Tiểu thư con cụ Thượng thư Bộ Học

GN - Con gái út của cụ Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung là bà Hồ Thị Hạnh, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1905, hiệu là Nhất Điểm Thanh, người làng An Truyền. Hồ Thị Hạnh là thế danh của Sư bà Diệu Không.

An Truyền là một làng chài, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, nằm trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cách thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông nam.

Cha bà là một trong 4 vị quan lại lớn nhất của triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Thành Thái, Khải Định.

Thượng thư Hồ Đắc Trung khởi đầu đường quan lại bằng việc được bổ vào Nội các, rồi thăng Tri phủ, Viên ngoại Cơ mật, Hộ lý Võ khố, Lịch ly Tuần vũ Hà Tĩnh, Tổng đốc Nam - Ngãi, Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Học Bộ Thượng thư, Kiêm lý Hộ Bộ, tấn phong “Khánh Mỹ tử”, sung Cơ mật Đại thần, cải Lễ Bộ kiêm Công Bộ, thăng Đông các Đại học sĩ; tháng 3 năm Bảo Đại thứ 5 trí chánh, tấn phong “Khánh Mỹ bá”.

Tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 15, gia phong “Khánh Mỹ hầu”. Trong một sắc chỉ của vua ban cho ông vào năm 1922 có ghi lại các chức vụ mà ông đã trải qua:

“Nay ngươi Khánh Mỹ tử Hồ Đắc Trung, Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Lễ kiêm trông coi Bộ Học, sung đại thần ở Cơ Mật Viện, Tổng tài ở Quốc Sử Quán, kiêm cai quản Khâm Thiên Giám, kiêm quản Quốc Tử Giám:

Tri thức uyên bác - Mưu tính sâu xa,
Văn chương đức hạnh kiêm gồm mẫu mực cho quan lại của miếu đường,
Phò tá mưu toan đúng là cột rường có khả năng điều động.
Theo giúp chẳng hề đổi tiết - thấm đầy ân trạch vua ban,
Nay được trọng vọng thường ngày tán trợ quân vương,
Chỉ lấy đức hiền là trụ cột trông coi gánh vác,
Khiêm trinh đã rõ - ân sủng nên tăng.
Nay đặc thụ đặc tấn Vinh lộc Đại phu Đông các Đại học sĩ.
Ban cho cáo mệnh
Để ngươi: Cung kính gắng sức cùng sửa sang mưu tính
Chăm lo trị nước để việc nước hoàn thành
Một người an vui - trăm đời để tiếng”.

19.jpg

 Tiểu thư Hồ Thị Hạnh

Mẹ bà là Quận phu nhân Châu Thị Ngọc Lương, người làng An Lai, huyện Hương Trà. An Lai là một làng mà trong Ô châu cận lục của Dương Văn An được viết vào năm 1553 đã mô tả làng này là một vùng đất mà “Hàm Nhược giữ nếp cùng chung sống, Tòng Chất thì phong tục bỏ xa hoa, Thượng Xá thấm ơn giáo hóa, Hữu Đăng thoát nỗi cơ hàn, Dân Duyệt đều nhờ ơn đức, An Lai vui lập công lao, Văn Yến có phẩm chất tốt tươi văn sĩ... Có cảnh ấy tất có người ấy. Trời và cảnh cùng tươi mới, cảnh và người cùng hòa hợp... Riêng mảnh đất địa linh này đã un đúc nên nhân vật, phẩm chất ngay thẳng, rèn luyện chân thành, học nghiệp tinh thông...”.

Bà Lương là con gái thứ 18 của ngài Châu Văn Khoa và bà Trần Thị Uyển. Bà Lương sanh năm Ất Sửu (1865) thuộc vào đời thứ 6 trong Châu phái gia phổ thuộc Đệ tam phái làng An Lai, tỉnh Thừa Thiên.

Ngài Châu Văn Khoa tên húy là Liêu, nguyên là Hồng lô tự khanh, sung Dinh điền sứ, Thị lang Bộ Hộ, hiệu là An Xuyên Phủ Quân. Ông có tất cả 21 người con.

Sư bà Diệu Không là cháu của Sư bà Diên Trường - người đã lập một thảo am trên đồi Dương Xuân thượng, thôn Thuận Hòa. Thảo am ấy chính là tiền thân của tổ đình Trúc Lâm Đại Thánh sau này. Các anh bà gồm có: ông Hồ Đắc Khải (Thượng thư Bộ Hộ), Hồ Đắc Điềm (Tổng đốc Hà Đông), Hồ Đắc Di (Giáo sư Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội), Hồ Đắc Liên (Kỹ sư Khoáng chất), Hồ Đắc Ân (Giáo sư Trường Đại học Dược khoa Sài Gòn); em trai là Hồ Đắc Thứ, và một người em trai khác cùng cha khác mẹ là cụ Hồ Đắc Hoải (tự Huỳnh Văn Xuất) vào Nam lập nghiệp từ lúc nhỏ. Các chị là bà Hồ Thị Lang, Hồ Thị Huyên (Sư bà Diệu Huệ), Hồ Thị Chỉ (vợ Hoàng đế Khải Định) và bà Hồ Thị Phương (Sài) - một dì vãi của các chùa ở Huế…

Lúc nhỏ, Sư bà được cha cho học chữ Hán với các anh chị em trong nhà. Lớn lên học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Vốn tư chất thông minh, tính tình lại hiếu hòa và thích hoạt động từ thiện xã hội. Các thành viên trong gia đình bà được cha là quan Đại thần Hồ Đắc Trung mô tả qua bài thơ nhân ngày sinh nhật 80 của ông - bài thơ “Đố nhà ai”:

“Chồng vợ nay đã đặng tám mươi
Mười con: bốn gái, sáu con trai
Trai đầu khoa bảng quan nhị phẩm
Gái thứ Cung phi Đệ nhất giai. Ba gái gả nơi sang quý cả
Năm trai đều đậu đại khoa rồi
Một nhà hiếu đạo đều đầy đủ
Trung phần đây biết đố nhà ai?”.

Năm 1929, bà kết duyên với ông Cao Xuân Xang - Thương tá Cơ mật viện (lúc này ông Cao Xuân Xang vợ chết đã 3 năm, để lại 6 con nhỏ).

Năm 1930, bà sinh hạ được một con trai là Cao Xuân Chuân. Cùng trong thời gian này, chồng bà từ trần vì bệnh lao phổi.

Mới 24 tuổi đã phải sống cuộc đời góa bụa với bảy đứa con (6 của bà vợ trước và 1 đứa con mới sanh). Bà trọn đạo thủ tiết thờ chồng nuôi con.

Những người bạn quen thân với bà, người Việt cũng như Pháp đều rất ngạc nhiên trước lối sống cương nghị theo đúng tinh thần Nho giáo của một phụ nữ trẻ và quyền quý mà gia đình cha là bố vợ hoàng đế, các anh chị đều là những nhân vật lừng danh thời bấy giờ. Có một vài bà quen thân thường đến tâm sự cùng bà thì được bà trả lời:

- Tinh thần phụ nữ Á Đông là như vậy. Người phụ nữ Việt Nam, trước một lời đã hứa thì không bao giờ thay đổi.

Bà đã hứa với gia đình chồng là: “Một đàn con bảy đứa, không mẹ, không cha. Chúng đã gọi mình bằng mẹ, thì không thể nào không làm tròn trọng trách; vả lại, những gương nữ lưu Việt Nam đã để lại cho chúng ta soi là: “Tiết Hạnh Khả Phong”, thì chắc chắn chúng tôi phải học theo cho bằng được”.

Bà giáo dục con cái rất nghiêm với tình thương yêu của một người mẹ, không có sự phân biệt giữa con riêng, con chung. Các con rất kính phục và nhiều người hàng xóm hay trong tầng lớp giới thượng lưu danh gia vọng tộc đều ca tụng bà, bà cho rằng:

- Tôi gắng làm được như vậy là nhờ tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo.

Tinh thần dân tộc, đầu óc canh tân xứ sở rất cao. Bà đã lập ra cửa hàng Nam Hóa ở cửa Thượng Tứ - Huế để kêu gọi quần chúng bản tỉnh nên dùng đồ nội hóa, lập hội đấu xảo tiểu công nghệ cho giới phụ nữ ở số 2 đường Lê Lợi - Huế. Các việc làm này gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng địa phương thời đó.

Hàng ngày, ngoài hoạt động xã hội từ thiện, công việc gia đình con cái, bà vẫn dành nhiều thời gian đến chùa lễ bái, làm công quả, học giáo lý.

Khi các con khôn lớn, bà từ từ bỏ cuộc sống thế tục để chuẩn bị cho việc xuất gia. Giao phó công việc gia đình cho cô con gái thứ năm và bước vào cửa thiền rất dõng mãnh.

Mùa xuân năm Nhâm Thân (1932), bà lên cầu pháp với Tổ Giác Tiên ở tổ đình Trúc Lâm, được Hòa thượng truyền thập giới làm Sa-di-ni với pháp tự Diệu Không, pháp danh Trừng Hảo, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42.

Bà là vị Ni độc nhất được tham dự vào lớp học ở chùa Trúc Lâm do ngài Phước Huệ giảng dạy, trong lớp chỉ toàn các vị tăng là các thầy như: thầy Mật Khế, thầy Đôn Hậu, thầy Vĩnh Thừa, thầy Mật Hiển, thầy Mật Nguyện và bác sĩ Lê Đình Thám…

Cuối năm 1932, bà ở chùa Khải Ân thuộc làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, quận Nam Hòa (chùa này do bà Hồ Thị Chỉ - Đệ nhất giai phi của vua Khải Định và cũng là chị ruột của Sư bà lập nên năm 1924), để cộng trú với Sư bà Thể Yến, Sư bà Hướng Đạo (tức Sư bà Diệu Viên).

Ở miền Trung khởi đầu đã có lớp học dành cho các Ni tại chùa Từ Đàm do phu nhân cụ Ưng Đàm tổ chức trước năm 1938, sau đó dời về chùa Diệu Đức. Đảm trách giảng dạy có Sư bà Diệu Hương làm Đốc giáo và bà Cao Xuân Xang (sau này là Sư bà Diệu Không) giảng dạy.

Sau khi thọ giới Sa-di-ni, Sư bà Diệu Không góp công sức vào xây cất Ni viện Diệu Đức, đó là Ni viện đầu tiên cho nữ giới tại Huế. Sư bà còn góp phần sáng lập và trùng tu nhiều chùa Ni và tịnh viện khác tại Thừa Thiên Huế như: Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; trùng tu, kiến tạo nhiều Ni viện tại các tỉnh thành khác như: Bảo Thắng (Hội An), Bảo Quang (Đà Nẵng), Tịnh Nghiêm (Quảng Ngãi), Ni viện Diệu Quang (Nha Trang). Tại miền Nam, Sư bà là người góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, cùng các Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp tại Sài Gòn, Hố Nai, Long Thành…

Năm 1941, cụ Thượng thư qua đời ở tuổi 81 chính là dấu mốc quan trọng đối với gia đình khi các anh chị em của Sư bà rời khỏi Huế đi định cư ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang… Ngôi biệt thự nguy nga hoành tráng trên đỉnh đồi Dương Xuân bị phá tan trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến vào khoảng năm 1950, nay chỉ còn là cái nền nơi tọa lạc ngôi mộ của Sư bà sau này.

Năm 1952, Sư bà góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách Phật giáo và nguyệt san Liên Hoa, do Hòa thượng Đôn Hậu làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Tâm làm Chủ bút, Sư bà làm Quản lý và Biên tập viên. Đây là tờ báo Phật giáo sống lâu nhất tại miền Trung. Sư bà còn góp công rất nhiều trong việc xây dựng viện đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh, cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Nhất Hạnh và cư sĩ Ngô Trọng Anh… là những vị khai sáng đầu tiên.

NtDieuKhong.jpg

Sư trưởng Diệu Không tại Ni viện Diệu Quang (Nha Trang) năm 1956

Năm 1963, trước chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, Sư bà vào Nam tổ chức biểu tình trước Dinh Độc Lập để đòi quyền bình đẳng tôn giáo, và đã xin phép được tự thiêu để bảo vệ Chánh pháp nhưng Giáo hội không chấp thuận.

Năm 1964, Sư bà dựng chùa Diệu Giác ở Thủ Đức. Khi Đại học đường Vạn Hạnh xây dựng quy mô lớn hơn, Sư bà cũng tích cực góp phần không nhỏ.

Năm 1965-1966, lại một lần nữa Sư bà dấn thân cho cuộc tranh đấu đòi dân chủ dân quyền.

Năm 1967, tạo lập tịnh xá Kiều Đàm ở đường Công Lý - Sài Gòn. Sau đó Sư bà về Huế để lo phần ngoại hộ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa Thiên Huế mở lớp Chuyên khoa Phật học nội trú Liễu Quán bốn năm.

Năm 1968, Sư bà xây cất Cô nhi viện Bảo Anh ở Tây Lộc - Huế và Cô nhi viện Diệu Định ở Đà Nẵng, để có nơi nuôi dưỡng con em mồ côi do cuộc chiến gây ra.

Năm 1970, Sư bà cho sửa sang lại nhà in Liên Hoa thành tịnh xá Kiều Đàm để làm nơi cho Ni chúng tu học. Sư bà còn cho mở các chương trình đào tạo cán bộ y tế cấp tốc, và cho thành lập các trạm y tế Hồng Ân, Diệu Đế, Hòa Lương…

Năm 1970, Sư bà cho lập đội y tế lưu động đi đến các trại tị nạn, các làng quê nghèo hẻo lánh để khám bệnh, phát thuốc, cứu đói... giải quyết trực tiếp cho đồng bào địa phương. Trong thời gian ấy, tôi được Sư bà giao cho nhiệm vụ điều hành kế hoạch hoạt động của đội này. Tôi đi khắp các vùng ngoại ô chung quanh thành phố Huế mỗi Chủ nhật để làm công tác từ thiện đó. Lúc đầu, kho thuốc đặt ở chùa Hồng Ân, về sau chuyển về chùa Diệu Đế. Nhóm y tế gồm có 10 tình nguyện viên và 2 Ni sư. Đội y tế hoạt động chừng vài năm thì thuốc men và phẩm vật cứu trợ đã rất dồi dào, do Phật tử quyên góp ủng hộ.

Trước khi ngọa bệnh, nơi thường trú của Sư bà tại chùa Hồng Ân hay ở tịnh xá Kiều Đàm chỉ là một căn phòng nhỏ khiêm tốn. Có một lần vào năm 1978, sau một cơn bệnh những tưởng Sư bà đã qua đời may nhờ được chư Tăng vây quanh tiếp dẫn. Nhưng khi thời kinh hộ niệm chấm dứt, Sư cô Bảo Châu đau đớn khóc thét lên, Sư bà dần dần tỉnh lại. Cách 2 tháng trước khi qua đời, Sư bà còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo hội để sử dụng làm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Những người bà con ruột thịt của Sư bà còn sống tại Huế sau năm 1950 là bà Ân Phi vợ vua Khải Định, Sư bà Diệu Huệ, dì vãi và em trai của Sư bà cùng các con cháu, trong đó có tôi.

Sư bà viên tịch vào lúc 2 giờ ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu, tức 23 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 hạ lạp.

Nhân ngày húy kỵ của Sư bà, môn đệ Hồng Ân tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm ngày Sư bà viên tịch, tôi xin ghi lại những kỷ niệm về Sư bà, cũng là người cô ruột của tôi, người chị ruột của thân phụ tôi, như một nén nhang để tỏ lòng tưởng nhớ đến công đức của Sư bà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày