, sau 14 năm hoạt động cũng đã “nở” ra với 33 giường, 2 cơ sở và 45 nhân viên. “Đây là thành quả từ sự nỗ lực của tập thể, từng lớp anh chị em nhân viên đã chung tay đóng góp, tôi chỉ là người khơi lên niềm tin và truyền động lực để tất cả cùng tạo nên giá trị”, anh chủ hiền lành bày tỏ.

Tâm rộng cảnh rộng

Bước qua năm hoạt động thứ 15, cơ sở massage “Đôi tay người mù” đã thành một công ty hoạt động chuyên nghiệp dưới tên gọi Kỳ Quang Minh. Đây cũng là một niềm tri ân của Châu Cao Minh với chiếc nôi đào tạo nghề massage cho người mù mà chính anh cũng từng có thời gian theo học là chùa Kỳ Quang II. Nay, ngoài vai trò là nhà tuyển dụng các học viên lành nghề từ “lò” đào tạo Kỳ Quang II, Châu Cao Minh còn tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên đề cho khóa đào tạo. Chính Minh - người thật việc thật - đã truyền cảm hứng tích cực cho học viên. Qua Minh, họ tin tưởng, chỉ cần nỗ lực bằng đôi tay thạo nghề và sự tử tế trong công việc thì sẽ thành công.

Nói về bước tiến của cơ sở sau 15 năm hiện diện, Minh cho biết, cuối tháng 4-2024, Kỳ Quang Minh sẽ khai trương thêm cơ sở thứ 3 tại Gò Vấp, ngoài cơ sở đầu tiên thì cơ sở thứ hai ở đường Bà Hạt (Q.10) cũng hoạt động hiệu quả. Các thành viên của Kỳ Quang Minh khi được hỏi về anh chủ của mình, ai cũng dành cho Minh sự trân trọng, quý mến và biết ơn. Anh Tùng ở cơ sở Bà Hạt cho biết: “Anh Minh rất quan tâm tới nhân viên, từ chế độ đến những ân cần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Tôi có được việc làm để tự nuôi sống mình và giúp đỡ người thân đều nhờ Kỳ Quang Minh”.

Kỳ Quang Minh của Minh thường xuyên massage miễn phí cho người lao động nghèo - Ảnh: L.Đ.L

Kỳ Quang Minh của Minh thường xuyên massage miễn phí cho người lao động nghèo - Ảnh: L.Đ.L

Không chỉ lo cho nhân viên, Châu Cao Minh còn dành sự quan tâm đến nhiều hoàn cảnh khó khăn khác khi thường xuyên tổ chức các hoạt động tặng quà hoặc massage miễn phí cho người nghèo. Phương pháp massage của Kỳ Quang Minh theo hướng trị liệu đau, mỏi vai gáy, lưng và tê bì tay chân theo phương pháp cổ truyền nên khi thực hiện cho các cô chú lao động nghèo, họ rất thích.

“Trong năm này, khi cơ sở thứ 3 chính thức mở cửa, chúng tôi sẽ giúp cho vài chục người mù có việc làm ổn định. Hầu hết họ đều có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng và thậm chí hơn”, Minh hoan hỷ chia sẻ.

Tất nhiên, trong sự phát triển cùng nhau, Châu Cao Minh ngày càng cải thiện cuộc sống cá nhân. Anh đã thành ông bố 3 con, dù bận bịu nhưng nhờ người vợ hiểu mình, cùng sát cánh nên Minh tin tưởng, tương lai sẽ tạo thêm việc làm cho những người khuyết tật khác. Anh không ngại khi nhân viên của mình ra lập cơ sở mới, vì càng có nhiều nơi tạo việc làm ổn định cho người mù càng tốt. Đó cũng là tâm niệm ban đầu khi Châu Cao Minh khởi sự.

Sắp tới, Minh sẽ cùng một số nhân viên thực hiện những “chuyến xe truyền nghề”. Theo đó, anh sẽ thong dong đi đến nhiều tỉnh thành, giúp cho những cơ sở nhỏ lẻ của những người mù làm chủ từ kinh nghiệm, sửa phòng ốc, tặng giường… để họ có thêm phương tiện làm nghề. “Tôi biết, có những cơ sở massage gia đình do hai vợ chồng người mù mở ở vùng quê, họ thiếu kinh phí để mua thêm giường hoặc trang bị các tiện nghi khác như máy lạnh chẳng hạn. Chúng tôi sẽ đến, có thể cùng mạnh thường quân yểm trợ họ mở mang cơ sở trở nên chuyên nghiệp hơn”, Châu Cao Minh nói.

Thao thức cho người khó hơn và hoan hỷ với thành công của người khác có lẽ là “bí quyết” thành công của Phật tử Châu Cao Minh. Hành trình 15 năm với sự nghiệp “giúp nhau sinh kế” của Minh chính là sự “đáp đền tiếp nối” mà anh nghĩ, đó cũng là cách anh tri ân những sự giúp đỡ của rất nhiều người mà bản thân đã nhận được từ cuộc đời. Với Minh, giúp người mù còn là thực hiện tâm nguyện làm tay làm mắt cho người ba của anh ở quê nhà Ba Tri, Bến Tre.

Người khuyết tật khó có cơ hội việc làm

Tổng cục Thống kê và UNICEF năm 2019 đã công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam. Theo đó, hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người - là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.

Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để xác định và thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam.

Cuộc điều tra còn chỉ ra một thực trạng, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Mặc dù, người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế nên điều kiện nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Từ năm 1998, ngày 18-4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày