Tim bạn có nhói đau?

GNO - Tim bạn có nhói đau khi đọc báo và xem video clip về bé gái Duyệt Duyệt (2 tuổi) ở TP.Phật Sơn (Trung Quốc) bị hai chiếc xe cán lên người hai lần và gần chục người đi ngang qua vô cảm; cho đến khi có một người nhặt rác (59 tuổi) - bà Trần Hiền Muội đi tới xốc bé dậy, hô hoán và cha mẹ em mới đưa em đi cấp cứu?

>> Nghĩ: Ai điên, ai không? 

Tình hình của bé Duyệt Duyệt rất nguy kịch, tiên liệu xấu! Đó là tin tôi mới đọc sáng nay, bạn có thấy tim mình nhói lên khi đọc về thông tin ấy? Tôi thấy tim mình nhói lên, càng đau hơn khi xem clip về việc bé bị cán và sự vô cảm, thờ ơ của mọi người lần thứ hai trên mạng internet.

526257.jpg

Bé Duyệt Duyệt đang được chăm sóc ở Bệnh viện Quân y Quảng Châu - Ảnh: ifeng.com

Cái nhói nơi tim là vì nỗi đau của cháu bé tội nghiệp, đáng thương khi bị xe cán đến hai lần (1 lần/2 bánh xe của chiếc đầu tiên và 1 lần/chiếc thứ hai). Thịt da ai cũng là người, cũng biết đau đớn mà, phải không? Vâng, đương nhiên khi bị xe cán lên mà sao không đau cho được. Tôi thử quán và thấy đau khắp toàn thân, không thể tưởng tượng nổi.

Hôm qua, khi xem đoạn clip kinh hoàng ấy, một vị thầy đồng nghiệp đã rợn người, thể hiện nỗi đau và cái nhói tim trước đồng loại của mình. Với tôi, đó là cái đau của lòng từ được phát khởi một cách tự nhiên khi mình thấy được cảnh đau khổ, xót xa của đồng loại, thậm chí là chúng sanh trong những cõi giới khác mà mình thấy hoặc không thấy. 

Nếu đối trước nỗi khổ đau của đồng loại, chúng sinh mà tim mình không rung lên, thì đừng nói chi xa xôi đến chuyện giải thoát.

Tim bạn có nhói đau không khi bạn đọc được những đồng cảm và sẻ chia của hàng triệu người, không chỉ là người trong đất nước Trung Quốc (mang danh đồng bào) mà còn khắp năm châu. Thế giới thu hẹp lại trên màn hình, sự truyền tin cũng nhanh theo tốc độ từng giây nên sự xót xa, thương cảm và có cả luồng “điện” phẫn nộ trước sự vô cảm cũng được truyền đi nhanh chóng như thế trên phạm vi toàn cầu. Cái nhói ở tim còn là biểu thị của sự truyền tâm nơi những con người với nhau trước nỗi đau và sự vô cảm.

Nhói tim vì tự hỏi về lương tâm và trách nhiệm cộng đồng trước những bất trắc và nỗi đau của người khác ở quanh mình, ngay trước mắt mình. Nhói tim còn vì “luật” bất thành văn của giới tài xế, những “anh hùng xa lộ” là nếu lỡ cán người bị thương thì quay lại cán cho chết bởi như thế bồi thường ít hơn. Quá đau cho lương tâm con người, dẫu đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua nơi những “kẻ sát nhân” cũng là người ôm vô-lăng!

Và lại thấy nhói đau vì khi xã hội càng phát triển, đồng tiền phủ mờ lý trí đến nỗi người ta trở nên lạnh… như tiền trước mọi thứ. Thậm chí chấp nhận một lối hành xử “ngắn ngủn” tình người một cách công khai, một cách trắng trợn trên đường. Thứ văn hóa cộng đồng, văn hóa đối đãi nhân văn giữa người với người trong phạm vi gần gũi như là “cứu một mạng người hơn xây bảy phù đồ” đã không còn trong đời sống nhân gian? Nếu không xót xa và không nhói tim trước những cách hành xử này thì e rằng đến một ngày mình cũng sẽ lạnh lùng, vô cảm.

Và đó có bao giờ bạn nghĩ tâm-ý đó cũng là “hạt giống” để một ngày mình rơi vào trạng huống tương tự? Có bao giờ bạn tự nghĩ: con em mình rơi vào trường hợp như Duyệt Duyệt hoặc nhiều nhiều những nạn nhân trên những cung đường khác? Nếu có, thì lòng bạn sẽ thế nào nếu cũng “nhận” được sự vô cảm, lạnh lùng ở tài xế và người đi đường?

Lưu Đình Long

_________

>> Xem thêm bài tường thuật & clip trên Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày