Thiền và những biến chứng

GN - Hiện nay, thiền vẫn là một thuật ngữ “thời thượng”, không chỉ đối với người Á Đông, mà đặc biệt thịnh hành ở các nước phương Tây.

Theo đó, đối với một số người, thiền không hẳn là một pháp môn rèn tâm, đạt được sự an lạc, giải thoát mà đơn giản trở thành một cái “mốt”, nhằm tô điểm cho một lối sống được xem là hiểu biết, tri thức. Do đó, bên cạnh những hành giả chân chính, còn có những người thiền phong trào, dẫn đến không ít những “biến chứng”…

Với xu hướng nhập thế của Phật giáo, nhìn chung hiện nay thiền được đơn giản hóa về ý nghĩa lẫn cách thực hành, nhằm dễ tiếp cận với số đông quần chúng. Bên cạnh đó, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam những năm gần đây, phương pháp “thiền Yoga” hay “Yoga” dần trở nên thịnh hành và được vận dụng như một phương pháp trị liệu cho cả thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, không ít người, kể cả Phật tử, đã mơ hồ trong việc định nghĩa, nhầm lẫn, thậm chí đánh đồng thiền Yoga với thiền Phật giáo. Việc thực hành sai lạc trong pháp tu cũng gây nên nhiều “biến chứng”, ảnh hưởng không nhỏ đến pháp hành căn bản của Phật giáo…

mente-positiva.jpg

Thực hành thiền với sự tham muốn bất chính sẽ dẫn đến nhiều biến chứng - Ảnh minh họa

Từ sự mù mờ về khái niệm

Trong thực tế, thuật ngữ Yoga (Du-già) bắt nguồn từ cổ ngữ Sanskrit, được tìm thấy trong các sách thuộc thời đại Lê-câu-phệ-đà (Ṛg-Veda) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad), với bao hàm các nghĩa liên tiếp, tiếp hợp, dùng để chỉ phương pháp điều hòa hơi thở và quán sát, nhằm đạt đến lý tưởng “Ngã Phạm nhất như” (hiệp thông với Phạm thiên), tức việc tu tập nhằm kết hợp với Phạm thiên hoặc sẽ cộng trú với Phạm thiên.

Ở bài viết với nhan đề “Khái niệm Yoga trong Phật giáo”, đăng trên báo Giác Ngộ trước đây, tác giả Thích Nguyên Hùng đã có những dẫn chứng, chỉ rõ, trước khi Siddhārtha thành Phật, Ngài đã từng thực tập phương pháp này với các bậc thầy Yoga như Ārāḍa Kālāma, UdrakaRāmaputra. Sau khi thành Phật, Ngài cũng sử dụng phương pháp này làm tiền đề cho các pháp môn tu tâm, tu tuệ mà Ngài đã khám phá ra, nhưng Đức Phật sử dụng phương pháp điều hòa hơi thở không nhằm đến chứng đắc các tầng thiền và càng không phải để cộng trú với Phạm thiên, mà hướng tâm đến tuệ quán duyên khởi nhằm chứng các thánh quả vượt ra ngoài ba cõi.

Đến thời kỳ Phật giáo Bộ phái, ở Ấn Độ có ra đời trường phái Du-già hành, từ đây Yoga đã không còn mang ý nghĩa duy nhất là phương pháp điều hòa hơi thở nữa, mà để chỉ cho sự tương ưng của tâm. Như vậy, Phật giáo đã định nghĩa lại khái niệm Yoga trong tư tưởng tôn giáo Ấn Độ cổ xưa, đưa vào đó một khái niệm mới, với những kỹ năng luyện tập và chuyển hóa tâm, chứ không phải là những kỹ thuật uốn nắn thân thể như là những bài tập thể dục thể hình, mà ta thấy và ngộ nhận về Yoga hay thiền Yoga như xưa nay!

Như vậy, cần nhận rõ, thiền Yoga hay Yoga đang được ứng dụng phổ biến, rộng rãi hiện nay không phải là pháp môn tu thiền của Phật giáo, mà thuần chỉ những bài tập vật lý bên ngoài nhằm mang lại sức khỏe và sự thư giãn cho người thực hành. Tuy nhiên, xét ở phương diện “nhập thế” của đạo Phật hiện nay, thiền Yoga hay Yoga, dựa trên những triết lý căn bản của Phật giáo, có thể được xem là phương tiện, dẫn dắt người thực hành tiếp cận và đến gần hơn với pháp môn tu thiền Phật giáo, nơi chứa đựng những giáo lý chân thật của Đức Phật.

Đến sự tham muốn bất chính

Hẳn nhiên không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực trong đời sống mà những phương pháp thiền nói chung mang lại. Điển hình như việc ngày nay, nhiều trường đại học, bệnh viện… tổ chức các lớp học thiền hay thiền Yoga, sử dụng phương pháp này cho khoa học, cho điều trị các bệnh về tâm thần, có khi đi xa khỏi Phật giáo.

Tuy nhiên, với sự mơ hồ trong nhận định, kèm theo đó là những mong cầu phi thực tế, hay để thỏa mãn mục đích cá nhân, một số người đã lợi dụng phương pháp thiền Yoga hay Yoga, đánh vào sự thiếu am hiểu tôn giáo của số đông, để quy sự thực hành của mình là tu thiền trong Phật giáo, dẫn đến việc “tự xưng” bản thân đạt chứng ngộ, tinh yếu trong giáo lý của nhà Phật, gieo rắc sự mê tín dị đoan…

Trước thực trạng này, HT.Thích Minh Cảnh, Thành viên HĐCM, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN khẳng định: “Trước hết, cần hiểu giáo lý trong tu thiền của Phật giáo, khi được đơn giản hóa và đưa vào đời sống, lúc này trở thành phương tiện điều trị cho vấn đề tâm lý. Ở đây, cụ thể là những sức ép, stress từ môi trường cạnh tranh, sự bạo lực… đang tồn tại trong xã hội, giúp con người sống chậm lại, biết suy xét và điều chỉnh hành vi của mình, đạt được sự thư thái về đầu óc, chứ không thể nói có giáo lý nhà Phật nghĩa là bạn đang tu thiền trong Phật giáo được”.

Thêm vào đó, “Tu thiền là một sự rèn luyện tâm, là cả một quá trình mà người học Phật phải nỗ lực nghiêm trì giới luật, trau dồi giới hạnh, tu tập ở nơi thuận hòa, chú tâm niệm tưởng đề mục. Hơn nữa là cần tìm và nương theo một vị thiền sư là bậc thiện tri thức, để được dẫn dắt và chỉ dạy con đường chánh đạo. Mặc nhiên, trong lịch sử được ghi nhận từ thời Đức Phật, không có chuyện tự nhiên chứng ngộ mà không có sự học hỏi, rèn luyện và am hiểu các giáo lý”, TT.Tăng Định, Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Thiền học Nam truyền thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN, có cùng quan điểm.

Nói về việc “tự xưng”, thậm chí, nhiều trường hợp trở nên điên loạn, sau quá trình hành thiền của một số người hiện nay, TT.Tăng Định nhìn nhận, đây chính là “biến chứng” của hành thiền mà thiếu chánh kiến. Song song đó, HT.Thích Minh Cảnh cũng chỉ rõ, “biến chứng” này, gốc rễ xuất phát từ lòng tham của con người.

Có thể thấy, từ tâm ham muốn bất chính, mà mong chờ được đáp ứng, trong một thời gian dài, nhưng không thành, gây ra trước nhất là sự kiệt quệ về thể chất, sau là sự hụt hẫng về tinh thần, dẫn đến điên loạn trong hành động lẫn tư duy. Thêm vào đó, do không được sự chỉ bày và hướng dẫn từ bậc thiện tri thức, khiến người ấy đi sai đường, lại vì bản tính cao ngạo, chấp thủ, nên tự cho là mình thực chứng được sự giác ngộ trong Phật giáo.

“Ví như có người đi trên một con đường thẳng, dẫn anh ta về ngay ngôi nhà của mình, song, do sự ham thích cây cối, cảnh đẹp, hương thơm đang mời gọi hai bên đường, cộng với mộng tưởng cho rằng, vào đó vừa về nhà nhanh, lại được hưởng thụ những điều đẹp đẽ kia. Tâm tham dẫn dắt như vậy, khiến anh ta đi sâu vào cánh rừng, đường rừng vòng vèo và hiểm trở, mà luôn cho rằng mình tìm được đường tắt, vừa đẹp vừa nhanh. Kết cuộc, người ấy lạc sâu vào cánh rừng, không tìm được đường ra”, HT.Thích Minh Cảnh lý giải.

Như vậy, không chỉ riêng về thiền Phật giáo, khi tiến hành thực tập bất cứ pháp môn gì, ở bất kỳ tôn giáo nào, nếu không khéo tu học, lại có mục đích sai khác, nằm ngoài giáo lý chân thực của tôn giáo ấy, đều tạo nên những “biến chứng” khôn cùng, cho chính mình và cho xã hội.



Pháp tu Thiền định là để thâu tâm, gom ý cho yên lặng, vững vàng, không để duyên theo ngũ dục mà phải bị ma vương trong tâm mình điều khiển. Muốn được như vậy phải nghiêm trì giới luật, như Phật dạy: Giới năng sanh Định, Định năng sanh Tuệ. Nếu thực hành thiền mà không có sự giữ giới, rõ ràng là không phải thiền của Phật giáo. Thiền không phải là an lạc; như vậy, nhờ thiền định, chúng ta nhìn rõ bản chất tâm, từ đó đi đến buông bỏ chấp ngã, đến với hiện tại lạc trú.

TT.Tăng Định



"Để nhận biết biến chứng của hành Thiền, trước nhất có thể căn cứ vào sự biểu hiện bên ngoài, đó là sự "tự xưng" mình là bậc giác ngộ, tự cho mình là trung tâm và buộc người khác phải nghe theo. Đối với biểu hiện bên trong, đó là sự khinh chê những bậc chân thiền sư đi trước, hoặc nhạo báng giáo lý kinh điển của Đức Phật. Hơn nữa, người đó tự cho mình tự ngộ, thật không có thầy giảng dạy hay chứng ngộ, cũng không rõ bày giáo pháp của Đức Phật".

HT.Thích Minh Cảnh


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày