GN - Nuôi chồng, nuôi con bị bệnh tâm thần, gánh hết công việc mưu sinh, vất vả trên vai nhưng bà Lê Thị Ảnh vẫn ôm chồng, ôm con vào lòng chứ nhất quyết không đem chồng, con của mình gửi vào trung tâm tâm thần.
Tuổi đã xế chiều, lưng bắt đầu đau, mắt bắt đầu mờ, chân yếu nhưng bất kể ngày nắng, ngày mưa bà vẫn chạy từng bữa cơm cho cả gia đình. Nghĩa sắt son với chồng, tình yêu con không bờ bến ở nơi bà đến mức “có chịu đau khổ, có phải hy sinh tất cả, kể cả đánh đổi tính mạng của mình để chồng con khỏe mạnh thì tôi cũng chấp nhận” làm nhiều người không khỏi xúc động, chạnh lòng.
Mẹ và những đứa con tâm thần
Đến ấp 3, khu 7, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hỏi nhà của bà Ảnh, vợ chú Ba To, nuôi chồng con bị bệnh tâm thần, không ai là không biết. Lấy chồng từ thuở đôi mươi, sanh được hai người con thì chồng bệnh tâm thần, một mình bà phải cáng đáng hết gia đình, lo chồng, lo con.
Nỗi đau nhân lên gấp bội khi bệnh người chồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thì con trai lớn tên Hải cũng nối gót, bệnh như ba; con trai út tên Hiếu cũng bắt đầu khù khờ. Cũng may, bà con láng giềng thương, có việc gì cũng dành cho bà nên mỗi tháng bà kiếm được vài trăm ngàn. Đứa con trai út của bà mặc dù không lanh lẹ như người ta nhưng mấy năm nay được người quen dẫn đi làm, một tháng gửi về cho bà năm, ba trăm phụ mẹ lo tiền ăn uống cho ba và anh.
Những lúc bình thường, anh Hải tỏ niềm yêu thương mẹ
Thương đứa con út thiệt thòi, khù khờ mà phải xa mẹ đi làm xứ người nên bản thân bà không sá gì mưa gió, khó nhọc, làm gì có tiền là bà làm tất. Ngày trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy nên cơ thể bà ngày càng xanh xao. 56 tuổi mà nhìn bà như 80, bản thân ốm yếu đáng lẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng điều đó với bà là không thể!
Căn nhà của bà ở giữa cánh đồng trống huơ. Chúng tôi đến nhà, hỏi anh con trai có mẹ ở nhà không? Anh Hải ngơ ngác chạy khắp nhà, rồi ra vườn kêu “bà già ơi, có bác sĩ đến cho thuốc”. Hỏi ra mới biết, bất cứ ai lạ mặt đến nhà tìm mẹ anh, anh đều cho là bác sĩ và chào hỏi như đứa trẻ lên năm, mặc dù tuổi đời của anh đã 36.
Trong ngôi nhà tường, tráng nền xi-măng mà bà được trao tặng, mọi thứ đều ngổn ngang. Cái ti-vi lúc coi được, lúc không; đầu máy thì bị tháo manh mún, đấy chính là kết quả sau những ngày anh Hải muốn làm thợ sửa điện. Ngăn bếp bộn bề các hũ gia vị, gạo rớt vương vãi vì anh muốn tự nấu cơm để mẹ làm vườn xong có cơm ăn, khỏi phải nấu cực khổ. Lòng hiếu thảo và sự ngô nghê của anh, ai thấy cũng phải chạnh lòng. Anh nào biết được, sự nhiệt tình của mình làm mẹ vất vả thêm, vậy mà với mẹ anh thì đó là niềm vui; nhìn thấy anh làm, bà chỉ cười rồi động viên, khen anh hôm nay sao mà ngoan, giỏi.
… Tình yêu thương như mạch suối nhỏ
Nhắc đến bà, những người trong xóm đều dành nhiều tình cảm. Một chú trung niên trong xóm nói: “Thấy thương lắm, bà ấy ốm nhom mà lo cho hai người khùng; người bình thường làm có khi không nổi, vậy mà bà ấy làm suốt mấy chục năm nay. Tội nhất là mỗi lần thằng Hải đi giáp xóm thấy ai cưới vợ, nó cũng về kêu mẹ nó đi cưới vợ cho, không đi nó chửi cùng trời.
Nhiều người trong xóm khuyên đưa nó vào trung tâm để người ta chữa, thương con bà cũng dẫn nó đi, rồi lại dẫn nó về. Ai hỏi thăm bà cũng nói: để nó ở trung tâm, không biết người ta có lo cho nó đàng hoàng không. Thôi thì cực đã cực rồi, cực nữa không sao; miễn sao mẹ con sớm tối có nhau là được”.
Đối với con đã vậy, đối với chồng, bà còn nặng tình hơn. 35 năm chồng bệnh là chừng ấy năm bà ở bên, lo cho chồng không lỗi bữa nào. Chồng bệnh nặng, ở cách ly một mình trong căn chòi được che chắn khá cẩn thận bằng tiền của bà lặn hụp mấy mùa cấy mướn và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Đều đặn ngày ba bữa cơm, bà lo rất chu toàn.
Có những buổi tối trời mưa, thấy bà rọi đèn pin ra chòi xem chồng mình ngủ chưa, người ta đi soi, thấy vậy đều kêu bà vào nhà, mưa gió đi té thì khổ nhưng bà vẫn quyết đi. Bao giờ thấy chồng nằm ngủ, bà mới yên tâm về căn nhà hai mẹ con ở. Thương bà đêm ngày gồng gánh nuôi chồng con, ai cũng khuyên bà đem chồng đi gửi nhà thương điên cho nhẹ gánh, nhưng bà nhất quyết không chịu vì cái tình, cái nghĩa: “Dù gì đó cũng là chồng mình, có khùng điên gì cũng là chồng mình”. Cứ vậy mà bà ôm hết nỗi đau, ôm chồng, ôm con vào lòng chứ không bao giờ có ý niệm bỏ mặc hay rời xa!
Cái cách mà bà thương con, thương chồng dạn dày vô cùng, dường như lúc nào người phụ nữ này cũng chỉ biết có chồng, con mà thôi. Hỏi cô, những lúc chồng, con lên cơn thì cô xoay xở như thế nào? Lặng người một chốc rồi bà tâm sự: “Mình chịu đấm ăn xôi; vừa niệm Phật, vừa nói chuyện nhỏ nhẹ, lấy nước cho uống rồi ngồi dỗ dành. Với chồng thì kể cho nghe những chuyện vui, đại khái là con gà đẻ trứng, con vịt đẻ con gì đó; còn với con thì dụ con đọc kinh để cưới được vợ. Mình nói chuyện tình cảm một chút là cơn khó chịu của chồng, con từ từ lắng xuống”.
Cứ như vậy mà ngày này qua tháng nọ, tình yêu thương của bà như mạch suối nhỏ lặng lẽ chảy âm ỉ về nguồn, tạo nên dòng sông hiền hòa, êm ả làm dịu mát những “ngọn lửa” đang thiêu đốt trong tâm hồn chồng, con. Những điều thiêng liêng này, liệu pháp hữu hiệu này không ai chỉ dạy cho bà mà chính vì thương chồng, con bà mới nghĩ ra.
Hạnh phúc trong cái nghèo
Người thân của gia đình bà bảo, khi lên cơn điên, anh Hải chửi mẹ nhiều lắm, quậy cũng nhiều, đòi ăn đủ thứ nhưng khi cơn đau trôi qua, anh hiền lành vô cùng. Lúc mẹ bệnh, Hải tự nấu cơm cho mẹ ăn, thường là nồi canh rau với những lá úa, kèm những cọng rơm mà anh không có ý thức rằng phải loại bỏ nó đi. Anh nấu cơm, canh rồi tự động đem ra căn chòi cho ba ăn. Người thăm ruộng đi ngang, thấy cảnh hai người đàn ông bệnh tật nói chuyện với nhau, mà chỉ biết lắc đầu, vì hai cha con tranh nhau nói, còn nói bằng thứ ngôn ngữ gì, người bình thường không thể hiểu nổi.
Bà Ánh chăm sóc chồng
Cả nhà chung một nỗi đau nhưng dường như, tình yêu thương của các thành viên trong gia đình không hề thiếu. Ngày nào không lên cơn, thấy trời sụp tối, anh Hải giục mẹ “tối rồi, không đem cơm cho ông già, lát đói khóc cho coi”.
Mặc dù từ chỗ nhà đến chỗ ba anh không bao xa, anh phải lần quần, đi tới đi lui vài bận mới định hướng đường đi nhưng khi đến nơi, thấy ba cứ nói chuyện bâng quơ, như bản năng, anh bưng tô cơm lên múc đút cho ba mình như cách mà mẹ anh vẫn thường làm với anh. Anh nói, “đút được một muỗng cơm là làm đúng chánh giác” rồi anh hát, đọc một tràng, vanh vách những câu kinh Vu lan mà anh thuộc lòng trong vô thức sau ba năm ở chùa trị bệnh.
Bữa cơm nghèo của gia đình đặc biệt này chỉ lỏng bỏng canh rau, vài con cá khô nhưng ấm áp, bình yên một cách lạ thường. Thấy ba ăn cơm, anh reo lên “ông già ăn rồi bà già”. Nghe con nói, bà đáp lại con bằng nụ cười rất tươi, nụ cười mãn nguyện của người phụ nữ đã chịu quá nhiều gian khổ.
Hình ảnh này, khoảnh khắc này làm nhiều người vừa cảm thấy nao lòng, vừa cảm nhận rõ niềm hạnh phúc rất đỗi bình yên của bà. Có lẽ với người phụ nữ này, giữa mênh mông của cuộc sống, hạnh phúc đơn giản chỉ cần như vậy là đã đủ; mặc dù những ngày sắp tới của bà còn rất dài, còn rất nhiều nỗi lo…