Thương nhớ Thăng Long

Một phiên bản chùa Một Cột ở tỉnh Long An.
Một phiên bản chùa Một Cột ở tỉnh Long An.
“Từ độ mang gươm đi mở cõi - Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” - nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ như nói thay tấm lòng của những người con ở mọi miền đất nước luôn hướng về quê cha đất tổ. Người dân trên đất Chín Rồng cũng mang nỗi nhớ thương da diết ấy.

Họ thể hiện nỗi nhớ thương ấy bằng cách riêng của mình – tạo dựng những công trình, hình ảnh của Hà Nội ở nơi mình sống. Bằng cách ấy, họ cảm thấy dù ở nơi xa, họ vẫn cảm nhận được hồn Thăng Long.

Chùa Một Cột ngày càng lớn

Người đầu tiên làm Chùa Một Cột ở Long An là nghệ nhân Lê Thanh Tâm (phường 4, TP.Tân An). Khi đất nước còn chia cắt, ông Ba Tín (tên thường dùng của ông Tâm) luôn ao ước được một lần về thăm đất Thăng Long. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã thực hiện ngay khát vọng của mình.

Vào lăng viếng Bác, ngắm Chùa Một Cột, ông bị mê hoặc bởi công trình kiến trúc cổ xưa này. Từ những tấm hình chụp được, ông Ba Tín đã xây dựng mô hình Chùa Một Cột, nhỏ hơn nguyên mẫu, trong khu vườn kiểng tại nhà mình. Sau Chùa Một Cột, ông xây tiếp phiên bản Ngọ Môn của cố đố Huế, rồi tháp Chàm của Ninh Thuận, chợ Bến Thành… để liên tưởng về cuộc hành trình một thời cha ông đi mở cõi.

Không may mắn như ông Ba Tín, vợ chồng ông Huỳnh Văn Sơn (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, Long An) đều mất trước ngày miền Nam giải phóng nên không thực hiện được ước vọng một lần về thăm đất Thăng Long. Người con trai lớn của họ – nông dân Huỳnh Văn Đảo đến năm 2003 mới có điều kiện đi Hà Nội viếng lăng Bác. Thương cha mẹ mình không còn sống để thực hiện ước vọng ngày trước, ông Đảo chợt nảy ra ý định “đưa” cha mẹ về thăm Thăng Long theo cách của riêng ông.

Trở về Long An, ông Đảo nhờ kiến trúc sư ra Hà Nội đo vẽ công trình Chùa Một Cột, rồi thuê thợ giỏi từ TPHCM về thi công phiên bản Chùa Một Cột ngay trên nền nhà cũ nơi cha mẹ ông từng sinh sống, với chi phí xây dựng lúc đó khoảng 50 lượng vàng. So với nguyên bản, Chùa Một Cột của ông Đảo lớn hơn gấp rưỡi, đủ rộng để ông làm nơi thờ tự cha mẹ.

Cách Chùa Một Cột nhà ông Đảo hơn 5 cây số, có một Chùa Một Cột khác quy mô lớn hơn. Đó là công trình được xây dựng trong khu “làng cổ” của Cty Rồng Việt chuyên về xây dựng công nghiệp ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Chùa Một Cột này nằm giữa hồ rộng, bao quanh là các công trình kiến trúc cổ khác, kể cả phiên bản giếng nước cổ của Hoàng thành Thăng Long.

Phiên bản khác của chùa Một Cột ở tỉnh Long An.
Phiên bản khác của chùa Một Cột ở tỉnh Long An.


Kỳ công với hoa đào

Không ít người miền Tây chọn hoa đào làm hình ảnh gợi nhớ gợi thương về Thăng Long – Hà Nội. Khí hậu ĐBSCL không thích hợp với cây đào, nhưng vẫn có nhiều người kỳ công trồng bằng được trong vườn nhà. Ở Bến Tre - nơi nổi tiếng với nghề trồng cây kiểng, thỉnh thoảng lại xuất hiện một cây đào nở hoa đỏ rực vào dịp tết.

Người đầu tiên ở Bến Tre làm cho đào nở hoa có lẽ là ông Phan Ngọc Đằng - ngụ phường Phú Khương, TP.Bến Tre. Là cán bộ tập kết, sau ngày miền Nam giải phóng, ông Đằng trở về quê hương Bến Tre làm Phó Trưởng ty Giáo dục tỉnh. Sau đó, trong một chuyến công tác Hà Nội, ông đã đến Nhật Tân chọn mua gốc đào thật đẹp mang về Bến Tre trồng như là cách lưu giữ kỷ niệm hơn 20 năm sống trên đất Bắc. Gốc đào ấy đã sống và ra hoa vào mỗi dịp xuân về suốt gần 20 năm qua.

Muộn hơn ông Đằng, cô giáo Tịnh ở thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) cũng có một gốc đào nở hoa suốt hàng chục cái tết. Vốn biết nghề trồng hoa, khi được bạn bè biếu tặng cây đào vào dịp tết, cô giáo đã mày mò nghiên cứu trồng thử. Cây đào sống và tươi tốt, nhưng không ra hoa. Cô lại nghiên cứu qua tài liệu, thay đổi cách chăm bón. Điều kỳ diệu đã đến, cây đào nở hoa đỏ rực. Về sau, khi cô giáo lớn tuổi, ít chăm sóc, sâu đục thân đã làm chết cây đào.

Cách đây mấy năm, bà Lan Chi - Giám đốc Cty TNHH Vĩnh Tiến ở TP.Bến Tre - cũng đã thử “phiêu lưu” với hoa đào. Nhưng cây đào nhà bà Chi chỉ nở hoa đúng một lần...

Như có Bác Hồ…

Năm 1990, nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Bác Hồ, tỉnh Đồng Tháp xây dựng ngôi nhà sàn Bác Hồ trong khuôn viên Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở TP.Cao Lãnh. Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp được làm với tỉ lệ 1/1 so với nguyên bản, các hiện vật đều được phục chế giống như nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị, 12 chiếc ghế xếp quanh chiếc bàn rộng. Xung quanh là bệ ximăng có lót gỗ để các cháu thiếu nhi tới chơi có đủ chỗ ngồi.

Nếu như trong nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội, chiếc đồng hồ ở phòng khách vẫn chạy đều, thì trong nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp, chiếc đồng hồ dừng lại ở 9 giờ 47 phút - là giờ Bác mất. Trên gác là phòng ngủ và phòng làm việc, khoảng cách 2 phòng là giá sách. Ngăn trên cùng giá sách có chiếc hộp, trong đó Bác cất 2 tấm ảnh mà bộ đội trước lúc tập kết đến viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã chụp và tặng Bác.

Nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội nhìn ra ao cá hình bầu dục, còn ở Đồng Tháp là ao sen mang hình bản đồ hành chính của tỉnh. Trong vườn cũng có cây vú sữa đồng bào miền Nam tặng đã được Bác chăm sóc nâng niu…

Mỗi năm, khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp đón hơn 200.000 lượt khách, hầu hết từ các tỉnh ĐBSCL. Nhà sàn Bác Hồ ở Đồng Tháp đã giúp họ có cơ hội về viếng Bác Hồ, về với trái tim tổ quốc, cảm nhận như Bác vào thăm đồng bào miền Nam.

Chùa Một Cột là di tích văn hóa – lịch sử của đất Thăng Long được người dân ĐBSCL chọn phục dựng nhiều nhất. Có lẽ do đây là một trong những công trình thuộc loại cổ xưa nhất của Hà Nội, là hình ảnh cô đọng của thủ đô, lại đơn giản, dễ xây dựng. Chỉ riêng ở tỉnh Long An đã có gần 10 phiên bản Chùa Một Cột.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày