Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973)

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973), nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Đệ nhất Tăng thống GHPGVN Thống nhất - Ảnh tư liệu
Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973), nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Đệ nhất Tăng thống GHPGVN Thống nhất - Ảnh tư liệu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973), nguyên Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Đệ nhất Tăng thống GHPGVN Thống nhất, bậc danh Tăng kiệt xuất đã lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đi qua khúc quanh bi tráng nhất của một thời đại. 

Lễ tưởng niệm 50 năm Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết viên tịch

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 42 dòng Liễu Quán, tục danh Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17-11-Tân Mão (1891), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Toán và cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình.

Năm 1905, ngài xuất gia tại tổ đình Tường Vân, làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thọ giáo với Đại lão Hòa thượng Thanh Thái, hiệu Phước Chỉ. Ngài được ban pháp danh là Trừng Thông, tự Chân Thường.

Đến năm 19 tuổi (1910), đạo phong ngày càng tỏa rạng, ngài được đặc cách miễn tuổi để thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia do tổ Vĩnh Gia đương vi Đàn đầu, Hòa thượng Tâm Truyền đương vi Yết-ma và Hòa thượng Hoàng Phú đương vi Giáo thọ. Sau khi đắc giới Cụ túc, ngài trở về trú xứ phát nguyện lạy bộ Vạn Phật, mỗi chữ mỗi lễ, trong suốt 3 năm liền.

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973)

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973)

Năm Bính Thìn (1916), ngài nhận chức trú trì chùa Phước Huệ, thuộc phủ Tuy Lý Vương, thôn Vỹ Dạ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Đến năm Canh Thân (1920) ngài đắc pháp với Hòa thượng Bổn sư, được ban đạo hiệu là Tịnh Khiết, kế vị Tổ đời thứ 42 thuộc Thiền phái Lâm Tế với bài kệ phú pháp:

Trừng Thông tâm pháp bản đồng nhiên.

Phó nhữ Chân Thường đạo chí kiên.

Phi hữu phi vô phi sở kiến.

Tịch nhiên khai ngộ chủ nhơn tiền.

Năm Nhâm Tuất (1922), sau khi cư tang nghiệp sư, ngài cùng Hòa thượng Huệ Pháp theo học lớp Cao đẳng Phật học tại chùa Thiên Hưng, tham cứu kinh điển cùng ngài Phước Huệ, chùa Thập Tháp trong suốt thời gian 5 năm.

Năm Quý Dậu (1933), Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh, trụ trì chùa Tường Vân viên tịch, môn phái cung thỉnh ngài kế thế trụ trì.

Đầu năm Ất Hợi (1935), Sơn môn Tăng-già Thừa Thiên mời ngài giảng dạy và quản nhiệm lớp Trung đẳng Phật học tại chùa Tường Vân, một thời gian sau đó thì lớp này được chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện Tây Thiên.

Năm Mậu Dần (1938), sau khi xây dựng xong chùa Hội Quán Từ Đàm, An Nam Phật học hội cung thỉnh ngài kiêm nhiệm trụ trì và Chứng minh Đạo sư cho Hội.

Năm Canh Thìn (1940), Sơn môn Tăng-già Thừa Thiên cung thỉnh ngài làm Giám đốc Đạo hạnh cho Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Bảo Quốc. Đây là Trung tâm đào tạo Tăng tài cao nhất của Phật giáo miền Trung lúc bấy giờ.

Đức Đại lão Hòa thượng trong sinh hoạt thường nhật tại tổ đình Tường Vân (Huế), đứng bên trái ngài là Hòa thượng Thích Trí Thủ

Đức Đại lão Hòa thượng trong sinh hoạt thường nhật tại tổ đình Tường Vân (Huế), đứng bên trái ngài là Hòa thượng Thích Trí Thủ

Các Học tăng xuất thân từ Viện Cao đẳng này, về sau đều là những bậc Tăng-già lỗi lạc của ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam hiện đại, như quý Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh, Trí Tịnh, Trí Thành, Trí Thuyên, Hành Trụ…

Năm Giáp Thân (1944), Sơn môn Tăng-già Thừa Thiên cung thỉnh ngài làm Yết-ma cho Giới đàn tại chùa Thiền Tôn. Đây là Giới đàn được khai giới lần cuối cùng trước khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào cuối năm Bính Tuất (1946).

Đầu năm Đinh Hợi (1947), Sơn môn Tăng-già Trung Việt hình thành, toàn thể chư Tăng đại biểu ở miền Trung đã long trọng suy tôn ngài lên ngôi vị Tòng lâm Pháp chủ Trung Việt.

Trong thời gian bốn năm (1947-1951) ở ngôi vị Pháp chủ, ngài đã không ngừng nỗ lực cùng với An Nam Phật học hội xiển dương Chánh pháp, đào tạo Tăng tài, tổ chức các đạo tràng Phật học, các khuôn Tịnh độ, các đoàn thể Thanh thiếu niên Gia đình Phật tử trên khắp 17 tỉnh miền Trung.

Năm Kỷ Sửu (1949), Sơn môn Tăng-già Thừa Thiên cung thỉnh ngài làm Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Hộ Quốc tại chùa Bảo Quốc. Giới đàn này được tổ chức sau hơn 5 năm bị gián đoạn, kể từ Giới đàn tại chùa Thiền Tôn năm Giáp Thân, 1944.

Ngày 6-5-1951 (Tân Mão), Hòa thượng chứng minh và chủ tọa Hội nghị thành lập Giáo hội Tăng-già Trung Việt tại chùa Linh Quang (Huế). 51 đại biểu của sáu hội Phật giáo Nam, Trung, Bắc họp tại chùa Từ Đàm quyết nghị thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng được suy tôn Hội chủ. Đến ngày 7-9-1952, Hòa thượng được bầu làm chủ tọa Đại hội Phật giáo Tăng-già toàn quốc họp tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết quang lâm chứng minh lễ đặt đá khởi công xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết quang lâm chứng minh lễ đặt đá khởi công xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Sự ra đời của Giáo hội Tăng-già Trung Việt là bước tiến vững chắc dưới sự lãnh đạo tối cao của Hòa thượng. Hội nghị này không chỉ đã duyên khởi cho Giáo hội Tăng-già Việt Nam và Giáo hội Tăng-già hai miền Nam - Bắc tiếp tục ra đời sau đó, mà còn thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của Phật giáo Việt Nam trước sự kiềm chế khắt khe mà các chính quyền lúc bấy giờ vẫn áp đặt qua Đạo dụ số 10.

Cũng trong năm này, Hội nghị Phật giáo toàn quốc được long trọng tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) từ ngày 1 đến ngày 4-4-Tân Mão (ngày 6 đến ngày 9-5-1951). 51 vị đại biểu của 6 tập đoàn Phật giáo đã đồng tâm, nhất trí “thống nhất Phật giáo” cả 3 miền Bắc-Trung-Nam thành một Tổng hội dưới danh hiệu Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Hội nghị đã long trọng suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Hội chủ.

Vào ngày 1-5-Tân Mão (5-6-1951), trên cương vị Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng vào chứng minh và chủ tọa hội nghị thành lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt tại chùa Hưng Long ở đường Ngã Sáu, Chợ Lớn (Sài Gòn). Hội nghị đã suy tôn Hòa thượng Đạt Thanh lên ngôi vị Pháp chủ lâm thời, Thượng tọa Đạt Từ làm Trị sự trưởng và Thượng tọa Trí Ấn Nhật Liên làm Tổng Thư ký.

Đến ngày 7-8-Tân Mão (7-9-1951), Hòa thượng được cung thỉnh ra chứng minh và chủ tọa hội nghị thành lập Giáo hội Tăng-già Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Hội nghị đã suy tôn Hòa thượng Tuệ Tạng lên ngôi vị Thượng thủ.

Qua năm Quý Tỵ (1953), Đại hội kỳ II Giáo hội Tăng-già Nam Việt lại cung thỉnh Hòa thượng vào chủ tọa hội nghị và chứng minh lễ suy tôn Hòa thượng Thiện Hải Huệ Quang lên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt.

Năm Bính Thân (1956), Đại hội kỳ II Tổng hội Phật giáo Việt Nam khai mạc tại chùa Phước Hòa, trú sở của Hội Phật học Nam Việt và họp ở chùa Ấn Quang từ ngày 21 đến 25-2-Bính Thân, (1 đến ngày 5-4-1956). Trong nhiệm kỳ II, nhân sự của Tổng hội có phần thay đổi, nhưng Đại hội vẫn tin tưởng và thành kính cung thỉnh Hòa thượng lưu lại ngôi vị Hội chủ. Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thiện Hải Huệ Quang làm Phó Hội chủ.

Đây cũng là thời kỳ Phật giáo tại miền Nam Việt Nam đang bị chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương tiêu diệt nên Phật giáo đồ nhiều nơi đã bị đàn áp, khủng bố. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo tối cao và vô cùng sáng suốt của Hòa thượng, mọi hoạt động của Phật giáo vẫn không ngừng phát triển. Nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, cơ quan hoằng pháp của Tổng hội ra đời.

Vào ngày 10-11-1956, với tư cách Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Phó Hội chủ hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ IV tại Nepal. Sau khi hội nghị bế mạc, Hòa thượng cùng phái đoàn trở về thủ đô New Delhi, quan sát Hội nghị Văn hóa thế giới, xem cuộc triển lãm nghệ thuật Phật giáo và đi chiêm bái nhiều Phật tích ở Ấn Độ.

Năm Kỷ Hợi (1959), Đại Hội kỳ III Tổng hội Phật giáo Việt Nam họp tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Thêm một lần nữa, chư tôn đức trong hội nghị vẫn tin tưởng và thành kính cung thỉnh Hòa thượng tiếp tục đảm nhận ngôi vị Hội chủ.

Sau Đại hội này, mọi sinh hoạt của Phật giáo ngày càng chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền. Những cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp xảy ra, nặng nề nhất là ở các tỉnh thuộc Trung nguyên và Cao nguyên Trung phần.

Trước tình hình nghiêm trọng ấy, vào ngày 2-2-1962 (6-1-Nhâm Dần), nhân danh Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã ký một lúc 2 văn thư gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và cho Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, trong đó có đính kèm một tập hồ sơ ghi hơn 50 vụ Phật giáo đồ bị khủng bố, đàn áp tại các tỉnh nói trên. Thế nhưng sự khủng bố, đàn áp lại càng diễn ra khốc liệt hơn. Vì thế, cuộc đấu tranh của Phật giáo giữa mùa hè năm Quý Mão (1963) đã bùng phát mạnh mẽ.

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết nghe thuyết trình về đồ án xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết nghe thuyết trình về đồ án xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Hai ngày sau vụ đàn áp đẫm máu tại Đài phát thanh Huế, bản Tuyên ngôn 5 điểm của 5 cấp Trị sự lãnh đạo Phật giáo Việt Nam được long trọng công bố tại chùa Từ Đàm vào ngày 10-5-1963, đã chính thức “mở màn” cho đại cuộc đấu tranh.

Suốt 178 ngày đêm diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo Việt Nam, trên cương vị lãnh đạo tối cao, ở tuổi 72, Hòa thượng vẫn dấn thân không mỏi mệt để dẫn dắt cho phong trào. Dù phải chịu đựng vô vàn gian khó, Hòa thượng vẫn luôn đồng cam cộng khổ cùng chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử để phong trào sớm ngày thành tựu.

Ngày 1-11-1963, cuộc đấu tranh thành công, mở ra cho Phật giáo Việt Nam con đường phát triển đầy sinh lực.

Ngày 4-1-1964, Đại hội của 11 giáo phái và hội đoàn Phật giáo long trọng tổ chức tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) đã đồng tâm nhất trí thành lập GHPGVN Thống nhất. Đại hội long trọng suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Đệ Nhất Tăng thống GHPGVNTN. Cũng trong năm Giáp Thìn (1964), Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu tại Đại giới đàn được tổ chức ở Việt Nam Quốc Tự (Sài Gòn).

Chín năm (1964-1973) ở ngôi vị lãnh đạo tối cao này, bằng uy đức và hạnh nguyện, Hòa thượng đã không ngừng kêu gọi chấm dứt chiến tranh, hóa giải hận thù và lập lại hòa bình để đem lại sự sống còn cho dân tộc, cho đất nước.

Năm 1968, Hòa thượng làm Đàn đầu cho Đại giới đàn tổ chức tại Phật học viện Hải Đức (Nha Trang).

Hơn 60 năm xả thân hoằng hóa, Hòa thượng đã thế độ cho gần 50 vị đệ tử xuất gia, truyền Ngũ giới và Thập thiện cho hàng vạn đệ tử tại gia. Trong hàng đệ tử xuất gia của Hòa thượng, có nhiều vị đã làm nên những sự nghiệp lớn lao cho ngôi nhà Phật giáo.

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết cùng chư vị môn đồ đệ tử tại tổ đình Tường Vân - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết cùng chư vị môn đồ đệ tử tại tổ đình Tường Vân - Ảnh: tư liệu gia đình bà Dương Cúc

Suốt những năm tháng ở ngôi vị lãnh đạo tối cao, Hòa thượng được chư tôn giáo phẩm cung thỉnh vào an trú trong các chùa viện lớn ở Sài Gòn như Xá Lợi, Ấn Quang, Quảng Hương Già Lam… để điều hành mọi Phật sự trọng đại của Giáo hội.

Cuối năm Nhâm Tý (1972), lúc đang ở Quảng Hương Già Lam, Hòa thượng tỏ ý muốn trở về Huế. Đến ngày 15-11-Nhâm Tý (20-12-1972), Hòa thượng rời Sài Gòn về Huế, tịnh dưỡng tại chùa Tường Vân. Trong thời gian này, Hòa thượng thường đi thăm viếng các tổ đình Từ Đàm, Quốc Ân, Bảo Quốc, Thuyền Tôn, Từ Hiếu, Kim Tiên… rồi đi thăm các Phật học viện và Ni viện ở Huế.

Đến ngày rằm tháng Giêng năm Quý Sửu (1973), pháp thể Hòa thượng khiếm an. Sau một tuần thuốc thang tịnh dưỡng, vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (25-2-1973), Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết an nhiên xả bỏ báo thân, thể nhập Niết-bàn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày