GN - Tịnh xá nhỏ đơn sơ đã hơn 40 năm tọa lạc nơi bến Nguyễn Duy cũ, nay đang trong giai đoạn trùng tu với bộn bề xi-măng, cát đá. Phía sau sự bộn bề này là một mái ấm nhỏ, yên bình dành cho 48 cụ ông, cụ bà nương tựa như người thân lúc tuổi đã “về chiều”…
Tâm nguyện nhỏ trong mái ấm nhỏ
Trước đây, chúng tôi có dịp đến tịnh xá Ngọc Quang (262 Lưu Hữu Phước, P.15, quận 8, TP.HCM) thăm các cụ già neo đơn đang được cưu mang tại đây, tịnh xá nhỏ yên bình với sắc vàng đặc trưng trước bến Nguyễn Duy vào mùa nước triều lên trông rất êm ả, nhẹ nhàng.
Mùa này, đầu giờ chiều nước rút, bến sông phía trước tịnh xá trơ trọi, nhìn rõ đáy. Tịnh xá Ngọc Quang đang trong giai đoạn trùng tu, khoảng sân nhỏ bộn bề gạch, cát. NT.Thích nữ Vạn Liên, trụ trì tịnh xá cho biết, trùng tu tịnh xá cũng chỉ là tạm thời, vì con đường Lưu Hữu Phước này cũng sẽ được mở rộng, phần đất của tịnh xá sẽ bị thu hẹp nên chưa dám xây dựng một tịnh xá bát giác như đặc trưng riêng của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ.
Tịnh xá Ngọc Quang tọa lạc đơn sơ trước bến Nguyễn Duy xưa
Gắn bó gần 40 năm với nơi này, NT.Thích nữ Vạn Liên nói, đây là dịp cơi mái và nâng nền đầu tiên cho ngôi tịnh xá nhỏ bé để thoáng hơn, chứ mấy mươi năm sống đơn sơ trong tịnh xá này cũng đã thân thuộc lắm. Nhớ ngày nào, tịnh xá đơn sơ vách lá, mái tôn khiêm tốn bên bến Nguyễn Duy còn vắng lặng, bây giờ thì đông đúc hơn, sắp tới mở đường có lẽ sẽ tấp nập hơn nữa.
Được HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ giao chăm lo cho tịnh xá này, về đây từ năm 1976, NT.Thích nữ Vạn Liên có thêm sự vững chãi vào Phật pháp và thực hiện được tâm nguyện ấp ủ từ khi còn ở cùng gia đình. Đó là được giúp đỡ những người lang thang, cơ nhỡ. Năm 1991, thấy đất còn rộng, thỉnh thoảng lại có Phật tử đưa người cơ nhỡ, lang thang vào tịnh xá xin ở lại nương thân, vậy là tịnh xá có thêm chỗ ở cho người già neo đơn, trẻ mồ côi.
Mới đầu cũng chỉ vài người rồi lên đến cả trăm người. Với tâm nguyện chăm lo cho người lang thang, cơ nhỡ nên mới về đây, Ni trưởng phải làm đủ thứ việc như xe nhang, làm tương, chằm nón lá… rồi mang về quê tận Long An bán để có thêm thu nhập chăm lo cho đại chúng tu tập và cho mái ấm.
NT.Thích nữ Vạn Liên cho biết, hiện nay tịnh xá có 17 phòng ở dành cho 48 cụ ông, cụ bà. Trong đó, 17 cụ ông được cưu mang tại đây. Mái ấm nhỏ này là nơi ở cuối cùng trong cuộc đời đầy thăng trầm, phong ba của những phận đời ở đây. Sau những khốn khó đã trải, họ gặp nhau trong mối duyên tốt lành, làm người thân thuộc với nhau để cùng nương tựa. Ở họ còn nhiều nỗi buồn nhưng đã chấm dứt một khoảng đời đầy truân chuyên.
Điểm tựa lúc “về chiều”
Bác sĩ vào tận phòng ở để khám bệnh, hỏi cụ bà có uống thuốc đúng giờ không. Cụ bà lại bảo, 6 giờ chiều là chùa giới nghiêm không cho đi lại, ngủ được đến 2 giờ sáng thì thức giấc không ngủ lại được. Cứ thế cuộc nói chuyện “lạc đề” giữa vị bác sĩ trẻ và bà cụ mất thời gian hơn nhiều lần so với thăm khám người bệnh bình thường khác. Cụ Lâm Hà, 71 tuổi, giường kế bên bảo “bà ấy lẫn nặng rồi”.
Bác sĩ Khánh Vi khám bệnh cho cụ Lâm Hà - Ảnh: H.D
Ở đây, nhiều cụ đã nghễnh ngãng lúc quên, lúc nhớ. 2/3 các cụ bị bệnh mãn tính về tiểu đường, tim mạch, huyết áp, xương khớp…, các bệnh tai biến, đột quỵ và bệnh của tuổi già như lãng tai, lãng trí nên sức khỏe kém. Hiện nay, có 10 cụ sức khỏe yếu, không đi lại được, phải nhờ đến nhân viên ở mái ấm giúp đỡ chăm ăn, tắm giặt, cho uống thuốc…
NT.Thích nữ Vạn Liên cho biết thêm, các cụ già neo đơn đến đây là chốn cùng, vì họ là những người đã trải qua một quãng dài của đời người bôn ba, tha phương cầu thực. Đến khi cuối đời, sức khỏe không còn được như trước thì họ mới tìm đến đây nương nhờ. Họ gặp nhau ở đây là chấm dứt quãng đời đau khổ rày đây mai đó, khổ sở kiếm từng đồng từ việc bán vé số, bán báo, xin ăn, sống tạm bợ ở cầu thang, chợ, hiên nhà...
Đã 23 năm, Mái ấm tịnh xá Ngọc Quang ấm nồng vui, buồn, sum vầy với sự bảo bọc đầy tình người với người. Niềm vui của các cụ bây giờ chính là được sống ổn định ở đây, không phải lo toan cơm áo, bệnh có người khám bệnh, chăm sóc y tế… Đến khi già, mất đi, tịnh xá cũng lo hỏa táng, tro cốt được đặt ở tịnh xá, cúng bái, hương khói.
Ở mái ấm, đa số các cụ là người không có gia đình, con cái, sống lang thang nhưng cũng có vài cụ có gia đình riêng, con cái trưởng thành. Vì hoàn cảnh con cái khó khăn nên các cụ được gởi vào đây nương nhờ. Cụ Lâm Hà là một hoàn cảnh như vậy.
Cụ nói: “Tôi là người có con cái nhưng chúng khổ, nghèo quá. Nếu không đưa tôi vào đây thì bọn nó phải thuê nhà trọ cho tôi, làm gì có tiền. Tôi ở đây đã được ba năm, được chùa lo hết, mỗi ngày ăn ba bữa không phải lo nghĩ gì. Thỉnh thoảng, tôi xin phép thầy trụ trì được đến chỗ trọ của con, chơi một buổi rồi trở về”.
Ân tình ở mái ấm
Chị Cúc, là nhân viên sống nhiều năm ở mái ấm cho biết, các cụ ở đây đa số đều bị bệnh, sức khỏe yếu. Những người còn khỏe thì tự phục vụ, còn những người yếu, đau bệnh thì được nhân viên chăm sóc, tắm giặt, bón cơm.
NT.Thích nữ Vạn Liên và các cụ già neo đơn Mái ấm Ngọc Quang - Ảnh: H.D
Chị Cúc cũng là người có hoàn cảnh khó khăn, bị chồng đánh đập phải bỏ nhà lên TP.HCM đi làm. Mới đầu, chị chỉ nghĩ là giúp đỡ tịnh xá, làm công quả tạm thời nhưng rồi vì cái duyên với các cụ, chị đã ở đây hơn 10 năm. Chị Cúc hầu như biết hết hoàn cảnh của các cụ, biết ai bệnh gì, đau ốm ra sao.
Mỗi ngày, công việc của chị là chăm sóc cho 6 cụ ông, cụ bà, chăm từng bữa cơm, phụ tắm giặt, quét dọn… chị còn đảm nhiệm như một y tá, cho các cụ uống thuốc, chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Công việc thì nhẹ nhàng nhưng lúc nào cũng có người cần giúp đỡ.
Ngoài chị Cúc, Mái ấm tịnh xá Ngọc Quang còn có 3 nữ nhân viên khác chuyên chăm sóc rất tận tình cho các cụ và một người nấu cơm phục vụ cho mái ấm. Ở tịnh xá còn có hơn 10 em sinh viên từ các tỉnh, thành đang học tập tại TP.HCM được Ni trưởng trụ trì tịnh xá nuôi cho ăn ở miễn phí đến lúc ra trường, đi làm. Lúc rảnh, các em cũng phụ việc đôi chút cho tịnh xá.
NT.Thích nữ Vạn Liên bảo, ngày trước tịnh xá khó khăn rất nhiều nhưng ngày nay đã đỡ hơn. Các cụ ở mái ấm được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hàng tuần đến đăng ký tặng suất ăn nấu sẵn để bồi dưỡng. Cũng có hôm, các cụ được ăn phở, bánh canh, hủ tiếu đổi món.
Trước đây, tịnh xá có lúc lên cả trăm người, sống chật chội. Vài năm trở lại đây, NT.Thích nữ Vạn Liên không nhận thêm người mới, để dễ bề chăm sóc hơn. “Chính quyền địa phương cũng đến thăm, khuyên không nhận thêm người mới vì cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Hiện nay, chính quyền cũng đang hướng dẫn các thủ tục pháp lý để tịnh xá thành lập trung tâm bảo trợ người già”, Ni trưởng cho biết thêm.
Các cụ đa phần đều bị bệnh mãn tính Thứ Bảy, ngày 1-11 vừa qua, nhóm y bác sĩ Hội Chữ thập đỏ Nhân Đức quận 3 đã tổ chức đến thăm, khám bệnh, phát thuốc cho các cụ ở mái ấm tịnh xá Ngọc Quang. Chi phí thuốc men cho chuyến khám bệnh lần này được TT.Thích Thiện Tài, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN quận 8 ủng hộ. Từ vài năm nay, nhóm y bác sĩ thiện nguyện và các bạn trẻ thuộc Hội Chữ thập đỏ Nhân Đức, quận 3, TP.HCM thường tổ chức đến thăm, khám bệnh, phát thuốc cho các cụ ở Mái ấm tịnh xá Ngọc Quang. TS-BS.Thái Huy Phong, Chủ nhiệm Hội Chữ thập đỏ Nhân Đức cho biết, các cụ đa phần đều bị bệnh mãn tính: xương khớp, tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao… nên lúc nào cũng cần có thuốc. Thương các cụ, nhóm y bác sĩ thường tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật đi xe máy từ trung tâm TP.HCM ra thăm, trò chuyện thân tình, khám bệnh, tặng thuốc đủ trong cả tháng cho các cụ. Mỗi lần khám bệnh, các cụ rất mừng vì gặp người quen cũ, được trò chuyện, được hỏi han, chăm sóc chu đáo. Thỉnh thoảng, các bạn trẻ cũng mang sữa, áo ấm, chai dầu gió, cái tã tặng cho các cụ và trò chuyện thân tình như con cháu. Trong những chuyến đi như thế, còn có các bạn trẻ, những người chưa từng quen biết, gặp nhau trên mạng xã hội, cùng nhau đến thăm, trò chuyện thân tình cho các cụ ấm lòng và có những trải nghiệm vô cùng xúc động. |