Kịch bản “Ni cô” đến “Xin ơn lòng Chúa thương xót”

Kịch bản “Ni cô” đến “Xin ơn lòng Chúa thương xót”
GNO - Thông tin trên trang tin điện tử Tổng Giáo phận TP.HCM cho biết Linh mục Giuse Trần Đình Long, sinh năm 1956. Năm Linh mục: 1991. Nơi làm việc: Giáo điểm Tin Mừng, NT Phú Xuân, hạt Xóm Chiếu.

Ngày 12-3 vừa qua, trên mạng xã hội lại lan truyền clip ghi hình về cuộc hội thoại được cho là diễn ra tại giáo điểm Tin Mừng thuộc huyện Nhà Bè, TP.HCM; người chủ động cũng là Linh mục Giuse Trần Đình Long và người còn lại là người nữ đầu cạo tóc, mặc áo nhật bình lam, tự nhận là “Sư cô Thích nữ Diệu Kim”, đã tu… 35 năm!

Linh mục Giuse Trần Đình Long với các clip của mình đang là hiện tượng trên mạng xã hội, được chia sẻ với số lượt người xem rất cao, kèm theo đó có nhiều ý kiến trái chiều. Báo Văn Nghệ TP.HCM số 461 cũng đã từng có bài viết về vị Linh mục này, đề cập như là chuyện bi hài trên mạng, với nhiều thông tin phê phán.

anh cctt.jpg

Cô Nguyễn Thị Vàng bỗng dưng nổi tiếng khi trở thành nhân vật "Sư cô Thích nữ Diệu Kim" trong clip của Linh mục Giuse Trần Đình Long tại giáo điểm Tin Mừng thuộc huyện Nhà Bè (ảnh trích từ clip)

Điều tra của Giác Ngộ

Kịch bản “Ni cô” đến với giáo điểm Tin Mừng không phải mới, mà từng diễn ra và đã được báo Giác Ngộ phản ánh qua bài “Thực hư chuyện một “Ni cô” đến với giáo điểm Tin Mừng”, tuần báo Giác Ngộ số 944, ra ngày 20-4-2018, đăng tải lại trên Giác Ngộ online ngày 2-5-2018.

Người đưa lên làm nhân vật “rất đặc biệt” lúc đó được cho là “Sư cô Thích nữ Tâm Trí”, nhưng sự thực không phải vậy, đó là người phụ nữ 55 tuổi, đã có 2 đời chồng và 2 người con. Người này bị chính người thân ruột thịt không chấp nhận vì thường vay nợ và có hành vi lừa gạt tiền bạc người khác, con trai lại bị nghiện ngập.

Vậy, nhân vật lần này, tự nhận là “Sư cô Thích nữ Diệu Kim” là ai?

Theo thông tin của nhân vật trên clip, phóng viên báo Giác Ngộ đã tìm tới chùa Quang Minh ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú. NT.Thích nữ Tắc Sen, trụ trì chùa cho biết ở chùa không có vị Sư cô nào có pháp danh là Diệu Kim, mà chỉ có người công quả tên là Nguyễn Thị Vàng, pháp danh Diệu Kim.

“Do chùa có nuôi dưỡng một số người già, 3 năm trước, cô Vàng có tới xin tá túc làm công quả và cũng để dưỡng bệnh. Cô có con và con cái cũng có đến chùa thăm, chăm sóc”, Ni trưởng cho biết.

Cô Vàng sinh năm 1953, hộ khẩu thường trú tỉnh An Giang, lấy chồng năm 23 tuổi và chồng đã qua đời; có con trai 44 tuổi. Cô từng ở một số chùa để làm công quả trước đó.

Thông tin từ BTS GHPGVN quận Tân Phú tại phiên họp chiều 15-3 cũng xác nhận cô Nguyễn Thị Vàng, pháp danh Diệu Kim không có trong danh bạ đăng ký sinh hoạt của người xuất gia tại địa bàn quận.

Gặp gỡ và trò chuyện với phóng viên ngày 14-3, sự hốt hoảng vẫn còn trên khuôn mặt, cô Nguyễn Thị Vàng dường như không hề biết mình bỗng dưng trở thành một “nhân vật” đặc biệt cho kịch bản ở giáo điểm Tin Mừng huyện Nhà Bè, do Linh mục Trần Đình Long dẫn dắt, bỗng dưng bị dư luận quan tâm.

“Khi đi xe đò, có một cô cùng đi chuyến đó nói có biết một ông thầy chữa được cả bệnh ung thư. Tui có hỏi thầy nào, cổ cho tui địa chỉ, kêu tui đi đi, ông thầy này hay lắm, không tốn tiền… Tui bắt xe đi, qua tới mới biết là nhà thờ, tui chới với. Rồi người ta kéo tui vô, chỉ tui cách nói để ông cha chữa là hết bệnh. Ông cha kêu lên hỏi chuyện, rờ rờ vuốt vuốt rồi đi về. Đâu ngờ ông gài để đi chụp hình, chiếu phim quay lên vậy…”, cô Vàng thật thà kể lại.

Qua thăm hỏi, chúng tôi được biết người phụ nữ 66 tuổi này mắc chứng béo phì nặng, tình trạng sức khỏe là “một màu xám xịt”. Trong hoàn cảnh thân mang bệnh, và bản tính thật thà của người miền Tây, cô Vàng mong bệnh thuyên giảm nên đã “vái lục phương”, cũng như một số người khác, không hề biết đã được sắp đặt ghi hình, đưa lên mạng xã hội, bị lợi dụng cho một mục đích khác.

“Xem clip ông Linh mục vuốt ve mẹ em, giễu cợt, em thấy thương mẹ em lắm. Thấy mẹ em bệnh, không được minh mẫn, ông Linh mục lợi dụng mẹ em như vậy để bêu rếu. Trí nhớ người ta mười, chứ mẹ được 4 phần, mẹ bệnh nhiều, màng não có mủ, túi mật, viêm phế quản, tăng huyết áp, viêm xoang, hai chân nặng trịch đi không nổi. Bệnh nhiều, rối loạn, rất nhiều lần mẹ em không biết mình làm cái gì luôn. Giờ ai nói mẹ em cách chữa hết bệnh, mà không tốn tiền thì đi đâu mẹ cũng đi, bệnh đau không tiền mà, khổ vô chùa tá túc, ăn nhờ ở đậu… Bệnh này đâu phải vuốt ve là hết đâu…”, anh Nguyễn Văn Hùng, con trai của cô Vàng bày tỏ trong tâm trạng não nề và bức xúc.

Nếu xem clip, phần đặt và trả lời các câu hỏi của vị Linh mục nơi lễ đường, hẳn mọi người sẽ dễ cảm nhận tâm sự của anh Hùng, con trai cô Vàng.

Tiếng nói từ Tòa Tổng Giám mục TP.HCM

Thông tin trên trang tin điện tử Tổng Giáo phận TP.HCM cho biết Linh mục Giuse Trần Đình Long, sinh năm 1956. Năm Linh mục: 1991. Nơi làm việc: Giáo điểm Tin Mừng, NT Phú Xuân, hạt Xóm Chiếu.

BathuyandLmLong2.jpg

Đây cũng là "kịch bản" từng diễn ra tại giáo điểm Tin Mừng

Trao đổi với phóng viên báo Giác Ngộ, tại Tòa Tổng Giám mục trên đường Nguyễn Đình Chiểu - Q.3, sáng 16-3, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng, Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM, cho biết thêm: Linh mục Giuse Trần Đình Long trước đây là Linh mục dòng Thánh Thể, tuy nhiên có xu hướng hoạt động không đúng với đặc sủng, không cùng hướng của nhà dòng.

Từ năm 2016, ông được chuyển về Giáo phận TP.HCM, được cử làm Phó Giáo xứ Phú Xuân, phụ cha sở Phú Xuân lo cho giáo điểm Tin Mừng - một điểm sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo dưới sự bảo trợ của giáo xứ Phú Xuân. Thời gian qua, ông có nhiều việc làm không theo quy định trong việc cử hành thánh lễ. “Nhà nước giờ cũng phản ánh làm như vậy không đúng về mặt pháp luật”, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng cho biết. Vị Linh mục này cũng cho biết thêm tình hình đang rơi vào hoàn cảnh “bó tay”, “gần như ngoài tầm kiểm soát của đây (Tòa Tổng Giám mục TP.HCM - PV)”.

Nhận xét về những việc làm của Linh mục Giuse Trần Đình Long, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng cho rằng xem các clip liên hệ thì không có sai trái gì về giáo lý, tuy nhiên có sự lạm dụng trong khi cử hành thánh lễ, vì nguyên tắc không được để những người làm chứng nói điều này điều kia, đó là chưa nói tới tính xác thực của câu chuyện. “Ông làm theo ý của mình”, Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng nói.

Linh mục Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM cho biết thêm “việc thu hút người ta đến bằng cách đặt tay để chữa bệnh, Giáo hội Công giáo không chủ trương việc đó”.

Nói về trách nhiệm của Tòa Tổng Giám mục TP đối với những phản ánh liên quan tới các bài giảng của Linh mục Giuse Trần Đình Long, Linh mục Kiều Công Tùng cũng cho biết sẽ đề cập tới trường hợp đó trong kỳ họp tới của Ban Tư vấn của Tổng Giáo phận TP. HCM. “Vấn đề liên quan đến Linh mục Long từng được đề cập đến trong nhiều kỳ họp trước đây chứ không phải chỉ lần này”, Linh mục Kiều Công Tùng nói.

“Việc các Giám mục khác quan tâm đến vấn đề của Linh mục Long là có thật. Vì thế, trong Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 4 sắp tới, chắc chắn các Giám mục sẽ đề cập đến vấn đề này, dù đây không phải nội dung chính trong chương trình nghị sự”, thư điện tử của Văn phòng Tòa Tổng Giám mục TP.HCM cũng cho biết khi phóng viên nhờ giải thích thêm một số thông tin. Tuy nhiên, nói trực tiếp với phóng viên, Linh mục Kiều Công Tùng cũng thở dài “chưa biết giải quyết thế nào”.

Theo Linh mục Phê-rô Kiều Công Tùng, đằng sau hiện tượng này có cả một “ê-kíp” thực hiện, có “kịch bản” đưa người này người kia, để cuối cùng đề cao quyền năng của cá nhân thôi.

***

IMG_2262.jpg

Linh mục Giusê Trần Đình Long, linh mục thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM, với nhân vật "Sư cô Thích nữ Diệu Kim" trong clip gần đây (ảnh trích từ clip trên mạng internet)

Việc tìm các “nhân vật đặc biệt” là người trong hình thức tu sĩ của tôn giáo khác, như giới giải trí thỉnh thoảng vẫn làm, nhằm tạo yếu tố “độc”, “lạ”, được sắp đặt và ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình, tung lên mạng xã hội nhằm câu view không phải là thủ thuật mới, nhưng dường như vẫn luôn hiệu quả.

Việc Linh mục Giuse Trần Đình Long đã làm qua các clip, hình ảnh mà ông đưa lên mạng xã hội, trong đó có nhiều người trong hình thức tu sĩ và được cho là tu sĩ Phật giáo đến ông để xin ban phước luôn được sự quan tâm và chia sẻ, bình luận với nhiều chiều khác nhau.

Trong clip mới đây nhất, phát hành vào 9g50 tối ngày 10-3, hành vi của Linh mục Long trong việc choàng tay sửa thế đứng, nhất là những lời diễn giải của ông về Đức Phật - Giáo chủ của đạo Phật, đã đi quá đà. Ông đã cố tình nhấn nhá, bóp méo thông tin nhằm hoạt náo gây cười, khiến nhiều người bức xúc.

Những việc làm như vậy gây nên nhiều sự hiểu lầm, làm trở ngại cho nhịp cầu cảm thông tôn giáo, xáo trộn các giá trị và tất nhiên, làm tổn thương tình cảm tôn giáo của những người có tín ngưỡng đạo Phật. Bởi vấn đề ở đây Linh mục Giuse Trần Đình Long không phải là người ngoài cuộc, mà đang là Linh mục - chức sắc thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM.

Với loạt các thông tin sử dụng cùng kịch bản, từ “Thánh lễ ngoại lệ tại chùa cho một vị chân tu vừa theo Chúa”, “Một Ni cô đến với giáo điểm Tin Mừng”, rồi “Bất ngờ Ni cô đến cha Long cầu xin lòng Chúa thương xót” mới đây, được cố ý tạo dựng nhằm mục đích quảng bá lộ liễu, khiến người khác hoài nghi về nhịp cầu cảm thông không phải xây dựng trên chất liệu chân thành.

* Mời bạn đọc đón xem video về sự vụ này trên kênh YouTube của Giác Ngộ TV hoặc tại chuyên mục VIDEO trên trang chủ của Giác Ngộ online. Bạn đọc có thể đăng ký kênh truyền hình trực tuyến của Báo Giác Ngộ trên Youtube (từ khóa: Giác Ngộ TV), hoặc bấm vào đây, sau đó bấm vào chữ ĐĂNG KÝ (Subscribe) theo hướng dẫn để theo dõi và ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày