Tiểu sử HT Thích Huệ Hà

Tiểu sử HT Thích Huệ Hà
-Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.-Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu.-Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Cà Mau.-Hiệu trưởng Trường Cao – Trung cấp Phật học Tỉnh Bạc Liêu. -Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu-Trụ trì chùa Long Phước, phường 5, thị xã Bạc Liêu.-Trưởng ban Quản trị Quan Âm Phật Đài, phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu.

I.- THÂN THẾ :

 Hòa thượng THÍCH HUỆ HÀ, thế danh NGUYỄN GIANG HÀ, sinh năm Bính Tý (1936) tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình làm nông phúc hậu, có truyền thống tín ngưỡng lâu đời, giàu lòng tin Tam Bảo. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Mộ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Ngọc, xuất gia tu học, thọ giới Tỳ kheo Ni với pháp danh Thích nữ Như chiếu. Song thân Hòa thượng nguyên quán tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Hòa thượng là con trai thứ trong gia đình có hai anh em. Anh trai của Hòa thượng là ông Nguyễn Văn Mão cũng là tu sĩ xuất gia tại chùa Long Phước. Nhưng sau đó, theo tiếng gọi của non sông, anh trai của Hòa thượng đã lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh, được Tổ quốc ghi công Liệt sĩ.

II.- THỜI GIAN XUẤT GIA TU HỌC :

 Năm 1942, khi Ngài lên 07 tuổi, thân phụ không may mất sớm do cơn bạo bệnh, và cũng trong thời điểm đó, nước nhà gặp nạn ngoại xâm, toàn dân phải tham gia cứu quốc. Trước cảnh chinh chiến lửa binh, thân mẫu đã đưa hai anh em Ngài vào chùa Long Phước nương náu. Sau đó, anh Ngài là ông Nguyễn Văn Mão lên đường cứu quốc, còn Ngài vì tuổi nhỏ nên ở lại chùa và được Hòa thượng Trụ trì nuôi cho ăn học.

 Nhờ có sẵn hạt giống Bồ đề và nhân xuất gia từ thưở trước, nên sau một năm ở chùa, Hòa thượng chính thức xuất gia tu học, khi ấy Ngài vừa tròn 08 tuổi (1943). Cuộc đời và đạo nghiệp của vị chân tu bắt đầu từ đây.

 Năm 1951, sau nhiều năm xuất gia học đạo, Hòa thượng được Bổn sư cho nhập khóa Hạ đầu tiên tại chùa Lăng Ca, tỉnh Sóc Trăng.

 Năm 1952, Hòa thượng được thọ giới Sa di tại Giới đàn chùa Phước Hòa, tỉnh Sóc Trăng.

 Năm 1953, để mở mang tri thức Phật học, Hòa thượng Bổn sư giới thiệu cho theo học Phật học Viện Phước Hòa tỉnh Trà Vinh.

Năm 1957, sau khi học hết chương trình Sở đẳng Phật học tại Phật học Viện Phước Hòa, Hòa thượng được nhà Trường chuyển lên học chương trình Trung đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt – Chùa Ấn Quang, nhưng việc học bị dở dang do Pháp nạn năm 1963.

Năm 1963, khi Phật giáo gặp Pháp nạn, Hòa thượng tham gia chống chế độ Ngô Đình Diệm và bị bắt, bị giam cầm tại nhà tù Rạch Cát. Sau khi cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Viện Hóa đạo thành lập Phật học Viện Huệ Nghiêm. Hòa thượng tiếp tục học chương trình Cao Trung Phật học cho đến ngày mãn khóa năm 1967.

  Năm 1966, Phật học Viện Huệ Nghiêm tổ chức Đại Giới đàn Quảng Đức, Hòa thượng đã được đăng đàn thọ Cụ Túc giới.

III.- THỜI GIAN HÓA ĐẠO :

  Theo nhân duyên hóa đạo, năm 1966, Hòa thượng được Giáo hội của làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quận 5, Sài gòn. Sau ba năm hoạt động Phật sự, Hòa thượng đã xây dựng được nhiều cơ sở tự viện, gây dựng được phong trào tu học cho đồng bào Phật tử tại đây.

 Đến năm 1969, theo yêu cầu của Thầy Tổ, Hòa thượng trở về Bạc Liêu nhận nhiệm vụ Trụ trì Tổ đình Long Phước cho đến ngày xả bỏ báo thân.

 Kể từ khi trở về Bạc Liêu, với trách nhiệm trụ pháp vương gia, trì Như Lai Tạng và bằng sở học, sở hành của bậc chân tu, đạo hạnh, đạo phong trang nghiêm, Hòa thượng đã được Giáo hội, Tỉnh hội công cử và cung thỉnh vào các chức vụ lãnh đạo Phó Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu.

 Đến năm 1975, nước nhà được độc lập, giang sơn nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tháng 11/1981 thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Tỉnh Minh Hải lần thứ I, với đức độ và uy tín sẵn có, nhất là với cương vị hiện tại, Hòa thượng đã được Tăng Ni, Phật tử cử làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Thị xã Bạc Liêu.

Năm 2001, sau khi tỉnh Minh Hải tách thành 2 tỉnh theo địa giới hành chính mới là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, tại Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu lần thứ I, Hòa thượng đã được suy cử vào ngôi vị Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu cho đến ngày viên tịch.

Năm 2008, Hòa thượng Thích Thiện Từ - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Cà Mau viên tịch, Hòa thượng lại được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Cà Mau cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Cà Mau.

 Đặc biệt, với công đức, tinh thần và trách nhiệm của hàng lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ V (2002) tại Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được Đại hội suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày an trú Niết bàn.

 Bằng Tâm đức và Tuệ đức của bậc xuất gia, là bậc sứ giả Như Lai, với trách nhiệm đào tại Tăng Ni tài đức, thực học, thực tu để phục vụ cho các hoạt động của Giáo hội và Tỉnh hội, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức giáo phẩm thành lập Trường Cao – Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu, Hòa thượng được cung thỉnh làm Hiệu trưởng.

Với đức độ trang nghiêm, thanh tịnh, kể từ khi Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải được thành lập, cho đến khi Minh Hải chia tách thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, trong nhiều nhiệm kỳ liền, trong những Đại giới đàn, Hòa thượng đã từng làm Giới sư để truyền giới cho Tăng Ni Giới tử tu học.

Trong ý nghĩa trang nghiêm Phật cảnh, là trang nghiêm tịnh độ tại thế gian, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo Tổ đình Long Phước ngày càng trang nghiêm, với nhiều cảnh quan thanh lịch, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội Phật giáo tại địa phương; đồng thời để có nơi cho đồng bào Phật tử, bá tánh thập phương có nơi chiêm bái Bồ tát Quán Âm, Hòa thượng đã hoan hỷ đảm nhận công tác Trưởng Ban Quản Trị Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu.

 Qua 74 năm hóa đạo, Hòa thượng đã thế độ cho một số lớn đệ tử xuất gia, về sau trở thành Pháp Khí Đại Thừa, hữu ích cho đạo pháp và chúng sinh. Đồng thời, quy y truyền giới cho hàng trăm Phật tử phát tâm lãnh thọ giới pháp và trở thành những Phật tử nhiệt tâm hộ trì Tam bảo.

Với công lao to lớn mà Hòa thượng đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội, vì thế, trong hơn 20 năm liền, Hòa thượng đã được nhân dân và đồng bào Phật tử tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm bầu làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh và Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong nhiều khóa liên tiếp.

 Để ghi nhận những đóng góp cao quý của Hòa thượng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, Hòa thượng đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trao tặng Huy chương “Vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” và nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trao tặng. Đồng thời, Hòa thượng cũng đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức cho những đóng góp trong việc xây dựng trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng.

IV.- THỜI KỲ VIÊN TỊCH :

  Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng hai con đường Hoằng pháp, Giáo dục và từ thiện xã hội. Hòa thượng là vị Luật sư, Giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử, là bậc thạch trụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tàng cây đại thọ, là kim chỉ nam định hướng của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

 Những tưởng, trên bước đường phụng sự đạo pháp và chúng sinh, Hòa thượng còn thác tích lâu hơn nữa, để làm bóng cây che mát cho Tăng Ni, Phật tử, làm bóng cây đại thụ trong chốn tòng lâm và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nào ngờ đâu Hòa thượng đã theo định luật vô thường, xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 08giờ00, ngày 29 tháng 4 năm 2009, nhằm ngày 05 tháng 4 năm Kỷ Sửu. Trụ thế 74 năm, Hạ lạp 43 năm.

Thế là Hòa thượng hóa duyên đã mãn. Ngài đã trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của hàng pháp hữu trong chánh pháp, Tăng Ni, Phật tử Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quả thật:

“Từ Chân như Ngài đến Ta bà,

Nay viên tịch trở về

Chín phẩm Tông phong

Tổ ấn gởi lại hồng trần Giáo hội,

Môn đồ nghìn thu vĩnh biệt”.

            Phụng vị Việt Nam Phật giáo Giáo hội Trị sự Hội đồng Ủy viên, Bạc Liêu Phật giáo Tỉnh hội Trị sự Ban Trưởng ban, Long Phước đường thượng trú trì, Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập nhị Thế, thượng Huệ hạ Hà, Pháp húy Lệ Hồng, Nguyễn Công Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT MA HA TÁT.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày