Thú vui giải trí ngoài đời, ham chi…

GN - Tôi rất thích ngồi cùng chuyện trò với các chú tiểu có cái chỏm tóc vắt ngang qua tai, các chú nói chuyện hồn nhiên như tia nắng sớm mùa xuân, tinh khiết như hạt sương mai long lanh trên chồi non lộc biếc.

Các tiểu là đề tài cho tôi viết vẽ và làm thơ, như: “Kìa, chú tiểu nhỏ/ Chỏm tóc vắt lên/ Mắt thương khép mở/ Môi cười hồn nhiên”(Tiểu). “Chắp tay tôi xá/ Chú tiểu quét hiên/ Mai sau chú lớn/ Thành ông Bụt hiền”(Xá). “Đạo là thức, ngủ trang nghiêm/ Là cầm chổi quét mái hiên sân chùa”(Đạo).

tvthuongchieu08.jpg

Ở chùa cũng có những niềm vui, trong tình huynh đệ - Ảnh minh họa

Đức Phật dạy đừng khinh mồi lửa nhỏ, mồi lửa nhỏ sẽ làm cháy khu rừng to; đừng khinh con rắn hổ nhỏ, lớn lên rắn sẽ cắn chết người; đừng khinh chú tiểu nhỏ, lớn lên chú sẽ thành một vị Bụt. Vì thế, khi gặp các tiểu là chắp tay tôi xá chào như chào một vị Bụt tương lai: “A Di Đà Phật!”.

Tôi luôn dành sự ưu ái cho quý tiểu khi viết về họ một cách chân thực và tôn kính. Có một vị tiểu tôi chưa hề gặp mặt, chỉ gặp qua thư từ thôi, nhưng trong lòng tôi cũng rất mến mộ, đó là tiểu Bình. Những lá thư của tiểu Bình từ phương Nam gởi về tôi vẫn lưu giữ như một kỷ niệm đẹp. Tôi muốn chia sẻ những dòng thư ấy để bạn cùng biết câu chuyện của chú tiểu này.

“Lá thư thứ nhất từ Bà Rịa-Vũng Tàu - 2002

A Di Đà Phật!

…Chắc là bác sẽ ngạc nhiên khi một chú tiểu không quen biết lại ngỏ lời xin bác viết gởi tặng cho tiểu và mẹ tiểu hai bức thư pháp. Vì tiểu nghĩ bác là người có tu, tiểu cũng vậy, cho nên bác sẽ không từ chối yêu cầu của tiểu…”          

Tôi đã rất hoan hỷ đáp ứng yêu cầu của tiểu. Tôi viết gởi tặng tiểu hai bức thư pháp, một cho mẹ và một cho chú. Sau khi nhận thư Tiểu đã hồi âm:

“Lá thư thứ hai từ Bà Rịa - Vũng Tàu - 2002

A Di Đà Phật!

Hôm nay tiểu vừa thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn cuối cùng xong, liền vội viết thư hồi âm cảm ơn bác. Tiểu đã nhận được hai bức thư pháp rất đẹp và tiểu đã gởi về quê cho mẹ một bức, mẹ tiểu rất vui khi nhận được món quà nhỏ này. Nhà mẹ tiểu rất gần nhà của bác, chỉ vài chục cây số thôi…Như tiểu đây đâu có ý định đi tu vì tiểu vẫn còn chưa biết ông Phật là người như thế nào trước khi vào chùa. Nhưng hình như duyên Phật đã đến, quý thầy ở TP.HCM về công tác Phật sự ở ngay làng của tiểu mấy ngày. Tiểu đã được làm quen quý thầy và được quý thầy cho đi vô Sài Gòn chơi một chuyến. Vào trong đó được sống trong chốn thiền môn một thời gian ngắn, nhưng tiểu đã say mê kinh kệ và những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật, chừng đó thôi đã hấp dẫn quyến rũ tiểu ở lại và tu luôn không về nhà nữa.

Nhà chỉ có ba mẹ con, tiểu đi rồi ở nhà chỉ còn lại mẹ và đứa em gái còn đi học, mẹ buồn khóc cả tháng trời, nhưng trong lòng tiểu vẫn không lung lay ý nguyện xuất gia và mẹ cũng đành chiều theo sở nguyện của con. Tiểu nghĩ mình thật là hạnh phúc và may mắn vì đã gặp được chân lý, một con đường đưa ta đến bến bờ giác ngộ, chỉ có con đường đó mới cho ta niềm an lạc thật sự, còn những thứ giải trí ở ngoài đời chỉ là những thú vui hữu hạn. Phật dạy làm người thật khó, gần gũi Chánh pháp lại càng khó hơn. Thân mạng con người thì mong manh, chưa biết vô thường gọi đi lúc nào. Nghĩ tới điều này làm cho tiểu rất sợ, nhưng từ khi vào chùa làm thân người tu, tiểu được ơn trên Tam bảo che chở, cho nên tiểu có niềm tin sâu sắc…Tiểu còn nhỏ, tu hành chưa nhiều, nên viết lách chữ nghĩa chưa đúng lắm, nếu có gì sai mong bác bỏ quá cho. Tiểu rất tâm đắc lời dạy của Hòa thượng Tịnh Không: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, khám phá, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Nếu bác thêm một lần nữa viết tặng cho tiểu câu này để tiểu treo ở phòng của tiểu thì tiểu rất là hạnh phúc…”.

Tôi viết và gởi tặng tiểu thêm một câu thư pháp nữa theo lời yêu cầu của tiểu. Được làm một việc giúp tiểu, tôi vui lắm! Đọc lá thư tâm tình ngây ngô chân thực của tiểu Bình, tôi thấy lòng mình xúc động vì rất thương các chú tiểu, các chú đã rất dũng cảm từ bỏ tất cả những cái mà chú gọi là “thú vui giải trí ngoài đời” để dấn thân vào chốn thiền môn sớm hôm kệ kinh, chưa quen mùi tương chao dưa muối.

Có đến một nghìn lẻ một lý do cho các chú tiểu xuất gia, nhưng có một lý do chung là họ đã tu từ vô lượng kiếp trước, cho nên kiếp này dù họ là ai, họ đến trần gian này là để thực hiện cái nguyện vọng của họ là tiếp tục đi trên con đường Đạo. Đức Như Lai cũng đã tu từ vô lượng vô vô lượng kiếp, đến kiếp sau cùng Ngài mới được đầu thai sinh ra như con người, cũng tu hành tinh tấn nên mới thành Phật.

Tôi tiếp tục thư từ qua lại với tiểu để động viên tiểu vượt qua khó khăn thử thách trên bước đường tu.

***

Một ngày đầu năm mới, tôi được mời vào tham dự lễ nhận chức trụ trì của một vị Đại đức trẻ ở một ngôi chùa làng, vị thầy đó chính là tiểu Bình ngày ấy, hôm nay rất chững chạc. Món quà tặng của tôi là bức thư pháp viết trên tấm gỗ quý viết lời dạy của Như Lai: “Duy tuệ thị nghiệp” như một lời chúc mừng, tán thán của tôi với chú tiểu Bình ngày xưa.

Lê Đàn

Cùng quý độc giả:

Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa. 

Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm

Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.

Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày