GNO - Đó là xác nhận từ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tại buổi họp báo chiều 9-10, về sự xuất hiện của những mảng mù dày đặc, gây hoang mang cho người dân những ngày qua.
Hiện tượng mảng mù trong không khí gây hoang mang cho người dân - Ảnh: thanhnien.vn
Cụ thể, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.
Như vậy, căn cứ vào kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3-9 đến 20-9 vừa qua cho thấy, có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5), cao nhất là ngày 20-9, với mức tăng dao động gấp từ 1,4 đến 2,9 lần các chất ô nhiễm và không có sự chênh lệch cao về nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20-9, với các mức lần lượt là 50%, 25% và 50%.
Tại buổi họp báo, ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá các số liệu quan trắc, trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt từ ngày 18-9 đến 25-9, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.
Trả lời báo chí tại buổi họp, ông Sơn cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố, như thực trạng hiện nay, chủ yếu từ 3 loại nguồn chính: do hoạt động giao thông, do các hoạt động công nghiệp và do các hoạt động xây dựng. Đồng thời, ông khẳng định hiện tượng này xảy ra là quá trình tự nhiên, do 3 yếu tố trên cấu thành, tích lũy trong một khoảng thời gian dài, không phải do sự đột biến mang tính bất chợt từ một nguyên nhân chủ quan nào khác.
Hiện tượng này diễn ra “đều đặn” những năm gần đây, song, do một số lý do về thời tiết, như bão, áp thấp bất ngờ trong những năm trước, trùng với thời điểm diễn biến hiện tượng mù quang hóa, do đó người dân không nhận ra và hiện tượng này nhờ nước mưa cũng tan biến nhanh chóng hơn so với năm nay.
Nhiều giải pháp được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề cập, song, hầu hết các ý kiến bày tỏ sự quan ngại trước những lúng túng trong công tác nắm bắt và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, bởi sự việc xảy ra sau một tháng mới có thông tin chính thức tới người dân toàn thành phố. Và liệu, sức khỏe người dân có được đảm bảo hay không, khi việc cảnh báo diễn ra quá trễ như hiện nay?
Được biết, hiện tượng mù quang hóa là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Tại TP.HCM, “mù quang hoá” thường được hình thành trong các ngày diễn ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ mạnh mẽ làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hàng năm, kéo dài trong khoảng 6 - 7 ngày, trong 5 năm gần đây.
Hiện tượng mù quang hóa diễn ra là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.