Thực hư chuyện một “ni cô” đến với giáo điểm Tin Mừng

GNO - Thời gian qua, người sử dụng internet xôn xao khi xem một video clip đăng tải trên các trang mạng về việc một “ni cô” đến “trải lòng” tại giáo điểm của tôn giáo bạn ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Câu chuyện này thu hút đông đảo người xem và nhận được các bình luận trái chiều.

Phóng viên Báo Giác Ngộ đã tìm hiểu về thực hư câu chuyện đằng sau video clip này.

Khuyên con về với Chúa

Câu chuyện bắt đầu từ một thánh lễ được cho là diễn ra tại giáo điểm Tin Mừng, thuộc Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa do Linh mục Giuse Trần Đình Long hướng dẫn. Theo ghi nhận của PV, buổi lễ được cử hành vào ngày 3-12-2017 và sau đó không lâu, video clip quay lại toàn cảnh buổi lễ được đăng tải trên kênh YouTube. Đoạn trích “Ni cô đến với lòng Chúa thương xót” vẫn còn được đăng lại trong thời gian gần đây.

BathuyandLmLong2.jpg

Hình ảnh bà Thu Thủy và Lm.Trần Đình Long tại giáo điểm Tin Mừng - Ảnh trích cắt từ clip

Sẽ chẳng có gì phải tranh luận nếu đó là một buổi lễ tôn giáo thường kỳ với sự tham gia của các tín đồ. Lần này, buổi giảng có sự xuất hiện của một vị khách mà theo người hướng dẫn trong lời giới thiệu là “rất đặc biệt”.

Đặc biệt bởi người được mời tham dự không phải là một tín hữu thường thấy, đó là một phụ nữ trong trang phục tu sĩ Phật giáo, đầu cạo nhẵn, tay chắp trước ngực như trong truyền thống sinh hoạt của đạo Phật, bước lên lễ đường.

Qua câu chuyện, người phụ nữ đó được cho là “Sư cô Thích nữ Tâm Trí”, đang tạm trú tu học tại tịnh thất Long Quy, ấp Long Cát, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với người chị.

Xuyên suốt đoạn đối thoại kéo dài khoảng 15 phút là những sự trải lòng trong nước mắt của vị “ni cô”. Theo đó, “ni cô”… có đứa con mải mê chơi bời dẫn đến con đường nghiện ngập, dù cô nhiều lần tìm cách khuyên ngăn và hỗ trợ, nhưng đứa con vẫn không có dấu hiệu thay đổi tích cực. Vì thế bên nội, bên ngoại ai cũng ghét nó, nhưng với tư cách làm mẹ, “ni cô” không thể bỏ con được.

Được người hàng xóm thông tin và hướng dẫn, “ni cô” đã liên lạc được với linh mục phụ trách giáo điểm Tin Mừng qua tin nhắn điện thoại và nhận phản hồi cùng lời hứa về việc cầu nguyện. Điều đó đã mang đến cho “ni cô” sự an ủi, dù hai bên chỉ thấy nhau qua ảnh chứ chưa gặp nhau trực tiếp. Sau nhiều lần sắp xếp, “ni cô” đã đến được giáo điểm; trong thời gian chờ lễ, cô đã quan sát linh mục “rờ đầu từng người, ban nước thánh cho mọi người… thấy rất ngưỡng mộ, tán thán” và khẳng định “bên đạo con (đạo Phật - PV) không được như vậy”.

Cũng với câu chuyện này, “ni cô” cho biết một mình tu không thể cảm hóa, chuyển đổi được nghiệp chướng của đứa con trai nên tha thiết “với lòng thương xót của Chúa, cầu mong Chúa và Cha mở lòng từ bi, bằng tình thương yêu đức độ, xoay chuyển, cảm hóa con của con quay đầu”. Kèm với đó, cô còn kể về việc suy sụp, tiêu pha của đứa con vì ma túy đá, đồng thời thể hiện việc khuyến khích con quay đầu về với Chúa, bởi “đạo nào cũng được”.

Trong khi đó, lúc mới tiếp xúc trên lễ đài, vị linh mục phụ trách đã gọi “ni cô” là soeur và đề nghị xin được tiếp tục gọi như thế. Lời đề nghị này nhận một tràng cười từ khán giả hiện diện phía dưới cũng như 2 nhân vật chính (trong clip). Hơn nữa, lúc trò chuyện với nhau, trong nhiều khoảnh khắc được ghi hình, vị linh mục đã choàng tay qua vai “ni cô” điều chỉnh tư thế đứng của người này. Riêng vị “ni cô” đang nói vận trang phục khá lạ với áo vàng, quấn khăn vàng nhưng không đúng kiểu dáng của pháp phục theo quy định đối với một tu sĩ Phật giáo.

Thực hư câu chuyện

Nhận được thông tin phản ánh của độc giả từ nội dung clip, vào một buổi chiều giữa tháng 4, chúng tôi đã lặn lội tìm về “tịnh thất Long Quy thuộc địa danh Long Cát, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Đi cùng và hướng dẫn chúng tôi là TT.Thích Giác Thông, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phụ trách Hệ phái Khất sĩ tỉnh sở tại.

Tìm cả buổi chiều và hỏi thăm khắp khu vực vẫn không thể tìm ra tịnh thất Long Quy. Cuối cùng, nhờ một người quen tại địa phương, qua liên lạc thăm hỏi nhiều mối quan hệ khác nhau, chúng tôi được biết “ngôi tịnh thất” này thuộc ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành.

Thanhson (1 of 1).jpg

Ngôi nhà tại ấp Phước Thành, X.Tân Hòa, H.Tân Thành được cho là "tịnh thất Long Quy" mà "ni cô TN.Tâm Trí" kể trong clip - Sơn Thoại

Nói là tịnh thất, nhưng thật ra đây chỉ là một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 24m2, chia làm hai gian, một gian thờ Phật với cửa chính khóa kín, gian còn lại là nơi sinh hoạt đơn chiếc của một “ni cô” năm nay chừng ngoài 70 tuổi. Khi chúng tôi đến nơi, vị “ni cô” cao niên này tự giới thiệu pháp danh là Thích nữ Hải Liên, đã ân cần tiếp chuyện và cho biết, ngôi tịnh thất có hơn 10 năm, được tự phát xây dựng, chưa gia nhập Giáo hội và cô đã về đây tự tu được hơn 3 năm.

Khi được hỏi về vị “ni cô” có pháp danh Tâm Trí, cô Hải Liên trả lời đó là em gái của mình, thế danh Phan Thu Thủy, hiện 55 tuổi, quê ở Hóc Môn, đã có 2 đời chồng và 2 người con. Theo lời kể thì bà Thu Thủy có xin “xuất gia” được 2 năm tại chùa An Phú, quận Tân Phú (TP.HCM) với Ni sư Thích nữ Tắc Lộc, liền sau đó đến xin tạm trú tại tịnh thất Long Quy. Chỉ ở được hai tháng, bà Thủy bị chính người chị ruột không chấp nhận vì thường vay nợ và có hành vi lừa gạt tiền bạc người khác kèm với việc con trai ở chung bị nghiện ngập.

Chính vì những biểu hiện thiếu chuẩn mực đó, bà Thu Thủy bị cả gia đình gồm một người mẹ già ở Hóc Môn cùng 4 chị em còn lại trong gia đình cự tuyệt, cắt đứt liên lạc. Chúng tôi xin số điện thoại của bà Thủy thì cô Hải Liên không còn lưu, cô phải điện hỏi những thành viên khác trong gia đình và cũng nhận được kết quả tương tự. Trước khi kết thúc câu chuyện, cô Hải Liên nói thêm rằng hiện tại trong gia đình không ai biết nơi cư trú của bà Thu Thủy mà chỉ nghe loáng thoáng là đang ở Củ Chi.

Để tìm hiểu thêm về câu chuyện xuất gia của bà Thủy, chúng tôi trực tiếp liên lạc với Ni sư Thích nữ Tắc Lộc (chùa An Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM) và được Ni sư khẳng định nhà chùa chưa nhận ai xuất gia có tên là Phan Thu Thủy và đặt pháp danh Tâm Trí. Tuy nhiên, Ni sư Tắc Lộc đã từng tiếp một vị nữ vốn đã trong hình dạng nữ tu khất sĩ đến xin lưu trú tại chùa nhưng sau đó chỉ ở được một hai hôm rồi bỏ đi.

Chúng tôi quay trở lại Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cùng với TT.Thích Giác Thông rà soát kỹ thì được biết, trong danh bộ gồm 3.888 Tăng Ni xuất gia của tỉnh này, không vị nào có thế danh là Phan Thu Thủy, pháp danh Tâm Trí.

Đến đây, dù chưa liên lạc và tìm hiểu trực tiếp với bà Thu Thủy, nhân vật xuất hiện trong clip được ghi hình tại giáo điểm Tin Mừng (Nhà Bè) nhưng với những thông tin được xác thực, bạn đọc cũng có thể hình dung bà Thu Thủy có phải là tu sĩ Phật giáo chính thức và là một sư cô hay không? Vấn đề đáng nói ở đây, Linh mục Giuse Trần Đình Long, chức sắc của một tôn giáo, đứng giảng cho tín đồ và trực tiếp mời bà Thu Thủy trong trang phục của tôn giáo khác lên lễ đài, khai thác những thông tin theo kiểu một chiều, lẽ ra phải cẩn trọng và cần tìm hiểu chính xác thực hư, tránh việc tạo nên những yếu tố “độc, lạ” như cách mà các công ty giải trí thường làm, theo đó gây nên những hiểu lầm đối với tín đồ các tôn giáo. Thiết nghĩ, đó là nền tảng cơ bản nhằm bắc nhịp cầu cảm thông giữa các tôn giáo một cách chân thành.

Đó là chưa kể việc một số tài khoản YouTube khác cho đăng tải vài ảnh bìa clip do Giuse Trần Đình Long giảng và hướng dẫn, thể hiện hành vi xoa đầu một vài nhân vật cũng trong trang phục tu sĩ Phật giáo. Hình ảnh được thiết kế và đưa lên như vậy nhằm mục đích gì có lẽ bạn đọc với cái nhìn trung lập khi xem sẽ tự hiểu.

Câu chuyện đại loại vậy không phải là mới. Cách đây vài năm, dư luận cũng đã từng xôn xao trước thông tin “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa”, đăng trên website Tổng Giáo phận TP.HCM và một số trang mạng khác, cũng đã được đưa ra ánh sáng, để thấy được câu chuyện đó được dựng lên không đúng sự thật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày