Không chỉ mang đậm tinh thần thời đại, trong bối cảnh hiện đại, khi công nghệ ngày càng tiến bộ nhưng suy thoái đạo đức cũng ngày càng tăng, những hoạt động chấn hưng văn hóa thông qua giáo dục tư tưởng như Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương càng cần được trân trọng.
Theo nhà nghiên cứu, PGS Trần Thị Băng Thanh, các sử gia thời trung đại, Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ đã nhất trí khen Trần Nhân Tông là "vị vua hiền" đời Trần, "sự nghiệp thời trùng hưng hơn hẳn các đời trước". Trong 12 vua Trần chỉ Trần Nhân Tông được khen là "vua hiền". Khái niệm "hiền" trước đây bao gồm cả trí tuệ, tài năng và đức độ.
Ông đã để lại một sự nghiệp vô cùng lớn lao mà dường như danh hiệu "vua hiền" chưa hẳn là đã thể hiện được đầy đủ. Sự nghiệp ấy được thể hiện trên ba lĩnh vực. Đầu tiên phải kể đến là chiến công đánh thắng hai cuộc giặc Nguyên - Mông xâm lược bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Thứ hai, Trần Nhân Tông có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ông cũng là một nhà thơ, với những cảm xúc trong sáng và lòng nhân ái, hồn hậu, yêu nước nồng nàn.
Xây dựng một giải thưởng mang tầm cỡ quốc tế về Hòa giải và Yêu thương mang tên Trần Nhân Tông, Open Minds Union muốn vinh danh những người dấn thân cho sự nghiệp Hòa giải, Yêu thương của con người trên toàn thế giới; những người có sáng kiến, có đóng góp có hiệu quả trong việc hoà giải, chấm dứt xung đột, giải quyết mâu thuẫn giữa các cộng đồng, giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo; những người có tấm lòng yêu thương cao cả, đem hạnh phúc đến cho nhân loại, cũng như nhằm nghiên cứu, giới thiệu, tôn vinh sự nghiệp và tư tưởng vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông ra với thế giới.
Tư tưởng Trần Nhân Tông trong hơi thở thời đại
Tại Hội nghị Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương, tóm tắt lại những tinh hoa trong tư tưởng nhân văn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước có những phát hiện mới, đặt trong bối cảnh hiện đại. Nhìn nhận ở mọi góc độ, tư tưởng Trần Nhân Tông luôn mang tinh thần yêu thương, nhân văn cần thiết cho mọi xã hội và luôn đi cùng thời đại.
Vua Trần Nhân Tông đã dùng trí tuệ và tư tưởng Phật giáo đánh đuổi quân Nguyên Mông và hành đạo. Thượng tọa Thích Huệ Đăng, người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Phật pháp đã khẳng định, "Sự thành công của Trần Nhân Tông hiện thực rõ trí tuệ thanh tịnh từ chân tâm ứng dụng là thù thắng nhất để thể hiện rõ chân lý Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian mà thành tựu, bất cứ người nào vì cộng đồng, đi vào danh lợi mà không vướng mắc danh lợi mới ứng dụng được trí tuệ nơi đời, thì đều phải ứng dụng tư tưởng lớn này mới thành tựu sự nghiệp."
GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, Trần Nhân Tông đã sinh ra, lớn lên và thể hiện những đóng góp rất đặc biệt trong thế kỷ 13. Người đã có công lãnh đạo và mang đến cho nhân dân Việt Nam tư tưởng vì độc lập tự do, không khắc phục cường quyền.
"Không phải ngẫu nhiên Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn Phật giáo làm nơi gửi gắm ước nguyện, truyền tư tưởng lớn cho đời. Nói về Trần Nhân Tông cũng cần nói tới tư tưởng Phật giáo và chúng ta cần lưu ý hơn đến những đóng góp của Phật giáo đối với nhân loại." GS.TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Chuyên gia độc lập Phạm Gia Minh nêu quan điểm về khả năng tài tình khi vận dụng các loại quyền lực của vua Trần Nhân Tông.
Giáo sư Joseph Nye (Đại học Harvard) được cả thế giới biết đến là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm và quyền lực thông minh. Nhưng vua Trần Nhân Tông mới thực là người đã biết tận dụng quyền lực thông minh, tức là kết hợp được quyền lực 'cứng' và quyền lực 'mềm' từ cách đây 7 thể kỷ.
"Trần Nhân Tông đã biết dùng sức mạnh quân sự - quyền lực 'cứng' - đánh đuổi quân Nguyên Mông, nhưng người cũng biết dùng hòa giải và yêu thương để trị vì, thu phục nhân tâm. Và việc biết từ bỏ quyền lực 'cứng' khi cần thiết, cũng là 'quyền lực thông minh'.", chuyên gia Phạm Gia Minh khẳng định.
Đặc biệt trong thể kỷ 21, tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do càng có giá trị thực sự to lớn, vì quý độc lập tự do của mình thì mới tôn trọng độc lập, tự do của người khác, của đất nước khác.
Tư tưởng hòa giải và yêu thương, những giá trị có tính chất nhân sinh của Phật hoàng Trần Nhân Tông là bài học ý nghĩa cho một thế giới thường xuyên bị tác động bởi những xung đột.
Chấn hưng văn hóa qua giáo dục tư tưởng hòa giải - yêu thương
Muốn hòa giải và yêu thương, cần đoàn kết toàn dân, cần tinh thần bao dung, chấp nhận khác biệt. Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông là cơ hội kêu gọi tinh thần Hòa giải và Yêu thương trên cơ sở tinh thần bao dung, nhân ái.
Enstein từng nói "Nếu thế giới cần có một tôn giáo bao trùm vũ trụ, thì chỉ có thể là Phật giáo".
"Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, suy thoái đạo đức ngày càng tăng và nguy cơ này còn nguy hiểm hơn những nguy cơ do suy thoái kinh tế, do đó, những hoạt động chấn hưng văn hóa thông qua giáo dục tư tưởng như Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông rất cần được trân trọng." GS. Chu Hảo khẳng định
Sẽ không có gì bất ngờ khi những quốc gia phải chứng kiến những thăng trầm của lịch sử với những xung đột và đau thương từ chiến tranh sẽ là những người đầu tiên đón nhận những ý tưởng về Hòa giải và Yêu thương.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, khi được chia sẻ và tìm được những điểm tương đồng từ các dân tộc và các nền văn hóa khác, tư tưởng Hòa giải và Yêu thương càng mang tầm quốc tế, mang tính khái quát cho cả thế giới và sẽ có những đóng góp lớn cho nhân loại.
Từ góc độ người làm giáo dục, nghiên cứu, GS. TS Vũ Minh Giag cho rằng, cần có những thay đổi căn bản trong nghiên cứu về Phật hoàng Trần Nhân Tông để có những công trình nghiên cứu về Trần Nhân Tông sâu sắc, có sức thuyết phục cao với thế giới. Cần nhìn rộng ra, đặt trong bối cảnh hiện đại và tương quan mang tầm quốc tế để thấy ý nghĩa của những tư tưởng Trần Nhân Tông đối với nhân loại. Từ đó, có thể thấy giải thưởng Trần Nhân Tông nhằm khích lệ tinh thần hòa giải, hòa hợp, có ý nghĩa lớn như thế nào.
"Công nghệ thông tin và truyền thông là những công cụ mới có thể tận dụng để quảng bá những tư tưởng lớn này", GS. TS. Vũ Minh Giang khẳng định.
Hội nghị Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương diễn ra sáng 16/2/2012 tại Hà Nội thu hút sự tham dự của hơn 50 nhân sĩ trí thức, học giả có uy tín như nhà văn hóa Việt Phương, Giáo sư Hoàng Tụy, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà nội Vũ Minh Giang, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc... Đặc biệt, hội thảo có sự hiện diện của bà Vaira Vike - Freiberga, cựu Tổng thống Latvia, một chính khách nổi tiếng thế giới, được ghi nhận vì đã đưa Latvia gia nhập thành công Liên minh châu Âu và NATO; và ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên TBT Báo VietNamNet, nay là Học giả nghiên cứu tại Trung tâm báo chí , chính trị và chính sách công Shorenstein, Đại học Harvard , TBT Open Minds Union, diễn đàn dành cho các học giả, chính khách lớn trên thế giới