Thượng tọa Thích Đức Thiện: "Cầu an online và cúng dường online là 2 hoạt động khác nhau"

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN xem lễ cầu an online qua thiết bị điện thoại di động - Ảnh: Chu Minh Khôi
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN xem lễ cầu an online qua thiết bị điện thoại di động - Ảnh: Chu Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GNO - “Triển khai thí điểm việc cúng dường online, chúng tôi vẫn đang lắng nghe tất cả các ý kiến của xã hội, Phật tử và bà con nhân dân", Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ sáng nay, 25-2 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Chùa Quán Sứ và nhiều chùa khác ở Hà Nội thực hiện đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thiện Tâm

Chùa Quán Sứ và nhiều chùa khác ở Hà Nội thực hiện đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thiện Tâm

Thưa Thượng tọa, trong những ngày này, trước diễn biến của dịch Covid-19 và làn sóng người dân đi lại sau Tết, theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh từ cơ quan chức năng, các chùa ở nhiều địa phương đang thực hiện mệnh lệnh tạm thời đóng cửa. Trong bối cảnh này, Giáo hội khuyên người dân có nhu cầu tâm linh lễ Phật đầu xuân nên như thế nào?

Thượng tọa Thích Đức Thiện: Hiện nay có một số tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội, các chùa không được mở cửa đón khách và không tổ chức các hoạt động lễ hội có quá 20 người. Giáo hội cũng đã có văn bản để hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử, từ việc phòng chống dịch bệnh đến việc thực hiện các hoạt động tôn giáo tâm linh.

Phật tử có nhu cầu bày tỏ niềm tin của mình, trong đó việc cầu an dịp năm mới là nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam nói chung, đồng bào Phật tử nói riêng. Giáo hội cũng trên tinh thần nêu cao trách nhiệm phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Vì vậy, Giáo hội khuyến khích các chùa tổ chức những khóa lễ cầu an online. Hoạt động này đã có kinh nghiệm từ năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các kỳ Phật đản và Vu lan năm ngoái, từ Giáo hội đến nhiều chùa đã tổ chức online.

Trong đợt Tết Tân Sửu này, hầu như các chùa đều tổ chức những khóa lễ online. Chẳng hạn như tại chùa Quán Sứ hôm nay 14 tháng Giêng âm lịch, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) sẽ có lễ cầu an trực tuyến tổ chức vào tối nay (14 tháng Giêng âm lịch). Chư tôn đức đã thực hiện khóa lễ cầu an online để cho đồng bào Phật tử có thể theo dõi và tham gia khóa lễ. Phật tử đồng bào có thể ngồi ở nhà, xem khóa lễ và lễ Phật, tụng kinh từ xa. Giải pháp này đáp ứng được nhu cầu của người dân, bày tỏ niềm tin tâm linh, ước nguyện đầu năm, đạt được sự an tâm và đem lại những điều tốt đẹp.

Xin Thượng tọa cho biết lịch các khóa lễ như thế nào để Phật tử, người dân biết và theo dõi?

- Với chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, chùa Sủi, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh)... lịch tổ chức các khóa lễ cầu an đã được thông báo ở trên mạng xã hội Butta.vn và trên trang web của các chùa. Các khóa lễ cầu an trực tuyến được Giáo hội tổ chức vào các ngày mồng 8; ngày 14, ngày rằm, ngày 18 và ngày 30 tháng Giêng âm lịch. Các ngôi chùa ở các địa phương cũng đưa lịch tổ chức những khóa lễ cầu an lên trang web, Facebook, Zalo, Lotus của từng chùa. Các Phật tử và bà con nhân dân có nhu cầu cầu an, thì có thể theo dõi và đăng ký qua mạng Butta.vn và website của các chùa.

Mạng xã hội Butta.vn do GHPGVN chủ quản

Mạng xã hội Butta.vn do GHPGVN chủ quản

Được biết, Giáo hội đang triển khai thí điểm “cúng dường online”, xin Thượng tọa nói rõ hơn về vấn đề này?

- Những ngày vừa qua nhiều báo đã đưa tin về việc Giáo hội thí điểm các hoạt động cầu an online và cúng dường online. Tuy nhiên, một số báo khi viết tin đã đưa 2 sự kiện này vào chung một đoạn viết liền nhau mà không giải thích rõ, đã khiến dư luận hiểu lầm rằng: cầu an online là để huy động tiền cúng dường. Thực ra không phải vậy.

Quan điểm của Phật giáo chúng tôi là không được kinh doanh tâm linh, nên cầu an online không phải là để thu tiền. Cầu an online và cúng dường online là 2 hoạt động khác nhau.

Trong xu thế chung của thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ số vào hoằng dương Phật pháp đã được nhiều chùa và Giáo hội triển khai từ nhiều năm nay, nhưng giảng pháp online, thực hiện các nghi lễ Phật giáo truyền hình trực tiếp trên mạng…

Đặc biệt từ khi xuất hiện dịch Covid-19, nhằm giảm lượng Phật tử, khách thập phương đến chùa với mục tiêu phòng chống dịch bệnh, nhiều chùa đã tổ chức những khóa lễ, tụng kinh, lễ cầu an online và đã làm rất tốt.

Hiện nay, mọi ngôi chùa đều có thể triển khai các khóa lễ tụng kinh online, trong khi cúng dường online mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, mới bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán - phát sinh từ khi dịch Covid-19 bùng phát... và mới chỉ được thí điểm tại 12 ngôi chùa.

Việc mở ví điện tử để tiếp nhận cúng dường online là bởi nhiều người muốn phát tâm cúng dường, nhưng trong điều kiện hiện nay họ không thể đến chùa. Rất nhiều người đến các chùa, đứng ngoài cổng, đề nghị các nhà sư mở cổng chùa cho họ được vào công đức, cúng dường, nhưng các chùa không thể mở cổng tiếp thiện nam tín nữ. Vì vậy, chúng tôi tiếp nhận cúng dường qua tài khoản ví momo để đáp ứng mong muốn được cúng dường của họ.

Ảnh tác giảGiáo hội rất muốn nghe ý kiến nhiều chiều để có có cái nhìn tổng quát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Còn triển khai tiếp hay không thì phải được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chư tôn đức lãnh đạo thông qua thì mới triển khai mở rộng. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN

Thượng tọa có thể cho biết cụ thể 12 ngôi chùa được thử nghiệm cúng dường online trong đợt này?

- Tại Bắc Ninh có chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du do tôi trụ trì; chùa Đồng Kỵ ở thị xã Từ Sơn, chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành. Tại Hà Nội có chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì), chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa). Tại TP.HCM có chùa Nam Thiên Nhất Trụ, chùa Bửu Long và Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Ở Nghệ An có chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn). Cùng với đó là chùa Hoằng Phúc ở tỉnh Quảng Bình do tôi trụ trì; chùa Kim Sơn Bảo Thắng ở tỉnh Lào Cai - là những ngôi chùa đã thử nghiệm cúng dường online trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, chùa Tam Chúc (Hà Nam) cũng đăng ký và được Giáo hội chấp thuận, nhưng họ chưa triển khai thực hiện.

Thưa Thượng tọa, ngoài 12 chùa đó thì các chùa, tự viện khác có thể tự mở tài khoản ví momo để nhận cúng dường online được không?

- Các chùa không được tự ý mở tài khoản cúng dường online, vì đây mới chỉ là giai đoạn Giáo hội thử nghiệm. Trước mắt dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên thử nghiệm trong 3 tháng lễ hội của Xuân Tân Sửu.

Sau thời gian thử nghiệm này trong 3 tháng mùa xuân, Ban Thư ký Hội đồng Trị sự sẽ có báo cáo đánh giá xem xét những hậu quả phát sinh (nếu có), sau đó, Giáo hội sẽ họp tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm phát sinh, hệ quả, hậu quả.

Giáo hội rất muốn nghe ý kiến nhiều chiều để có có cái nhìn tổng quát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Còn triển khai tiếp hay không thì phải được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chư tôn đức lãnh đạo thông qua thì mới triển khai mở rộng.

Chúng tôi vẫn đang lắng nghe tất cả các ý kiến của xã hội, Phật tử và bà con nhân dân. Sau đó khi triển khai, thì Giáo hội cũng sẽ tính đến việc quản lý các tài khoản thống nhất, sẽ không được để tự do tiếp nhận cúng dường như hiện nay.

"Các chùa không được tự ý mở tài khoản cúng dường online, vì đây mới chỉ là giai đoạn Giáo hội thử nghiệm", Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN xác nhận với Báo Giác Ngộ trong trả lời phỏng vấn sáng 25-2-2021.

"Các chùa không được tự ý mở tài khoản cúng dường online, vì đây mới chỉ là giai đoạn Giáo hội thử nghiệm", Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN xác nhận với Báo Giác Ngộ trong trả lời phỏng vấn sáng 25-2-2021.

Vì sao lựa chọn ví momo mà không phải là chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng theo cách thức truyền thống, thưa Thượng tọa?

- Chúng tôi quan tâm đến sự tiện lợi, những ích lợi của ứng dụng số trong đời sống. Thử nghiệm cúng dường online nhằm tránh tập trung đông người trong dịch Covid-19, minh bạch tiền công đức và có thể đi đến xóa bỏ đặt tiền lẻ trên tay tượng.

Việc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng sẽ mất thời gian, đôi khi xảy ra sự nhầm lẫn tài khoản. Với ví momo thì người cúng dường có thể thực hiện rất nhanh trong tích tắc thôi, dùng mã QR, lại đảm bảo sự an toàn. Ví này chính là bộ lọc trung gian nhằm ngăn chặn những hành động giả dối, chống lạị những ý định trục lợi. Từng có nhiều kẻ, nhóm người đã mạo danh những website của các ngôi chùa, đưa số tài khoản lên đó và yêu cầu cúng dường chuyển khoản. Chỉ những chùa đã qua sự thẩm định xác nhận của momo thì họ mới cấp cho tài khoản để nhận cúng dường.

Cúng dường vào ví momo sẽ an toàn hơn các phương thức cúng dường truyền thống, với ứng dụng này sẽ giúp các chùa, Giáo hội và ngay các các cơ quan chức năng nhà nước sau này cũng có thể theo dõi, giám sát được nguồn tiền công đức, giám sát việc chi dùng khoản tiền này đúng mục đích, giảm được sự không minh bạch trong việc tiếp nhận vì sử dụng tiền cúng dường.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày