Thương cảm cho những phận người…

GN - Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi là thành viên của nhóm Những Trái Tim Việt vượt màn đêm trên chuyến xe về thăm chùa Liên Sơn (49 Nơ Trang Long , thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk) và đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi thăm hỏi các hoàn cảnh nghèo ở vùng biên địa. Chuyến đi như là cuộc khảo sát, chia sẻ những cơ cực với đồng bào dân tộc…

Những mảnh đời nho nhỏ

Ðiểm đầu tiên chúng tôi đến là buôn K’te, thăm nhà H’ring, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh một bé trai vóc người nhỏ nhắn, đen đủi với đôi mắt vô hồn. Nhìn bàn tay bé xíu của em mò mẫm xếp giấy mà nước mắt tôi chỉ chực tuôn rơi. Bé năm nay 9 tuổi, nhìn vóc dáng của bé nhỏ hơn số tuổi bé rất nhiều, và thấp thoáng trên gương mặt là nỗi lo toan của cuộc mưu sinh. Cha mất sớm, không bà con thân thích, hiện tại bé sống cùng bà H’rang, mẹ và một người cô H’in đang đi ăn xin chưa về.

nhungtraitimviet827.JPG

Những giấc mơ đến trường của trẻ nhỏ đành gát lại - Ảnh: CTV

Nhà nghèo không có tiền đi học, em phải ở nhà phụ mẹ nuôi bà, công việc hàng ngày của em là dẫn bà đi lượm phân bò về bán lại cho hàng xóm. Vất vả thế đấy nhưng em không thể nào thoát ra cảnh đói nghèo này.

Anh H’B Hiâo Phúc, sinh năm 1962, gia đình có sáu người con. Bốn người con đã lập gia đình và anh hiện sống cùng vợ và hai người con đang hứng chịu nỗi đau từ di chứng để lại sau chiến tranh. Cô em sinh năm 1992 tên là H’Dư Ayun , khi chúng tôi hỏi chuyện em cười rất tươi, một nụ cười vô cảm đến nhói lòng. Không khác gì cô em, người anh sinh năm 1989 tên là Y Phước Ayun đang nằm dặt dẹo trên giường. Trên người em ruồi nhặng bu đầy... chứng kiến cảnh tượng đó tôi không thốt nên lời. Gia đình anh H’B hiện tại rất khó khăn, cuộc sống của bốn người đang dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi 180 ngàn đồng/ tháng. Ngoài số tiền ấy, anh chị còn làm ruộng, làm thêm đủ việc không tên để có đủ tiền nuôi con.

Bà H’in (buôn Ranh A ÐakLiêng), năm nay 89 tuổi, cụ bị lãng tai và sống một mình, tự lo tất cả mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Cụ cũng được Nhà nước trợ cấp 180 ngàn đồng/tháng và hiện tại cụ sống nhờ vào số tiền đi lượm phân bò và làm ruộng. Mỗi năm cụ kiếm được 6 bao lúa. Một con số khiêm tốn nên chuyện đói khổ đó là thực tế mà cụ nói riêng và người dân nơi đây xảy ra triền miên. 

Ðừng quên họ

Trong suốt cuộc hành trình “từ trái tim”, tất cả chúng tôi không khỏi xúc động và xót xa bởi cuộc sống ở nơi này còn quá nghèo nàn, tạm bợ. Dù nhiều gia đình đã sống nhờ vào chính sách của Nhà nước hỗ trợ các cụ già đơn chiếc, bệnh tật nhưng số tiền đó không đáng là bao.

nhungtraitimviet743.JPG

Họ không thể thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, bệnh tật - Ảnh: CTV

Chúng tôi đến thăm nhà chị H’hien. Chồng chị mất sớm do bệnh ung thư, để lại cho chị bốn người con. Theo tục lệ người M’nông, khi chồng chết thì dòng họ đến chia tài sản và họ lấy đi một nửa. Nếu muốn giữ nguyên số tài sản thì chị lấy tiếp một người trong dòng họ. Khi chúng tôi đến thì chị và các con đã đi lượm phân bò, bé H’luyet vừa về dẫn bò đi ăn cỏ. Em là chị cả trong gia đình năm nay 13 tuổi, phải bỏ học khi vừa học xong lớp 2. Em phải ở nhà đi chăn bò cho hàng xóm, họ trả công em mỗi ngày chăn bò hơn 1kg gạo. Nhà nước cũng trợ cấp gia đình em mỗi tháng 180 ngàn đồng nhưng nào có thấm vào đâu.

Gia đình không có đất canh tác, chỉ sống nhờ vào làm thuê làm mướn, ước mơ đi học của em đành bỏ dở vì nhà nghèo. Chia tay chúng tôi, em chạy vội ra chuồng bò dẫn chúng đi ăn cỏ, trên tay em là 1 chai nước và 1 nắm xôi hẩm để lót dạ cả ngày. Nhìn dáng em bé nhỏ khuất dần mà chúng tôi không khỏi nghẹn ngào.

Với họ, bữa ăn no đã là quý lắm rồi nói chi đến việc mơ ước xa vời về một cuộc sống đủ đầy. Chúng tôi dặn lòng, đừng bao giờ quên họ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày