Tinh tấn quá mức cũng không hẳn là tốt

GN - Ai cũng biết tinh tấn là một hạnh tu quan trọng. Thiếu sự cố gắng thì không chỉ tu tập mà bất cứ việc gì cũng không thành. Nhưng cố gắng tinh chuyên quá mức, dẫn đến căng thẳng thì chưa phải là điều hay. Chuyện Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ vì quá cố gắng tu tập nên bị căng thẳng, bất an, không đoạn trừ được phiền não là một điển hình.

Tinhtien.jpg
Ảnh minh họa

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà thành Vương Xá. Bấy giờ có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ ở núi Kỳ-xà-quật, thường tinh tấn chuyên cần tu tập pháp Bồ-đề phần. Rồi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: ‘Ở trong hàng đệ tử Thanh văn tinh tấn chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng hôm nay ta chưa diệt tận được các lậu. Ta là người thuộc dòng quý tộc, có nhiều của cải quý báu, nay thà hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi còn tốt hơn nhiều’.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nhị-thập-ức-nhĩ nên bảo một Tỳ-kheo:

- Ngươi hãy đến chỗ Nhị-thập-ức-nhĩ bảo là Thế Tôn cho gọi.

Tỳ-kheo này vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ-kheo Nhị-thập-ức-nhĩ, nói rằng:

- Đức Thế Tôn cho gọi thầy.

Nhị-thập-ức-nhĩ nghe Tỳ-kheo kia bảo là Đại sư gọi, liền đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

- Có thật ngươi ở một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: ‘Ở trong hàng Thanh văn đệ tử tinh tấn chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng mãi đến hôm nay ta vẫn chưa diệt tận được các lậu. Ta là người thuộc dòng dõi quý tộc, có nhiều của cải quý báu, ta thà hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi’. Có phải không?

Khi ấy, Nhị-thập-ức-nhĩ nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã biết tâm ta’. Vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lông dựng đứng, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, thật như vậy.

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

- Nay Ta hỏi ngươi, ngươi cứ theo ý mình mà trả lời cho Ta. Này Nhị-thập-ức-nhĩ, khi ngươi còn ở ngoài đời, ngươi đàn hay lắm phải không?

- Bạch, đúng vậy.

Thế Tôn lại hỏi:

- Theo ý ngươi thì thế nào, khi ngươi khảy đàn, nếu sợi dây của nó căng quá, thì âm thanh có hòa nhã và vi diệu không?

- Bạch, không.

Thế Tôn lại hỏi:

- Thế nào, nếu sợi dây của nó chùng quá, thì âm thanh có phát ra hòa nhã và vi diệu không?

- Bạch, không.

Thế Tôn lại hỏi:

- Thế nào, nếu biết điều chỉnh sợi dây đàn không căng quá cũng không chùng quá, thì sau đó mới phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

- Người nào tinh tấn thái quá thì sẽ tăng thêm điệu hối, còn người thiếu tinh tấn quá thì sẽ sanh ra giải đãi. Cho nên, ngươi phải bình đẳng trong tu tập và nhiếp thọ, không đắm nhiễm, không buông lung, không chấp tướng.

Sau khi được Thế Tôn dạy, Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ luôn nghĩ về thí dụ cây đàn cầm của Đức Thế Tôn đã nói. Tôn giả một mình lặng lẽ thiền tư, như trên đã nói, cho đến các lậu được diệt hết, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 254 [trích])

Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, tu tập cần trung đạo, quân bình mới có thể bền bỉ và thăng tiến trên đường đạo. Ảnh dụ về dây đàn và tiếng đàn thật dễ hiểu. Dây đàn căng quá hay chùng quá đều không phát ra âm thanh tốt đẹp.

Cũng vậy, nếu siêng tu thái quá, nôn nóng đắc đạo tâm sẽ dao động (điệu hối); ngược lại thì rơi vào thụ động, biếng nhác (giải đãi). Vì thế người tu cần phải giác tỉnh, khéo điều chỉnh hai cực đoan này. Tinh tấn cũng nên vừa đủ sao cho thân khỏe-tâm an-trí sáng, tiến chậm mà chắc và vững thì sẽ đến đích “lậu được diệt hết, tâm được giải thoát, thành A-la-hán”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày