GN - Nhận tiền nhuận bút xong, tôi thả tà tà đến quán cà-phê. Tại đây tôi gặp cô Oanh, chú Út và chú Hữu, là cán bộ Hội Phụ nữ, Chữ thập đỏ và Người cao tuổi ấp. Chào hỏi nhau xong, Oanh cho tôi biết ông Ba Tỵ và bà Năm Đông bị tai nạn ở núi Sam năm ngày trước, hiện đang điều trị tại bệnh viện huyện, cô và hai người bạn được Ban Nhân dân ấp cử đi mua quà vào thăm họ.
Ba Tỵ là người khá giả, thu nhập mỗi năm một hai trăm triệu đồng, nhà cửa khang trang, con cái tương đối thành đạt. Ông được nhân dân trong ấp bình bầu là nông dân sản xuất giỏi, được chánh quyền địa phương khen tặng gia đình văn hóa, mẫu mực.
Là tín đồ đạo Phật, ăn chay trường, kính Phật trọng Tăng nhưng ông còn thờ cúng đủ thứ thần linh và tin tưởng vào số mạng, tử vi, bói toán… thỉnh thoảng tổ chức “đi núi” cùng hàng xóm láng giềng đến các đình chùa, đền miếu ở Thất Sơn cúng bái, nguyện cầu chư Phật và thần linh ở đó ban phước lành và tài lộc cho họ.
Hôm ông Ba Tỵ và khoảng mười người chuẩn bị hành lý “đi núi” thì cô Oanh và chú Út từ ngoài cổng đi vào vận động ông quyên góp giúp đỡ chị Liễu phẫu thuật tim. Ba Tỵ (và vài người khác) soi mói:
- Con Liễu có đất sang bán ăn hết đến khi bị bệnh lại quyên góp giúp đỡ liệu có công bằng không?
Oanh vui vẻ trả lời:
- Trước kia là trước kia, bây giờ là bây giờ, hai chuyện hoàn toàn khác nhau, chú ạ. Ở đời không ai biết được tương lai của mình sẽ ra sao!
Ba Tỵ có vẻ ngượng, hỏi Oanh đóng góp bao nhiêu, Oanh nói tùy lòng hảo tâm, ông góp năm chục ngàn.
- Đành rằng “của ít lòng nhiều, miếng khi đói bằng gói khi no”, tuy nhiên, đối với một bệnh nhân rất cần tiền để giành giựt sự sống từ tay tử thần thì con số đó quả là khá khiêm tốn. Chú ấy đã từng cúng đình chùa, đền miếu rất hào phóng, cao gấp năm gấp mười lần như vậy, chứng tỏ lòng tốt của chú ấy xuất phát từ chất liệu gì chứ không phải từ chất liệu yêu thương của tình người? Chú nghĩ con nói đúng không? Oanh hỏi tôi.
Tôi cảm thấy đau lòng khi nghe lời trách cứ của Oanh. Là tín đồ Phật giáo nhưng Ba Tỵ còn tin vào thần quyền huyễn hoặc. Tà niệm đó là chướng ngại vật làm tâm ông hôn trầm, tán loạn khiến ông không đến được chánh niệm. Chung quanh ông lại toàn những người mê tín, xiểm nịnh, đố kỵ nên ông bị tập nhiễm theo, không phát huy được thiện tâm.
Cho tiền kẻ ăn mày, giúp đỡ người nghèo khổ, neo đơn, bệnh tật đồng nghĩa với bố thí. Đây là một trong bốn pháp nhiếp hóa và là một trong sáu pháp Ba-la-mật nhằm nhiếp phục tâm phiền não, bỏn sẻn của mình và tạo nên sự an vui, hạnh phúc cho người được bố thí. Và, người bố thí sẽ hưởng được công đức dồi dào, hạnh phúc lớn lao hơn khi họ bố thí theo tinh thần “ngũ uẩn giai không” của các bậc Bồ-tát. Nghĩa là bố thí không điều kiện, không phân biệt và kỳ thị bất cứ ai; hay là bố thí nhưng không thấy người bố thí, không thấy người nhận và phẩm vật bố thí.
Sau khi cúng lễ miếu Bà, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, hôm sau, lúc trời vừa rạng đông, họ tranh thủ leo lên đỉnh núi chiêm bái chỗ ngồi của Bà trước kia. Leo được khoảng năm chục mét, ông Ba Tỵ bất ngờ trượt chân chới với, đưa tay nắm áo bà Năm Đông đi cạnh nhưng vẫn không gượng được khiến cả hai ngã nhào. Ba Tỵ gãy tay trái, chấn thương cột sống, đầu và mình bị trầy xước rướm máu. Bà Năm Đông bị thương nhẹ hơn, tét da đầu và đau tức vùng ngực do va vào đá. Phước chưa đến họa đã đến trước!
Phật tại tâm chứ có đâu trên núi trên non. Người ta lập chùa là để thờ phượng hình ảnh và kỷ vật của Phật Thích Ca, bảo tồn ngôi Tam bảo và làm nơi ăn chốn ở riêng biệt cho Tăng Ni học tập, tu hành và hoằng dương đạo pháp. Chúng ta đi chùa lễ Phật là tôn kính đức độ của Ngài. Niệm Phật để nhớ công ơn của Ngài. Nghe kinh để hiểu nghĩa lý mà theo đó hành trì, tu tập chứ không phải để được Ngài ban phước lành vì Ngài không thể ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai.
Còn thần linh? Đó là những danh hiệu do con người tự đặt tự phong chứ không có thật nên họ cũng không thể ban phước giáng họa cho bất cứ ai. Họa phước chỉ do con người tạo ra và tự họ mang đến cho nhau mà thôi.
Là chỗ láng giềng lại sẵn có chút tiền, tôi liền mua quà và cùng cô Oanh vào bệnh viện thăm ông Ba Tỵ và bà Năm Đông.