Đức Pháp chủ GHPGVN: Nên trân trọng nhớ ơn sự hy sinh của tiền nhân

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN quang lâm Việt Nam Quốc Tự sáng mùng 6 Tết Quý Mão (2023) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN quang lâm Việt Nam Quốc Tự sáng mùng 6 Tết Quý Mão (2023) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đầu xuân Quý Mão (2023), chư Tăng Ni thuộc GHPGVN TP.HCM đã vân tập khánh tuế Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN. Dịp này, ngài đã có những lời huấn thị sâu sắc.

Trước Tổ đường Việt Nam Quốc Tự, sáng mùng 6 Tết, sau khi tiếp nhận lời tác bạch, ngài đã có lời thăm hỏi quý vị Trưởng lão, chúc an lành và tinh tấn dõng mãnh đến Tăng Ni các thế hệ hiện diện.

Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị về những việc làm cần thiết để tri ân tiền nhân và ý thức sự kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam sau khi đại diện Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM tác bạch khánh tuế theo truyền thống thiền môn - Ảnh: Đăng Huy

Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị về những việc làm cần thiết để tri ân tiền nhân và ý thức sự kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam sau khi đại diện Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM tác bạch khánh tuế theo truyền thống thiền môn - Ảnh: Đăng Huy

Nhân năm Quý Mão, ngài nhắc lại lịch sử của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, đặc biệt kể đến công cuộc chấn hưng Phật giáo, cuộc tranh đấu bất bạo động phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo tại miền Nam 60 năm trước, bắt đầu từ mùa Đại lễ Phật đản Phật lịch 2507, cũng nhằm vào năm Quý Mão (1963).

Đức Pháp chủ nhận định tiến trình vận động và phát triển của Phật giáo Việt Nam theo quy luật nhân quả. Trong tương quan duyên khởi, ngài cho rằng không có sự kiện lịch sử nào là ngẫu nhiên, đồng thời nhấn mạnh đến công lao của các bậc tiền nhân, chư vị Tổ sư, Tăng Ni, Phật tử và tín đồ Phật giáo các thế hệ đã dày công để thiết định nền Phật giáo Việt Nam hiện hữu.

Không có công cuộc chấn hưng Phật giáo thì sẽ không có Tổng hội Phật giáo Việt Nam, không có cuộc tranh đấu bất bạo động trong Pháp nạn Quý Mão - 1963, không có 9 tổ chức, hệ phái đoàn kết và hòa hợp trong ngôi nhà GHPGVN ngày nay.

Đức Pháp chủ GHPGVN đặc biệt nhấn mạnh đến hành động vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức 60 năm về trước. Ngọn lửa Thích Quảng Đức không chỉ tiêu biểu cho tinh thần tranh đấu bất bạo động của Phật giáo trong Pháp nạn 1963 mà còn trở thành biểu tượng tâm linh của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

“Kế thừa di sản của lịch sử, tất cả Tăng Ni, Phật tử nên trân trọng truyền thống quý báu, sự hy sinh của các bậc tiền nhân Phật giáo Việt Nam đã để lại”, Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị cho Tăng Ni trong lễ khánh tuế ngài đầu xuân Quý Mão - 2023.

Chia sẻ thêm, ngài cho biết năm Quý Mão này không chỉ kỷ niệm đúng 60 năm Pháp nạn 1963, mà còn là dịp tưởng niệm 50 năm viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh (1877-1973), vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Tăng-già Nam Việt, bậc Giới sư, vị Thầy mở trường đào tạo nên nhiều vị thầy, nhà yêu nước can trường.

Năm Quý Mão - 2023 này cũng là thời điểm tưởng niệm tròn 50 năm viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1891-1973), Hội chủ đầu tiên của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, vị lãnh đạo tinh thần, người vạch đường hướng cho Phật giáo trong cuộc tranh đấu bất bạo động năm Quý Mão - 1963, đồng thời là vị Tăng thống đầu tiên của GHPGVN Thống nhất - một trong 9 thành viên sáng lập GHPGVN ngày nay.

Qua các lần lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế - quê hương của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, nơi xảy ra vụ triệt hạ cờ Phật giáo và thảm sát Phật tử trong mùa Phật đản năm Quý Mão - 1963, Đức Pháp chủ GHPGVN từng nhắc đến và gợi ý về những việc thiết thực cần phải làm để bày tỏ lòng tri ân đối với Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết cũng như các vị tiền nhân đã hy sinh cho Phật giáo.

Tại TP.HCM, ngài cũng đã huấn thị một số công việc nhằm tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh cũng như các bậc tiền nhân đã hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc, để lại di sản - các thiết định về tín ngưỡng, lễ nghi, lối sống cũng như nền tảng giáo lý, các pháp môn hành trì cho Tăng Ni, Phật tử kế thừa hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày