Thơ mộng Hoàng Hạc Lâu

Vũ Hán nằm ở ngã ba sông Dương Tử và Hán Thủy là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc thuộc miền Trung, Trung Quốc. Đô thị có lịch sử hàng ngàn năm này là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch quan trọng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Thành phố Vũ Hán gồm ba khu: Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương. Tên gọi Vũ Hán ghép từ tên của ba khu này. Vào thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên), Hán Dương là một hải cảng sầm uất. Thế kỷ thứ III, người ta xây dựng bức tường thành bao quanh Vũ Xương có thể coi là cái mốc đánh dấu sự ra đời của đô thị Vũ Hán. Từ lâu Vũ Hán là trung tâm của nghệ thuật thi họa và học thuật ở Trung Quốc. Vũ Hán ngày nay thu hút đông đảo du khách với phong cảnh non nước hữu tình hòa cùng vẻ đẹp mang đầy ý nghĩa văn hóa, lịch sử của các công trình kiến trúc.

Thơ mộng Hoàng Hạc Lâu ảnh 1

Hoàng Hạc Lâu. Ảnh: panoramio.com

Thắng cảnh hàng đầu thu hút khách du lịch ở Vũ Hán là khu vực Đông Hồ - nằm ở bờ Nam sông Dương Tử. Hồ rộng 87 km2, lớn gấp 5 lần Tây Hồ ở Hàng Châu, có phong cảnh diễm lệ. Bên bờ Đông Hồ, hệ động thực vật phong phú, hình thành nhiều khu du lịch sinh thái và các công viên văn hóa. Đến đây, du khách có dịp chiêm ngưỡng nhiều loài cây cối, hoa cảnh, chim chóc, ngắm những bức tượng văn nhân nổi tiếng của Trung Quốc trong vườn tượng và tìm hiểu các làng thủ công mỹ nghệ truyền thống được dựng lên trong các điểm du lịch bên bờ hồ.

Hoàng Hạc Lâu đã đi vào thơ ca và lịch sử. Ngôi lầu này được xây dựng năm 223 trên núi Xà Sơn thuộc quận Vũ Xương bên bờ sông Dương Tử. Lầu gồm 5 tầng, mỗi tầng trưng bày nhiều hiện vật theo một chủ đề khác nhau. Tầng thứ nhất có bức bích họa bằng gốm sứ diện tích 54 m2 mô tả cảnh tiên giới với mây, nước, tiên hạc...; tầng thứ ba trưng bày các bài thơ được làm trong nhiều triều đại ca ngợi vẻ đẹp của lầu Hoàng Hạc. Tương truyền, tu sĩ đắc đạo tên Phí Văn Vi thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Một hôm, tiên và hạc đã dừng chân trên ngọn Xà Sơn của Vũ Hán để ngắm cảnh xung quanh. Từ chỗ tiên và hạc bay lên, người đời sau đã cho xây dựng một ngôi lầu đặt tên là Hoàng Hạc. Cảnh sắc thần tiên xung quanh Hoàng Hạc Lâu đã thu hút nhiều tao nhân mặc khách đến ngắm cảnh, làm thơ và kết bạn. Vào thế kỷ thứ VIII, Thôi Hiệu – thi sĩ nổi tiếng thời Đường (618-907) đã đến nơi này và viết bài thơ lưu danh thiên cổ “Hoàng Hạc Lâu”. Thi tiên Lý Bạch cũng có bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi lầu bị phá hủy và xây dựng lại rất nhiều lần. Năm 1981, lầu được trùng tu lại bằng vật liệu xây dựng hiện đại; trong lầu có cả thang máy cho phép du khách leo lên đỉnh tháp ngắm con sông Dương Tử cuồn cuộn chảy. Xung quanh lầu Hoàng Hạc có nhiều tượng hạc vàng bằng đồng và các ngôi đình nhỏ; trong đó có một ngôi đình treo quả chuông lớn cho du khách đánh thử. Hằng năm vào ngày Quốc khánh Trung Quốc (1-10), tại sân phía Tây của lầu Hoàng Hạc có lễ hội biểu diễn các điệu múa cung đình kéo dài 1 tuần.

Dưới chân núi Quy Sơn, quận Hán Dương là đài Cầm Cổ - còn gọi là đài Bá Nha được xây dựng từ thời Bắc Tống. Tương truyền, thời Xuân Thu Chiến Quốc vị quan người nước Sở giỏi nhạc tên Du Bá Nha đi sứ qua vùng Hán Dương thấy cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành, ông dừng lại đem đàn ra gảy. Chung Tử Kỳ – một nho sĩ ẩn dật - đi ngang qua lắng nghe và thấu hiểu tiếng đàn Bá Nha. Bá Nha hết sức vui mừng vì đã tìm được người bạn tri âm. Hai người hẹn nhau nửa năm sau sẽ gặp mặt tại nơi này. Thế nhưng năm sau Tử Kỳ mất vì bệnh, Bá Nha vô cùng đau đớn, gảy lại khúc nhạc “Cao sơn lưu thủy” mà Tử Kỳ đã nghe ra được âm thanh dòng thác chảy từ trên núi cao, rồi đâp vỡ cây đàn trước mộ ông. Từ nơi hai người bạn tri âm gặp nhau, người đời sau đã cho xây dựng một đài kỷ niệm tưởng nhớ tình bạn cao quý của họ. Du khách thăm đài Bá Nha sẽ được nghe truyền thuyết “đập đàn tạ tri âm” đầy cảm động này và chiêm ngưỡng những bức tượng mô phỏng cảnh Bá Nha - Tử Kỳ gặp nhau.

Những cây cầu lớn bắc qua sông Dương Tử là niềm tự hào của người dân Vũ Hán. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng cầu Trường Giang Vũ Hán - chiếc cầu đầu tiên bắc ngang sông Dương Tử. Cầu được xây dựng năm 1957 dài 1.670 mét, gồm 16 cột trụ, 9 vòm, chia làm hai tầng; tầng trên là đường ô tô, tầng dưới là đường sắt nối liền mạng lưới đường sắt của hai miền Nam Bắc Trung Quốc. Mặt đường ô tô rộng 22,5 mét, gồm 4 làn đường, hai bên là lối đi dành cho khách bộ hành. Chiếc cầu thứ hai được xây dựng năm 1995 có 392 sợi cáp treo dài gần 4.700 mét, rộng từ 26,5 đến 33,5 mét với 6 làn đường. Cách cây cầu đầu tiên 8,6 km về phía Tây Nam là cầu Baishazhou dài gần 3.600 mét, rộng 26,5 mét cũng có 6 làn đường. Những công trình kỳ vĩ này đã tôn thêm vẻ đẹp cho thành phố.

Vũ Hán còn thu hút khách du lịch với những bảo tàng lớn. Bảo tàng Hồ Bắc được thành lập năm 1953 tại bờ Tây của Đông Hồ lưu giữ hơn 200.000 hiện vật khai quật được ở Hồ Bắc, gồm đồ gốm sứ, ngọc bích, tàu bè bằng đồng, vũ khí, nhạc cụ cổ...; trong đó có 16 hiện vật được xếp hàng báu vật quốc gia. Bảo tàng Đá và Hoa kiểng của vũ Hán mở cửa năm 1993, sở hữu hơn 1.300 loại đá từ khắp các vùng của Trung Quốc và một khu vườn trưng bày các loại bonsai theo phong cách Trung Hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày