Thương mình cũng chính thương người mười mươi

GN - Thương mình, bạn đừng nghĩ đó là ích kỷ, nếu mình hiểu mình cũng là một thành viên của cộng đồng, có gắn kết rất gần gũi với những người thân-thương bên mình. Nên, khi mình thương mình, có nghĩa là mình biết chăm sóc bản thân mình khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, an lạc, hạnh phúc thì cũng có nghĩa là bạn đang đóng góp tình thương cho những người xung quanh, nhất là những người thân thương, bạn bè của bạn.

199091_152819054778578_110260462367771_314318_2362851_n.jpg

Nâng niu yêu thương - Ảnh minh họa

Khi bạn khỏe mạnh, an lạc, hạnh phúc thì những người thân thương sẽ yên lòng về bạn, sẽ có niềm an vui từ chính bạn. Do vậy, mọi hành vi xài xể thân tâm mình, tự ý làm cho mình đau khổ dù xuất phát từ ý niệm nào cũng đều là việc làm sai trái, bởi như thế có nghĩa là bạn đã gián tiếp “lấy đi” bình an, hạnh phúc của người thân thương mình, làm cho cộng đồng thêm nhiều nhân tố bất ổn.

Quán triệt tư tưởng đó, để rồi bạn học cách thương mình sao cho đúng. Thương mình không có nghĩa là nuông chìu thân thể, cảm xúc, ham muốn…, thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của bản thân mà không hề suy nghĩ đó là nhu cầu chính đáng hay không? Hoặc, không mảy may suy nghĩ rằng thụ hưởng như vậy có lãng phí, có làm cho người khác khổ đau hay không, có là “vì mình mà quên người” hay không? 

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đã quá thương mình đến mức ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình là điều đáng buồn, đáng trách.

Lối sống của mình quan trọng lắm, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều người và quy định hành vi của bản thân. Làm sao cho mọi người xung quanh thương mình, cảm nhận bình an toát ra nơi mình chính là điều mình cần phải lưu tâm. Tất nhiên, không phải “đạt” mục đích ấy bằng “nghệ thuật” mà phải bằng chính tự tâm chân thật, bằng cách thương mình đúng đắn, không tư lợi, vị kỷ…

Thị Hiền

LTS: Bạn nghĩ gì về “tình yêu thương và hạnh phúc”, nhất là trong “bối cảnh” tình yêu thương bị đưa xuống hàng nhì, hàng ba và những giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang gia tăng nơi người trẻ? 

Mọi chia sẻ về chủ đề trên, bạn có thể cộng tác với Giác Ngộ Online qua các bài viết cảm nhận, suy tư trăn trở, hoặc kinh nghiệm sống, những kỷ niệm của chính bạn, hoặc người mà bạn có duyên gặp gỡ, tiếp xúc..., vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com hoặcphatgiaovatuoitre@gmail.com

Các bài viết phù hợp sẽ đăng trên chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ của Giác Ngộ Online và sẽ chọn đăng trên Giác Ngộ - báo in hàng tuần.

Rất mong được đón nhận sự cộng tác từ bạn đọc!

______
Cùng diễn đàn:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày