Thấy gió chướng là biết Tết về

GNO - Mỗi khi đến gần Tết, miền quê biển Ba Tri lại đón những cơn gió chướng thổi lồng lộng từ ngoài biển vào. Điều này làm cho không khí ngày Tết ở quê tôi có đặc trưng thật khó tả!

Theo người dân, gió chướng còn gọi là gió mùa đông bắc thổi trên biển Đông bắt đầu từ độ tháng mười cho đến đầu tháng ba âm lịch.

cukieu.jpg


Dấu hiệu Tết - Ảnh minh họa

Hồi xưa, ở quê tôi, gần Tết, người ta phơi củ kiệu, củ cải trắng, củ cải đỏ,… để chuẩn bị làm dưa cho gia đình ăn ba ngày Tết. Mấy bà nội trợ ngại gió thổi mạnh, làm bụi bay tung tóe, gây bẩn và ô nhiễm mấy thứ này. Cỡ ba chục năm trước, đường quê làm gì có tráng nhựa sạch sẽ như bây giờ! Cho nên, người ta phải tạt mấy xô hoặc thau nước trước sân mỗi ngày ba, bốn lần để ngăn bụi bay vào nhà.

Đặc biệt, trong mấy ngày Tết, nhiều gia đình ở quê tôi trước đây còn có phong tục kiêng quét nhà. Khi gió thổi mạnh, bụi dính đầy bàn ghế và nền nhà. Vì thế, mỗi sáng và chiều, người ta phải tạt nước trước sân để bớt bụi. 

Mấy ngày cận Tết, khi gió chướng thổi đúng hướng vào bờ (đi theo hướng từ mặt trời mọc sang mặt trời lặn), dân gian còn gọi là ngay họng gió, thì trẻ con và người già phải mặc áo ấm lúc sáng sớm cũng như buổi chiều tối. Người ta phải nấu nước để tắm. Nếu không thì rất dễ gây bệnh cảm, lâu phục hồi.

Những người già ho hen rất ngại những ngày trời thổi chướng mạnh vì cơn ho sẽ nặng hơn, khò khè cả ngày. Bà nội tôi, vốn bị bệnh phế quản lâu năm, đã trở bệnh nặng rồi qua đời ngày hai mươi hai tháng Chạp. Còn nhớ, lần đó ngày mùng ba Tết, tôi đi thăm mấy người bạn nhà ở gần biển, quên mặc áo khoác, buổi tối về trúng gió, khí hàn nhập vào người, phải xông vài lần mới khỏi hẳn.

Dân vùng biển ở An Thủy nhớ thời cách đây năm mươi năm, cuộc sống vốn khó khăn, khi gió thổi lạnh, họ chỉ còn biết cách chui tọt vào chiếc nóp nằm cho ấm người.

Nhiều người sống kề cửa sông Hàm Luông hồi tưởng lại: Chừng mười năm trước đây, những khi gió chướng thổi mạnh, thỉnh thoảng kèm thêm cơn gió bấc, sẽ làm họ lạnh run bần bật. Vì vậy, đàn ông và đàn bà phải trùm khăn lên đầu, mình mặc hai, ba lớp áo ấm vào buổi sớm cũng như chiều tối. Đợi mặt trời lên, nắng ấm áp, họ mới ra khỏi nhà làm công việc. Các cụ già phải nằm than mỗi ngày mới đủ ấm. Còn ngày nay, theo nhiều người nhận định, gió chướng đã bớt lạnh hơn trước rất nhiều!

Những ngày Tết, khi gió thổi mạnh làm thời tiết lạnh, hay nhất vẫn là ngồi bên bếp than tí tách nướng bánh phồng, nhâm nhi vài ly trà nóng và nhấm nháp ít mứt gừng để cảm nhận hơi ấm đang lan tỏa dần trong ngôi nhà thân yêu của mình. Ngoài sân, thỉnh thoảng nghe cơn gió thổi làm lay mạnh cây mận ngoài sân xào xạt, những trái non rơi lộp độp cùng những cánh hoa mận bay nghiêng theo gió rồi nằm lại đầy gốc. Còn những cội mai già vẫn không đủ sức chống lại mỗi khi gió thổi đến. Nụ và hoa rơi vương vãi trước hiên nhà. Những cánh hoa mai làm vàng một khoảnh sân trước. 

Mùa gió chướng tạo cho không khí Tết xứ biển Ba Tri nhiều điều lạ lẫm hơn những nơi khác! Ai đã từng sống ở đây hẳn không thể nào quên được những kí ức về miền quê thương nhớ khi những ngày cuối năm đang dần đi qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày