TP.HCM: Lễ húy kỵ Hòa thượng Bửu Chơn

GNO - Sáng qua, 10-9 (1-8 ÂL), tại chùa Phổ Minh (2 Thiên Hộ Dương, P.1, Q.Gò Vấp) đã diễn ra lễ húy nhật lần thứ 39 Hòa thượng Bửu Chơn, nguyên Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Tại lễ húy kỵ, chư tôn đức giáo phẩm hệ phái đã dâng hương tưởng niệm, tụng thời kinh tưởng niệm. Sau nghi thức tưởng niệm là lễ trai tăng, cầu an, cầu siêu.

1bc.jpg


Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm

Theo tiểu sử, Hòa thượng Bửu Chơn thế danh Phạm Văn Tông, sinh năm Nhâm Tý (1911) tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Thuở nhỏ, ngài sinh sống tại Campuchia, thấm nhuần giáo lý Phật giáo nên năm 1940, ngài xin xuất gia tại chùa Lankar Phnompenh. Sau đó vào rừng thực hành hạnh đầu đà (Dhutanga) suốt 12 năm.

Năm 1951, được Phật tử Việt Nam thỉnh về Sài Gòn để hoằng truyền giáo pháp Nguyên thủy. Năm 1952, ngài sang Tích Lan (Sri Lanka) nghiên cứu Phật học tại trường DhammadutaVijjàlaya khoảng 2 năm.

Năm 1954, ngài làm trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Kết tập Tam tạng Pàli lần thứ 6 tại Rangoon, Miến Điện (Myanmar). Năm 1956, tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 3 tại Miến Điện.

Ngài là thành viên vận động thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1957, nhiệm kỳ lâm thời ngài được thỉnh vào cương vị Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

Năm 1958, ngài dự Hội nghị quốc tế Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 9 tại Đông Kinh, Nhật Bản. Năm 1960, được thỉnh vào chức vụ Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists) trong kỳ Đại hội lần thứ 5 tại Thái Lan.

Năm 1962, ngài tái cử Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Ngài đã cùng với Hòa thượng Narada (người Tích Lan) vận động xây dựng Thích Ca Phật Đài tại núi Lớn, Vũng Tàu. Năm 1963, trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, ngài được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo. Năm 1964, ngài dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 7 tại Ấn Độ.

Năm 1966, ngài dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 8 tại Thái Lan. Năm 1968, ngài tham dự Hội nghị Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 12 tại Jerusalem, Do Thái. Năm 1972, ngài được thỉnh cử đảm nhiệm chức vụ Phó Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1975, ngài được mời giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.Hồ Chí Minh.

2bc.jpg

Lễ húy kỵ lần thứ 39 HT.Bửu Chơn

Ngài là một bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam, một học giả uyên thâm Phật Pháp, biết rất nhiều ngoại ngữ. Riêng Pàli, là ngôn ngữ mà ngài rất thông thạo và đã dành rất nhiều thì giờ nghiên cứu và soạn thành tự điển Pàli-Việt.

Dù bận rộn Phật sự trong nước cũng như Phật sự quốc tế, ngài vẫn dành thời gian để hành thiền, thuyết pháp, phiên dịch và trước tác nhiều kinh sách để hoằng dương giáo pháp, trên dưới 20 tác phẩm.

Ngày 17-9-1979, mặc dù sức khỏe suy yếu, ngài vẫn hoan hỷ nhận lời dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị, dự lễ tại Campuchia và cử hành lễ truyền Cụ túc giới cho các nhà sư Campuchia bị chế độ diệt chủng Pôn Pốt cưỡng bức hồi tục.

Ngày 19-9-1979 do bệnh cũ bộc phát trầm trọng, đến 2 giờ sáng ngày 21-9-1979 (1-8-Kỷ Mùi), ngài an nhiên thị tịch tại Phnôm Pênh, hưởng thọ 69 tuổi đời, 39 tuổi đạo. Trước giờ phút lâm chung, trên giường bệnh ngài vẫn còn tỉnh táo lắng nghe các thành viên trong đoàn báo cáo kết quả buổi lễ Đôlta và lễ truyền giới viên mãn cho 7 vị sư Campuchia.

N.An
- Ảnh: Tâm Xuân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày