GNO - Sau 2 ngày làm việc trong tinh thần cầu thị, nghiêm túc và chia sẻ, hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo vùng Mê-kông - Lịch sử và phát triển” đã chính thức khép lại vào chiều 14-11 tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Q.Phú Nhuận).
Quang cảnh bế mạc hội thảo - Ảnh: Lệ Ngôn
Phiên bế mạc đặt dưới sự chứng dự của HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN; GS.TS Lê Mạnh Thát, UVTT HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM; HT. Lama Lozbzang; Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế; ông Phạm Tấn Hùng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV TP.HCM cùng đông đảo học giả, nhà khoa học trong nước, quốc tế.
Phát biểu phiên bế mạc hội thảo, GS.TS Lê Mạnh Thát khẳng định hội thảo đã thành công tốt khi nhấn mạnh đến mối quan hệ, tình hữu nghị giữa những con người khác nhau, đất nước khác nhau nằm dọc vùng đất Mê-kông.
“Chúng ta thuộc cộng đồng Á Châu, có dòng sông Mê-kông. Một điều thú vị các nước vùng Mê-kông chủ yếu là quốc gia Phật giáo do đó hội thảo này có ý nghĩa rất sâu sắc khi làm tăng thêm giá trị của đạo Phật và hiệu triệu công tác bảo vệ, phát triển vững bền vùng đất này”, Giáo sư nhấn mạnh.
Dịp này Giáo sư Thát trân trọng gởi lời cảm ơn đến các bộ phận Ban Tổ chức, quý học giả và nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới cũng như ở trong nước - đã làm việc tích cực và nhiều cố gắng, tạo nên thành công của hội thảo.
GS.TS Lê Mạnh Thát phát biểu bế mạc - Ảnh: Lệ Ngôn
PGS.TS Nguyễn Công Lý báo cáo các kết quả thảo luận - Ảnh: Lệ Ngôn
Báo cáo kết quả các phiên thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Công Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết Ban Tổ chức nhận 150 tham luận, 95 bài tiếng Việt, 2 bài tiếng Trung và 53 bài tiếng Anh. Sau phiên khai mạc, các diễn đàn được song song tổ chức với không khí học thuật sôi nổi bằng những phát biểu, trao đổi, tranh luận chân thành, cởi mở, dân chủ và thẳng thắn.
“Các cử tọa đã mạnh dạn nêu ra những câu hỏi cần lời giải đáp từ các diễn giả hoặc trình bày chủ kiến của mình về những vấn đề mà các diễn giả đã nêu ra trong tham luận”, ông Nguyễn Công Lý nhận định.
Theo ông Nguyễn Công Lý, hội thảo đã đặt ra cho Phật giáo vùng Mê-kông và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn những vấn đề tiếp tục suy nghĩ như: Cần kêu gọi và giáo dục Tăng đoàn và Phật giáo đồ nên trở về với cội nguồn tư tưởng giáo lý của Phật giáo nguyên thủy, cần vận dụng tư tưởng của nhà Phật vào những vấn đề thiết thực của đời sống của từng dân tộc; xác định giá trị giữ gìn những bản sắc Phật giáo riêng của từng dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập văn hóa diễn ra sôi động như hiện nay; trách nhiệm thúc đẩy mọi người trong khu vực và trên thế giới sống, ứng xử với nhau theo phép lục hòa, nói ái ngữ, thực hành thập thiện để tạo sự an lạc, hạnh phúc, tránh các loại chiến tranh; công tác bảo tồn các di sản văn hóa Phật giáo đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới; việc vận dụng lời Đức Phật dạy được những ghi chép trong kinh văn về vấn đề sống bảo vệ và giữ gìn môi trường, sống hòa hợp với môi trường tự nhiên.
Đại biểu trong nước, quốc tế dự phiên bế mạc - Ảnh: Lệ Ngôn
Nghi thức hồi hướng kết thúc một hội thảo thành công - Ảnh: Lệ Ngôn
Ngoài ra, toàn thể đại biểu còn được lắng nghe các nhận định về hội thảo của HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó ban Tổ chức; HT. Lama Lobzang, Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế; GS.TS Levis Lancaster đến từ Hoa Kỳ; PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ.
Phiên bế mạc kết thúc bằng phát biểu cảm tạ của TT.Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng VNCPHVN, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM.
>> Xem thêm: Sáng tỏ nhiều giá trị của Phật giáo vùng Mê-kông || Khai mạc Hội thảo quốc tế về Phật giáo vùng Mê-kông || Phật giáo vùng Mê-kông là một tài sản quý || Triển lãm tranh trong khuôn khổ hội thảo về PG vùng Mê-kông ||
Bảo Thiên