Thúc đẩy việc giảm trừ khổ đau bằng ý thức xã hội

GN - Hòa thượng Tiến sĩ Sumana Siri là một trong những vị danh tăng đến thăm và tham dự lễ tốt nghiệp, trao bằng cử nhân Phật học hôm 5-9-2013 vừa qua do Học viện PGVN tại TP.HCM tổ chức.

Hòa thượng người Malaysia, là Tăng trưởng của Phật giáo Malaysia, Singapore, Anh quốc và châu Âu. Ngài là một học giả quốc tế nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: y khoa, triết học, khoa học, sử học, xã hội học, tôn giáo, chính trị, Phật học, và đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo, xã hội và nhân sinh. Giác Ngộ xin chân thành chuyển dịch và giới thiệu ngài đến quý độc giả qua bài viết đăng trên báo TheStar, Malaysia, số ra ngày 24-4-2013.

Anh tham (9).jpg
Hòa thượng Tiến sĩ Sumana Siri

Khi thổi tắt 6 ngọn nến mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình, HT.Sumana Siri còn xác lập một cột mốc quan trọng khác. Sau 48 năm làm nhà sư, vị Tăng người Malaysia này đã được tông phái Phật giáo Amarapura của Tích Lan đề cử làm Tăng trưởng của Phật giáo Singapore và Malaysia đúng vào ngày 1-1-2013 vì những cống hiến của ngài cho cả hai nước.

Sự phong tặng này mang đến cho Hòa thượng một tước hiệu cao quý, đó là Nhà triết học Hoàng gia (Royal Philosopher) để công nhận những kinh nghiệm và tri thức của Hòa thượng trong ngành triết học.

Vào năm 2007, HT.Sumana Siri được bổ nhiệm làm Tăng trưởng Phật giáo Anh quốc và châu Âu.

Ngài làm việc 6 tháng ở Malaysia và Singapore, 6 tháng còn lại là ở châu Âu. Lịch trình làm việc của Hòa thượng gồm có: tư vấn y khoa, điều phối các hội nghị hội thảo, tham gia đối thoại đa tôn giáo, chủ tọa các sự kiện văn hóa và xã hội, hướng dẫn các chương trình hành thiền, và giảng thuyết các vấn đề Phật học.

Ý thức về xã hội

HT. Tiến sĩ Sumana Siri cũng đã tạo ra một ấn tượng tốt với tư cách là một nhà hoạt động.

Vào năm 1985, Hòa thượng là nhà sư đầu tiên xuống đường biểu tình tuyệt thực để bảo vệ nhân quyền liên quan đến trường hợp của Sim Kie Chon ISA tại Kwan Imm Teng (ngôi đền của Nữ thần Nhân đức) ở Penang, Malaysia. Tuy nhiên, bản án tử hình của người đàn ông này đã bị thi hành một ngày sau khi cuộc tuyệt thực diễn ra.

Vào năm 2000, ngài đã thực hiện cuộc đi bộ qua toàn bộ Vạn Lý Trường Thành (dài 6.000 km và trải qua 4 mùa) trong 9 tháng, thiết lập nên một kỷ lục thế giới.

Ngài nói: “Tôi muốn chứng tỏ rằng các nhà sư không đơn giản chỉ cầu nguyện, ăn và ngủ, mà luôn ý thức về nỗi đau của nhân loại và quyết tâm làm cho đúng những gì vốn sai trái”. 

“Các nhà sư tham gia vào chính trị là một nhiệm vụ lâu dài”, Hòa thượng tin tưởng. “Khổ đau của nhân loại cần phải giảm trừ bởi ý thức xã hội. Vai trò của tôi với tư cách là một nhà hoạt động chính trị là ước nguyện cho nhân quyền, tôn giáo và bình đẳng”.

Ngài khẳng định, các nhà sư có ý thức trách nhiệm và các nhà chính trị có đạo đức vốn không hề trái nghịch nhau.

“Tôi không làm chính trị vì tiền hay vì quyền. Một số người vội vàng kết luận sai rằng, khi bạn thuộc phía đối lập (Hòa thượng là một thành viên của Đảng DAP) thì bạn đang chống đối chính quyền. Nhưng tôi thì đang giúp chính phủ làm điều đúng và không kỳ thị. Mỗi người nên nhận lấy mỗi lát của chiếc bánh”, ngài nói.

Ký ức tuổi thơ

Sinh ra ở Malacca, có cha mẹ là người Singapore gốc Sri Lanka, Hòa thượng được nuôi dưỡng và giáo dục ở Singapore. Cha ngài, M.A. Jinadasa, là một người thợ kim hoàn, và mẹ ngài, bà Gnanawathie, là một giáo viên.

Khi mới 6 tuổi, Hòa thượng đã đến trường học ngày Chủ nhật để học Phật. 5 năm sau, ngài quyết định sẽ trở thành một Tăng sĩ. Mẹ ngài, lúc ấy là hiệu trưởng một trường học ngày Chủ nhật, đã hỏi trong sự hoài nghi: “Con có bị làm sao không vậy?”.

Nhưng ngài vẫn giữ lập trường bằng cách trả lời rằng, ngài rất nghiêm túc về việc này.

Vì thế, ngài đã nghỉ học ở trường tiếng Anh Geylang để theo đuổi tâm nguyện của mình.

Năm 11 tuổi, ngài là chú tiểu đầu tiên trong lịch sử Singapore được xuất gia ở chùa Sri Lankaramaya. Cùng đêm đó, ngài đã giảng một giờ Phật pháp bằng tiếng Anh.

Vị sư này kể: “Thầy tôi (Hòa thượng M. Sumana Maha Thera) đã đưa cho tôi những phần của bài giảng pháp mà tôi đã phải học thuộc lòng nó”. Ngài được đặt tên là Sumana Siri, nghĩa là “một tâm hồn sáng soi hoàn hảo”.

“Tôi trở thành một người tu hành bởi vì tôi yêu lòng tử tế và tình bạn,” Tiến sĩ Sumana nói.

Từ Singapore, ngài tiếp tục đến học ở Trung tâm Đào tạo Tỳ-kheo ở Colombo từ năm 1965-1970.

Anh tham (14).jpg

HT.Thích Đức Nghiệp tặng quà lưu niệm cho Hòa thượng Tiến sĩ Sumana Siri

Ngài học Khoa học (1971-1974) tại Đại học Sunetra Maha Devi ở Pepiliyana, nhận chứng chỉ Diploma về Phật học (1973-1975) từ Trường Đại học Kelaniya, Sri Lanka, và rồi sau đó ngài đạt được tấm bằng hạng cao quý về Phật học và Triết học phương Tây (1976-1979).

HT cũng học Luật ở Đại học Luân Đôn (1992-1994) và rồi nghiên cứu hậu đại học về Thần học Thiên Chúa giáo ở Đại học Oxford. Là một tiến sĩ y khoa chuyên về liệu pháp Vi lượng đồng căn (homeophathic), Tiến sĩ Sumana có một cơ sở trị liệu ở London và một ở Italy.

Tiếp cận thực tại

Một số bệnh nhân của Tiến sĩ Sumana bị bệnh ung thư và lở loét bao tử. Ngài nói, ung thư là do chính con người tạo ra.

“Nó không chữa trị được vào thế kỷ thứ XIX trong cả hai hệ thống y học phương Đông và Tây, và vì thế không có liệu pháp nào được chữa trị mãi cho đến khi căn bệnh được tìm ra. Điều đó, một phần là do ô nhiễm công nghiệp, những biến đổi trong chuỗi thực phẩm và ô nhiễm nước biển và sự hủy hoại của tầng ozon”.

Ngài nói, Vi lượng đồng căn không đơn giản chỉ là việc chữa trị bằng các dược thảo, mà còn là hóa học, các kim loại, thuốc độc, các muối và khoáng chất. Ngài cố gắng để “đem đến hy vọng cho bệnh nhân, kéo dài mạng sống, giảm bớt đau đớn và kiểm soát các khủng hoảng”.

Ngài khuyên, “chúng ta nên sống chân thật, nghĩ về người khác thay vì cứ ích kỷ”, như “suy nghĩ và hành động đúng có thể làm thay đổi tính chất phức tạp của cơ thể và giữ cho chúng ta khỏe mạnh hơn mà không phải lo lắng về tương lai”.

Cùng với tư cách là một nhà sử học và xã hội học, ngài đã đến 60 quốc gia để nói chuyện, không chỉ về Phật giáo mà về các ngành như xã hội học, lịch sử Á châu, đạo đức y tế, luật tội phạm và các vấn đề phổ biến hiện nay.

Ngài là tác giả của 5 cuốn sách về các vấn đề khác nhau (bao gồm tôn giáo và liệu pháp Vi lượng đồng căn) và đã trình bày 123 bài nghiên cứu về vô số các vấn đề xã hội. 

Vào năm 1981, ngài thiết lập Trung tâm Thực tế Phật giáo (Buddhist Realists’ Centre) ở Penang. Ngài cũng thiết lập các trung tâm Phật giáo ở Anh (1991), Milan (1997) và Paris (2012).

“Các bài nói chuyện về đạo Phật của tôi đều dựa trên thực tế cuộc sống. Không nên tin một cách mù quáng mà phải thực tế để các bạn biết những gì được chờ đợi và sống hài hòa một cách thực tế và không thiển cận”, Hòa thượng khuyên nhủ. “Mọi người không nên sống trong ảo tưởng mà phải thực tế để giảm thiểu những hiểu lầm”.

Ngài nói, mỗi cá nhân nên tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. “Chúng ta nên từ bỏ sự phiền muộn và nhìn thẳng vào các sự vật một cách không thành kiến”.

Triết lý về đời sống của ngài là, “hãy sống với từng phút giây, từng khoảnh khắc, từng ngày một”. “Cuộc sống không chỉ có khổ đau. Chúng ta cần vượt qua khổ đau để vươn tới hạnh phúc”. Thật sự, “Phật giáo là tiến trình của hạnh phúc”, ngài nói.

Thích Vạn Năng
(Theo Majorie Chew - TheStar, Malaysia, 24-4-2013)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày