GNO - Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp quay trở lại đúng nhịp đồng hồ sinh học và làm thay đổi sự lão hóa ở cấp độ tế bào, bằng chứng từ nghiên cứu đã chỉ ra điều này.
Trong một nghiên cứu thí điểm, các chuyên gia phát hiện rằng nam giới có chế độ ăn khoa học, thể dục thể thao thường xuyên và có cuộc sống ít stress trong nhiều năm sẽ có chiều dài các telomere của nhiễm sắc thể tăng lên, giúp bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi sự hư hoại.
Các telomere trở nên ngắn hơn sau mỗi lần tế bào phân chia. Khi chúng ở một chiều dài nhất định thì tế bào sẽ chết hoặc ngừng phân chia.
Theo nghiên cứu này, 10 người nam được yêu cầu chế độ ăn dựa trên thực vật, có tập thể dục thể thao đều đặn, tham gia các hoạt động giảm stress như thiền hoặc yoga. Một nhóm khác gồm 25 nam giới không thực hiện sự thay đổi nào trong lối sống. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo chiều dài của các telomere nhiễm sắc thể trong tế bào bạch cầu tại hai thời điểm là khi nghiên cứu bắt đầu và 5 năm sau đó.
Kết quả cho thấy, ở nhóm 10 nam giới có sự dài ra khoảng 10% của các telomere, còn ở nhóm 25 người thì các telomere ngắn đi khoảng 3%. Kết quả nghiên cứu này đăng trên Tạp chí Ung thư học Lancet, ngày 19-6 qua.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các telomere khi ngắn đi sẽ làm tăng nguy cơ đột tử, các bệnh mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh mất trí nhớ - chia sẻ của tác giả nghiên cứu, bác sĩ Dean Ornish, Đại học California (San Francisco). Nói cách khác, khi các telomere ngắn lại thì tuổi thọ ngắn lại. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy thay đổi sinh hoạt hàng ngày có thể giúp gia tăng chiều dài của các telomere.
Khám phá về chức năng của telomere trong lão hóa tế bào cùng với enzyme giúp phát triển các telomere đã mang lại giải Nobel Y học năm 2009 cho ba nhà khoa học, trong đó có Elizabeth Blackburn - người cùng tham gia vào nghiên cứu này.
Đức Hòa (Theo Live Science)