“Thầy trụ trì Thích Minh Phượng đã có nhiều chuyện bất hòa, sống không khéo với người dân ở đó. Có lẽ vì thế nhân sự kiện này người dân bức xúc nên mới phản ứng như vậy”. - HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Hà Nội nói về vụ việc người dân bất bình vì tượng Phật ở chùa Chân Long (huyện Thạch Thất, Hà Nội) "giống" sư trụ trì.
Những ngày qua, các trang mạng xã hội và một số tờ báo đưa tin về những clip, hình ảnh người dân bức xúc trước việc nhà sư trụ trì Thích Minh Phượng ở chùa Chân Long (thuộc địa bàn xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã “tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình”.
Từ nghị trường Quốc hội chiều 7-11, trước khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, HT.Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội đã gọi điện thoại xác minh, cập nhật tình hình.
Trên trang mạng và một số tờ báo có đăng tải hình ảnh bức tượng Phật "giống" với hình ảnh vị sư trụ trì Thích Minh Phượng. Xin Hòa thượng cho biết sự việc này thế nào và đã xảy ra lâu chưa?
HT.Thích Bảo Nghiêm: Sự việc này theo báo cáo tôi nhận được thì đã xảy ra mấy ngày nay. Chiều nay (tức 7-11) Giáo hội Phật giáo Hà Nội cũng có một cuộc họp thường kỳ nhưng sự việc này cũng không nằm trong nội dung cuộc họp, nên chắc là chuyện này đã giải quyết xong rồi.
Chúng tôi xác định đây là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Vì tượng được đúc bằng đồng nên có vẻ giống sư trụ trì thôi.
Lãnh đạo UBND huyện Thạch thất đã yêu cầu những gì không thuộc về nhà chùa thì phải mang đi. Theo báo cáo tôi nhận được thầy Thích Minh Phượng đã đưa pho tượng ra khỏi chùa.
Thế nhưng người dân lại cho rằng bức tượng rất "giống" thầy Thích Minh Phượng. Phải chăng nếu có giống như người dân nói cũng chỉ là tưởng tượng, hoặc chỉ là vô tình?
- Đúng vậy, chắc cũng chỉ là vô tình thôi!
Nếu trong trường hợp vị sư trụ trì này cố tình tạc bức tượng giống với hình ảnh của mình thì sao?
- Nếu như vậy thì không thể chấp nhận được. Nhưng tôi nghĩ thầy Phượng không dám làm chuyện này. Bởi người ta chỉ tạc tượng trong trường hợp người đó đã chết. Đằng này thầy Phượng vẫn còn trẻ, và vẫn đang sống nên không thể có chuyện tạc tượng thờ được.
Trên một số trang mạng có hình ảnh bức tượng này được người dân kéo lê ra đường với những hình ảnh không đẹp mắt. Hòa thượng nghĩ sao về điều này?
- Cái này thì tôi không biết. Còn theo báo cáo chính thức của Phật giáo huyện Thạch Thất, Hà Nội, đây là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đúc từ Quảng Ninh mang về.
Đáng lẽ vì đây là chùa di tích thì những tượng Phật đưa vào chùa phải được báo cáo và làm lễ cẩn thận.
Được biết thầy Thích Minh Phượng đã làm lễ hô thần nhập tượng nhưng đã không nhận được sự đồng tình từ phía người dân?
- Nếu có chuyện này thì chúng tôi sẽ phải kiểm tra, xác minh lại.
Tại sao lại xảy ra việc người dân bức xúc như vậy? Phải chăng đã có những bất hòa giữa sư trụ trì với người dân?
- Đúng là thầy trụ trì Thích Minh Phượng đã có nhiều chuyện bất hòa, sống không khéo với người dân ở đó. Có lẽ vì thế nhân sự kiện này người dân bức xúc nên mới phản ứng như vậy.
Đã bao giờ vị sư trụ trì này bị Giáo hội Phật giáo nhắc nhở, hay tiến hành kỷ luật chưa, thưa Hòa thượng?
- Chúng tôi chưa đưa ra hình thức kỷ luật nào vì thầy Phượng chưa bao giờ vi phạm giới luật. Nhưng Giáo hội Phật giáo Hà Nội, cụ thể là Hội Phật giáo huyện Thạch Thất đã nhiều lần uốn nắn, nhắc nhở thầy Thích Minh Phượng.
Một vị sư trong chùa phải lấy sự hòa hợp với dân làm chính. Bởi mình là người tu hành ở địa phương, và đã là người tu hành thì càng phải biết nhẫn. Thầy Phượng sống chưa khéo lắm, và đã nhiều lần chúng tôi phải nhắc nhở.
Có thông tin vị sư trụ trì này đã trốn đi khỏi chùa. Thầy có thông tin gì về việc này?
- Không, không có chuyện thầy Phượng trốn đâu.
Sau vụ việc này, Giáo hội Phật giáo có nhắc nhở gì đối với cá nhân thầy Phượng và các vị thầy trụ trì nói chung không?
- Đây cũng là bài học cho Phật giáo Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiến hành nhắc nhở tới các vị trong Hội Phật giáo trụ trì phải chấp hành nghiêm luật di sản văn hóa. Đồng thời cũng phải tôn trọng ý kiến của nhân dân, có sự đồng tình của nhân dân.
Ngoài ra người tu hành thì cũng phải sống với một tinh thần giới luật, hài hòa với quần chúng nhân dân.
Xin cảm ơn Hòa thượng!
Thành Nam (theo Infonet.vn)