Tia sáng soi đường

(Thành kính tưởng niệm 20 năm ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN
- Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận viên tịch)

Duc Hoa thuong.jpg

Chân dung Đức Đệ nhất pháp chủ

GN - Đó là lời của cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu (1921-2001), Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN về ba đề nghị quan trọng của Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận (1897-1993) trong giây phút lịch sử suy tôn ngài vào ngôi vị Pháp chủ tại Đại hội thành lập GHPGVN năm 1981.

“Ở thời điểm này, ba đề nghị của Cụ nêu ra với Đại hội, như là một tia sáng soi đường làm cho cả đại hội xúc động, kính trọng, phấn khởi, vui mừng, tin tưởng rằng trong lúc Phật giáo chưa có đủ cơ duyên thuận lợi mà có được một bậc Chúng trung tôn như ngài để suy tôn ngôi vị Pháp chủ, thì thật may mắn”, HT.Thích Thiện Siêu đã viết về nguồn sinh khí mà Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN đã đem lại cho tất cả đại biểu, cho những ai ưu tư về sự tồn vong, phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Tưởng niệm ngài, chúng ta không thể không nhắc lại những nội dung ba đề nghị trong giờ phút lịch sử ấy mà ấn tượng còn lưu dấu sâu sắc đối với người tham dự, chứng kiến.

“Để đáp ứng nguyện vọng chung của Tăng Ni và tín đồ Phật giáo, trước khi nhận chức vụ này, tôi trân trọng đề nghị Đại hội chấp thuận, đồng thời đề đạt lên Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện mấy điểm đại khái sau đây:

Vấn đề trường Phật học:

Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tại thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tùy theo khả năng nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được.

Vấn đề người thừa kế và làm việc trong chùa:

Để có thể tiếp tục hành đạo và làm các việc trong chùa, tôi xin đề nghị Chính phủ cho phép mỗi chùa được chính thức cư trú, tiêu chuẩn từ hai đến năm người tùy theo chùa lớn hay nhỏ mà quy định.

Vấn đề tín ngưỡng của tín đồ:

Vấn đề tự do tín ngưỡng, tuy đã được Nhà nước đề ra sau khi nước nhà giành được quyền độc lập, nhưng được biết vẫn còn bị hạn chế ở nhiều địa phương, nhất là ở thôn quê. Do đó, hôm nay tiện dịp, tôi đề nghị Đại hội đạo đạt lên Chính phủ cho phép các tín đồ Phật giáo từ thành thị đến nông thôn được tự do tới chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý.

Ba vấn đề này xin được ghi vào Nghị quyết Đại hội. Mấy nguyện vọng tối thiểu và chính đáng trên, nếu được Đại hội chấp thuận, Chính phủ cho phép, thì tôi mới dám nhận chức vụ mà Đại hội đã có nhã ý đề cử, bằng không thì tôi xin phép được từ chối chức vụ này. Vì tôi nghĩ rằng: Nếu không đáp ứng được nguyện vọng của Tăng, Ni và Phật tử thì tôi e rằng không làm tròn trách nhiệm của mình đối với Phật giáo, vậy mong Đại hội thể tất cho…

Tôi xin thành thật cám ơn Đại hội và chúc Đại hội thành công tốt đẹp”.

Thay mặt toàn thể đại biểu, Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ (1909-1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa được toàn thể đại hội suy cử đã trang nghiêm và trân trọng thọ lãnh lời đề nghị ấy. Ba nội dung đề nghị đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội thành lập GHPGVN và đã được Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề đạt đến Chính phủ.

Nội dung ba lời đề nghị đó đã đặt ra sứ mệnh trước mắt và lâu dài của tổ chức GHPGVN. Đó là mở trường đại học Phật giáo, xây dựng Phật học viện đào tạo Tăng Ni; Quan tâm đến lớp kế thừa đạo mạch thiền môn; Hướng dẫn tín đồ Phật tử theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, có nhận thức, chánh tín.

Như nét đạo phong của ngài lúc sinh tiền, luôn nhấn mạnh đến nếp sống của người học Phật, thực hành theo nếp sống nhà Phật là tin sâu, hành đúng và nguyện thiết. Chính niềm tin sâu sắc, với kinh nghiệm thực hành đúng Chánh pháp và tâm nguyện độ sinh thiết tha ấy đã lưu xuất nên những pháp ngữ lời thì giản dị mà ý thì sâu sắc, tác động đến sâu thẳm lòng người, tạo nguồn hứng khởi và soi sáng cho hành động của tổ chức GHPGVN ngay từ thời điểm thành lập 33 năm trước.

Cuộc đời của ngài là hình ảnh sinh động của một vị Tổ sư trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, một người giác ngộ Phật pháp, làm sứ giả của Phật pháp, mang trong mình một chí nguyện lớn lao phổ độ quần sinh, báo đáp ân đức của chư Phật. Ngài đã viên tịch tròn hai mươi năm, nhưng những phẩm chất ấy, những việc ngài đã làm, những lời ngài đã nói sẽ còn vang vọng mãi với thời gian, vẫn luôn là tia sáng soi đường cho các hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày