Thực hư chuyện ‘rùa thần’ tại chùa Kim Liên

Việc phát hiện rùa đá tại chùa Kim Liên (Hà Nội) thu hút được khá nhiều người dân quanh vùng tới chiêm bái và cũng từ đó, những câu chuyện nhuốm màu mê tín đã được thêu dệt lên.

Trong lúc cải tạo lại vườn tháp chùa Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), người dân đã phát hiện một cụ rùa đá khổng lồ với trọng lượng hơn 1,4 tấn nằm dưới lòng đất ở độ sâu gần 1m.

Chuyện về “rùa thần”...

Từ rất lâu, người dân làng Kim Liên vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một đôi rùa đá, một màu đen, một màu trắng ngụ tại chùa làng. Rồi không hiểu duyên cớ gì, cụ rùa đá màu đen bỏ sang đền Hai Bà Trưng (nay thuộc phường Đồng Nhân). Cụ rùa màu trắng toan bỏ đi theo thì bị vị thần cai quản nơi đây tức giận rút kiếm chém vào mai một vệt dài. Chính vì thế, sự xuất hiện của một cụ rùa được tạo tác bằng chất liệu đá trắng xám liền khối tại chùa, cộng thêm một vết lõm ở phần mai phía bên phải, đã khiến người dân tin truyền thuyết là có thật. 

Rùa đá đang được đặt tại sân chùa Kim Liên.
Rùa đá đang được đặt tại sân chùa Kim Liên.

Gần một tuần sau khi rùa đá được phát hiện và được rước lên sân chùa thờ, một đồn mười, mười đồn trăm, người dân kéo đến chiêm bái ngày một nhiều. Một bát nhang đã được lập đặt trước tượng rùa để du khách bày tỏ lòng thành kính. Địa điểm đặt tượng rùa mới chỉ là tạm thời, không có chỗ đặt lễ, người đến thắp hương đặt cả bánh trái hoa quả, vàng hương lên... lưng cụ. Bác Ngọc, người chấp tác ở chùa Kim Liên đã nhiều năm nay, chỉ tay vào vết nứt ngang sân chùa khẳng định: “Vết nứt này do cụ rùa chạy dưới lòng đất mà thành. Cụ chạy đến đâu sân gạch vỡ ra đến đó”.

Việc phát hiện rùa đá tại một làng cổ của kinh thành Thăng Long xưa còn khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, tại sao lại có một tượng rùa to như vậy bị vùi xuống lòng đất, bị vùi từ bao giờ. Vai trò của tượng rùa này thế nào? Dùng để trấn yểm hay là rùa đội bia đá. Liệu, rùa đá này có liên quan gì tới truyền thuyết lưu truyền từ bao đời nay của làng Kim Liên.

Thực hư thế nào?

Ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa phường Phương Liên, cũng là một người dân gốc làng Kim Liên kể lại, vào khoảng những năm 1962-1963, khi đó khu vực này không sầm uất như bây giờ. Xưa chùa nằm cạnh sông Tô Lịch, khá biệt lập với khu dân cư.

Ông Phạm Gia Ngọc đang đo lại kích thước tấm bia tìm thấy năm 2006.
Ông Phạm Gia Ngọc đang đo lại kích thước tấm bia tìm thấy năm 2006.

Khi còn nhỏ, ông vẫn thường cùng chúng bạn vào chùa chơi và đã thấy có một cụ rùa đá rất to nằm ngay trong vườn tháp. Rồi bẵng đi một thời gian, cụ rùa bỗng dưng biến mất. Ông Ngọc cho rằng, rất có thể cụ rùa này chính là cụ rùa mà cách đây gần 50 năm ông đã thấy.

Có một chi tiết rất thú vị, mà các nhà nghiên cứu lịch sử có thể lấy đây làm căn cứ để tìm hiểu thân thế cụ rùa. Năm 2006, trong quá trình cải tạo đường đi vào khu tập thể Điện lực, người dân ở tổ 1B khu dân cư số 4 phường Phương Liên cũng tình cờ đào được 2 tấm bia. Một bia đá lớn có chiều cao 1m23, rộng 89 cm, trên mặt bia có chạm hình rồng hoa cúc. Xung quanh có khắc họa tiết hoa văn tinh xảo cùng nhiều chữ Nôm còn rất sắc nét. Khi đó, Uỷ ban nhân dân phường đã chuyển hai tấm bia này về chùa Kim Liên cất giữ tại sân chùa và mời các nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm dịch.

Theo bản dịch của tác giả Nguyễn Quang Thắng, tấm bia lớn là bia ký có tên Văn bia di tích phường Kim Hoa ca ngợi công đức của một người con gái trong làng đã cúng tiến 3 mẫu ao cùng 500 xâu tiền để làm ruộng chùa. Bia được lập năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Tấm bia còn lại là bia hậu (bia gửi giỗ) có kích thước nhỏ hơn. Đặc biệt, vị trí phát hiện cụ rùa và tấm bia chỉ cách nhau chưa đầy 20 m. Và ước chừng, kích thước của chân bia và kích thước của hõm ngang trên lưng rùa khá trùng khớp. Vì thế, rất có thể bia và rùa là một cặp.

Cũng theo ông Ngọc, việc rùa đội bia là hình ảnh thường thấy ở các di tích trải khắp đất nước, do đó, những việc đồn đoán về sự xuất hiện “rùa thần” là thiếu cơ sở.

Được biết, trong vài ngày tới, Uỷ ban nhân dân phường Phương Liên, sẽ yêu cầu Ban trụ trì chùa tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tới tham quan, nhưng tuyệt đối không được tiến hành các hoạt động lễ lạt đình đám và không được thu phí. Để làm rõ hơn thân thế của cụ rùa, Uỷ ban nhân dân phường sẽ đề nghị các cơ quan chức năng chuyên ngành như Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích và Danh thắng Hà Nội vào cuộc, làm rõ vấn đề dưới góc độ khoa học và lịch sử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày