Thuốc thử nhân tính trong “Tiếu ngạo giang hồ”

GN - Kim Dung với loạt tác phẩm của mình đã làm nhiều thế hệ say mê. Ông vừa qua đời vào ngày 3-10 tại Hồng Kông, thượng thọ 94 tuổi. GN xin giới thiệu một góc nhìn về triết lý của ông, qua một trong những tác phẩm đã đi vào lòng người: Tiếu ngạo giang hồ.

Bức tranh chính trị trong Tiếu ngạo giang hồ là sự tranh đoạt quyền lực bá chủ võ lâm mà qua sự tranh đoạt đó, chân dung con người thực hiện ra. Hiểm độc như Dư Thương Hải, quỷ quyệt như Tả Lãnh Thiền, tàn ác như Đông Phương Bất Bại... cho đến những chân tiểu nhân như: Lâm Bình Chi, Dương Đình Liên, Phí Bân... đến cả ngụy quân tử Nhạc Bất Quần cũng chỉ thực sự “hiện nguyên hình” trong môi trường tranh đoạt quyền lực. Và cũng với môi trường đó, những con người như Khúc Dương, Nhậm Doanh Doanh, Lưu Chính Phong, Lệnh Hồ Xung lại sáng ngời những phẩm chất đạo đức người cao quý, dù người đời gọi họ là chánh giáo hay tà giáo.

KD.JPG

Nhà văn Kim Dung

Trong tác phẩm của Kim Dung, bí kíp là cứu cánh mà cũng chỉ là phương tiện. Cứu cánh võ lâm là quyền lực, mà quyền lực có được là nhờ có bí kíp làm phương tiện. Trong Tiếu ngạo giang hồ, quyền lực có hai ý nghĩa lớn. Nếu nói theo cách nói hình tượng, quyền lực là “bó cỏ treo trước mõm bò” vì nó cuốn hút hầu hết nhân vật hướng về nó và quan trọng hơn, nó có khả năng xui khiến đông đảo con người thiêu đốt chính mình trong giấc mơ quyền lực bằng tất cả giá phải trả để cuối cùng mất tất cả. Nói quyền lực là “lửa thử vàng” đạo đức vì tuy trong môi trường võ lâm tuồng như cả hắc - bạch, chánh - tà đều hăng hái tranh đoạt quyền lực, nhưng những hiệp khách chân chính tham gia tranh đoạt chẳng qua vì sự an nguy cho đời sống võ lâm, vì vai trò của hiệp khách, còn những chân tiểu nhân, ngụy quân tử thì chỉ vì ước mơ nắm quyền bá chủ. Họ bất chấp nhân tình, không từ thủ đoạn. Họ “tà” đến mức cái tà ấy không còn là một phần của nhân tính mà đó là thứ thuốc làm cho họ biến dạng thành quái nhân, không thể tồn tại trong thế giới này được.

Con người trong thế giới võ lâm “muôn màu muôn vẻ”. Họ đến từ nhiều môi trường khác nhau, có nhiều hoàn cảnh, nhiều tính cách khác nhau, nhưng quy củ võ lâm chỉ chia họ thành chính phái và tà phái. Những danh nghĩa đó tựa như tem bảo hành sản phẩm mà cuộc tranh đoạt quyền lực sẽ là hội đồng kiểm định chính xác nhất. Tiêu chuẩn cần và đủ để có tem chính - tà trong võ lâm đơn giản là xem họ thuộc con cháu hoặc môn đồ của chính giáo hay tà giáo. Truyền thống võ lâm cũng như truyền thống xưa cũ của xã hội loài người: “con vua thì lại làm vua”! Kim Dung một mặt phản ánh rất rõ thứ quan niệm như là định kiến truyền kiếp đó trong tác phẩm nhưng mặt khác ông lại hoàn toàn không để đơn giản hóa nhân sinh. Với ông, tem chính giáo hay tà giáo đó chỉ là nhãn hiệu bên ngoài. Ngũ Nhạc kiếm phái là chính phái mà quá nửa là tà; ngược lại, trưởng lão Ma giáo Khúc Dương, đại ma đầu Nhậm Doanh Doanh lại chẳng tà như ta tưởng. Tất cả họ đều gặp nhau trong sự nghiệp tranh quyền đoạt lực. Điểm đáng chú ý là Ngũ Nhạc kiếm phái mang tiếng là “đồng khí liên chi”, dương dương tự đắc là danh môn chính phái, mở miệng là đả đảo tà môn, coi thường danh lợi mà kỳ thực là “nồi da xáo thịt”, hành - xử chẳng quang minh lại mưu đồ thâm độc, thanh toán nội bộ lẫn nhau để bò dần lên ngôi vị chí tôn.

 “Với khối óc và con tim lớn, từng trải qua các biến đổi của thời đại, thế kỷ XX, nắm vững thông tin thế giới, hẳn là Kim Dung đã chuyển tải qua các tiểu thuyết võ hiệp của mình nhiều quan niệm, tư tưởng, nhiều nhận xét, đánh giá giá trị về xã hội hiện đại (Trung Quốc và thế giới ) và hẳn đã truyền vào đó những cái nhìn và ý tưởng chân xác về thái độ sống của các cá nhân, tập thể để xây dựng một cuộc sống công bằng, nhân ái, và an lạc, hạnh phúc tốt đẹp nhất có thể”.

HT.Thích Chơn Thiện

(trích Lời nói đầu trong “Hương còn mãi”

Cái thiện chưa tiêu diệt được cái ác là điều đáng buồn của nhân sinh nhưng mang danh chính nghĩa mà trước miếng mồi quyền lực lại mưu hại lẫn nhau đến nỗi thân danh chưa bị hủy hoại bởi tà giáo ác môn lại mất mạng bởi sự tàn sát lẫn nhau để tranh giành quyền lực mới là điều tuyệt vọng của nhân sinh. Cho nên tranh đoạt quyền lực và chiêu bài chánh - tà là thuốc thử nhân tính một cách hữu hiệu. Phần hậu ký “Tiếu ngạo giang hồ”, Kim Dung viết:

Giành lấy quyền lực, bất kể thủ đoạn là tình hình cơ bản của đời sống chính trị của Đông Tây kim cổ; mấy ngàn năm quá khứ là như vậy, mấy ngàn năm tương lai e rằng cũng còn như vậy. Những kẻ như Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần... là những nhân vật chính trị... vì nắm đại quyền mà thoái hóa; đó là hiện tượng phổ biến của nhân tính.

Xem thế thì đủ biết Kim Dung đã sáng suốt đến mức nào khi ông chọn môi trường tranh đoạt quyền lực để xác định nhân tính.

Tác giả (Kim Dung) đã phát huy tính chất truyền kỳ của tiểu thuyết võ hiệp để cho nhân vật bộc lộ hết mình. Phái đương quyền, phái chống đối, phái chính thống, phái cải cách, dòng chính, dòng phụ, chân tiểu nhân, ngụy quân tử... gồm hết “kỳ nhân”, bao hết “kỳ sự”, tung hoành ngang dọc, hiểm độc tàn ác, xung đột kịch liệt lại quanh co quỷ bí. Bên ngoài là chuyện giang hồ nhưng xé cái vỏ bọc ra thì lại là chân tướng của lịch sử chính trị 1.

Những xung đột nội bộ, những dò xét ngấm ngầm giữa người phái này với người phái khác, thậm chí là giữa những người trong cùng giáo phái với nhau tạo nên một xã hội đầy dẫy nghi ngờ. Từ đầu “Tiếu ngạo giang hồ” cái ý nghĩa “giành lấy quyền lực không từ thủ đoạn” đã sớm được Kim Dung khai triển, nhưng càng về sau, cái đáng sợ của quyền lực mới lên đến đỉnh điểm.

Khi Đông Phương Bất Bại nắm quyền, lão thị uy bức hiếp thuộc hạ bằng gươm, đao và “tam thi não thần đan”, thứ dược hoàn cần phải uống thuốc giải mỗi năm và thích nghe giáo chúng xưng tụng: “Giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh. Giáo chủ trung hưng thánh giáo, trạch bị thương sinh, thiên thu vạn tải, thống nhất giang hồ”. Nhậm Ngã Hành lần đầu nghe giáo chúng xưng tụng Đông Phương Bất Bại như vậy thì khó chịu vô cùng, sau, chính lão được nhận lời ấy thì có hơi áy náy - ban đầu lão đứng dậy xua tay nói “không cần” khi người ta quỳ lạy lão, nhưng lập tức, lão nghĩ rằng “không đủ oai thì mọi người không phục” nên lần tiếp theo, lão không đứng lên mà chỉ gật đầu... Những cử chỉ đó, người đọc không khó khăn trong việc dùng thực tại để kiểm nghiệm - còn ý nghĩa và dụng tâm của nó, Kim Dung đã để Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh thể hiện cụ thể trong tác phẩm. Doanh Doanh cho rằng: “Võ công càng cao thì thanh danh trong võ lâm càng lớn, tính tình sẽ biến đổi mà chính người đó cũng không biết. (...) Nắm đại quyền trong tay, toàn quyền sinh sát, nên cuồng vọng tự cao tự đại là chuyện đương nhiên”2. Doanh Doanh là người có quyền lực của một đại ma đầu, tuy cô ta chưa thử nghiệm đến tận cùng nhưng có trải nghiệm, có chứng kiến, có sự bén nhạy của một trí óc thông minh nên nhận xét đó của cô không phải chỉ đúng cho Đông Phương Bất Bại mà còn đúng với khả năng thay đổi nhân tính của quyền lực nói chung. Còn Lệnh Hồ Xung, với tư cách một hiệp khách, lại nghĩ: “Những kẻ hào kiệt mà phải chịu phủ phục trước oai lực, mỗi ngày phải quỳ lạy một người, miệng luôn phải xưng tụng mà lòng ngấm ngầm nguyền rủa. Người nói những lời vô sỉ này thì cho rằng không vô sỉ. Kỳ thực người bức người khác làm chuyện vô sỉ thì mình càng vô sỉ hơn”3. Xem ra chốn quyền lực toàn cả điều giả dối. Cái lạ là khi ở trên quyền vị, cái giả không làm cho người ta khó chịu mà lại khiến cho người ta đắc ý với “thành quả” đó.

Với Kim Dung, trong bất kỳ xã hội nào, trước bạo lực phản động, thuyết lý đạo đức không đủ sức để cứu nguy cho thế giới bởi bạo lực phản động chỉ khuất phục bởi bạo lực hiệp nghĩa, thứ bạo lực vì hạnh phúc chung của mọi người. Vì vậy, khi bạo lực phản động muốn vươn lên nắm quyền bá chủ thì những ai có khả năng, có trách nhiệm với đời phải dùng đến một thứ bạo lực chân chính khác để chiến thắng.

Tóm lại, “Tiếu ngạo giang hồ” là một ngụ ngôn lớn về chính trị” mà trong đó, quyền lực chính là thuốc thử nhân tính một cách hữu hiệu. Lời đúc kết rất mực chân thành của Kim Dung là: “Làm bất kỳ việc gì cũng nên dừng ở chỗ cần dừng, không nên muốn cứ bò lên mãi, cần phải có sự khắc chế dục vọng, xem tất cả nhạt đi một chút thì mức độ hạnh phúc trong cuộc đời sẽ tăng lên một chút” 4.

Đinh Vũ Thùy Trang

_______________________

1. Trần Mặc (2003), Võ hiệp ngũ đại gia, Nguyễn Thị Bích Hải dịch, NXB.Trẻ, TP.HCM, tr.59.

2. Kim Dung (2001), Tiếu ngạo giang hồ, Vũ Đức Sao Biển... dịch, 8 tập, NXB Văn Học, Hà Nội, tập 7, tr.66.

3. Kim Dung (2001), Tiếu ngạo giang hồ, Vũ Đức Sao Biển... dịch, 8 tập, NXB Văn Học, Hà Nội, tập 7, tr.61.

4. Lời của Kim Dung trong cuộc tọa đàm với 50 giáo sư Đại học Thanh Hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày