“Trà dạy mình nhiều bài học hay lắm!”

GNO - Cầm trong tay cuốn Lục bát Trà với 4.889 câu lục bát do nhà thơ Phạm Văn Sau chấp bút trong khoảng một năm (2009-2011) chúng tôi đọc ngấu nghiến vì nó là đề tài mình thích. Đọc và cảm để rồi tự hỏi: Phạm Văn Sau là ai mà viết khỏe thế? Không chỉ khỏe mà còn viết hay dù “trước đó tôi chưa từng có thơ đăng ở mô hết”… 

Vì thắc mắc đó cùng những lời đề từ trân trọng của nhà thơ - Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã thôi thúc tôi hẹn gặp Phạm Văn Sau. Cuộc gặp cũng ở một quán trà (Trà Việt, Út Tịch, Q.Tân Bình, TP.HCM) để nghe ông cởi mở về thơ, về trà, và về cuộc đời thăng trầm của mình:

Nói về bản thân đó hỉ (ông nói giọng Huế đặc sệt, dù đã xa Huế khá lâu - PV), nhiều chuyện lắm. Trước giải phóng tui là thầy giáo dạy triết. Có một thời gian làm ăn, cũng giàu có, dư dả… nhưng rồi thất bại, trắng tay, về làm “trợ lý” cho vợ (vợ ông bán một quán nhỏ ven đường). Cuộc đời “bảy nổi ba chìm”, được mất mấy phen nên thấm rõ triết lý vô thường của nhà Phật. Và vì thấm rồi nên hổng có buồn chi hết, sống trọn vẹn với những chi mình có!

anh 1.2.JPG

Nhà thơ Phạm Văn Sau - Ảnh: L.Đ.L.

Thế, có phải vì gặp sóng gió trong cuộc đời mà thầy “trầm mình” vào thơ (tôi trân trọng gọi ông là thầy, vì ông từng là nhà giáo - PV)?

- Không phải rứa! Khi sinh ra, mỗi người đều có thiên hướng khác nhau, được quy định một phần bởi kiếp trước. Rồi nhân duyên hiện tại đưa đẩy để họ đi con đường nào đó. Như nghề giáo, nghiệp thơ của của tui vậy. Hồi xưa, nhà mình nghèo, mình ý thức rõ là phải học để kiếm sống. Nợ con chữ ân tình, rồi khi thất bại thì nợ nhiều người ân tình nên phải sống răng cho đúng, cho tốt…

Viết thơ, làm văn cũng là một cách để “trả nợ”, tất nhiên không hẳn chỉ có thế mà còn là thỏa đam mê. Chứ giữ làm chi cho riêng mình những “con chữ lằng ngoằn”? Khi thơ đã thoát ra như thế thì mình cũng “bay” lên cùng thơ chứ sao gọi là “trầm mình” được? (cười).

Trở lại với “Lục bát Trà”, thầy viết có một năm mà đến những 4.889 câu lục bát, nghe xong, con… choáng thầy ạ?

- (Ông lại cười). Viết xong, tui cũng… choáng. Nhưng nghĩ lại thì thực ra mình viết Lục bát Trà trong thời gian mấy mươi năm mình sống (năm ni 66 tuổi, là 66 năm làm người). Tất cả những điều chi tui am hiểu về trà, về lịch sử, về văn hóa ẩm trà đã ngấm trong máu, trong tâm rồi. Nên khi được anh Phạm Thiên Thư và anh Hảo (một người bạn) đặt hàng, khuyến khích viết thì chữ cứ rứa mà ra!

Nhưng khi viết, thấy lo lắm. Lo là thể thơ lục bát đã được người bình dân làm từ lâu (ca dao, dân ca). Ông thầy lớn của tui và nhiều nhà thơ khác là Tố Như - Nguyễn Du (đã vang danh với Truyện Kiều) như một “cái bóng” đè suy nghĩ của mình. Nhưng rồi cũng liều mà viết, mình viết là để tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên, góp phần gìn giữ thể thơ dân tộc chứ có phải so tài đâu? Tâm niệm rứa nên chấp bút viết.

Con số 4.889 câu cũng là một tâm niệm, tôi muốn nhắc, đó là Việt lịch với 4.889 năm văn hiến (cũng là thời khắc đánh dấu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hồi năm 2010).

Vậy trong quá trình viết thầy gặp phải khó khăn hoặc thuận duyên nào?

- Trong 10 ngày đầu tiên tui viết một mạch được 1.000 câu. Tự dưng, tới đó trong mình hết sạch chữ. Phải tĩnh tâm, đi uống trà, và nhờ đứa cháu, cũng là người viết phi phóng cho tác phẩm của tui - Trương Đình Bảo Long “sách tấn”. Ngoài ra, vợ tui cũng là điểm tựa để tui hoàn thành tác phẩm, nhất là khi đang viết dở dang thì bị tai nạn, gãy mấy xương sườn, nằm một chỗ. Lúc đó có “cớ” để xin vợ cho… nghỉ làm “trợ lý” để viết.

Thi phẩm của thầy được hai nhà thơ gạo cội là Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh và Phạm Thiên Thư đề thơ khen…

- Đó là nhân duyên. Với Phạm Thiên Thư thì anh là một bạn thơ lớn của tôi. Từng ngồi với anh ở quán Hoa Vàng, nhẩn nha thơ họa. Và khi viết tác phẩm ni là cũng nhờ anh khuyến khích. Còn Thiền sư Minh Đức, tôi nghe danh Ngài đã lâu, cảm phục tài thơ, mến mộ Đức lớn của một bậc tu hành, và cũng vì Ngài là… đồng hương xứ Huế. Khi mang tác phẩm của mình ra cho thầy đọc trước khi in, trải qua một vài “sát hạch” nho nhỏ rồi mới được thầy đề thơ tặng, tôi ghi nhớ rõ mồn một mấy câu của Ngài: “Lục bát Trà - Chung Đông Phương/ Núi non cây cỏ hoa hương thanh bình/ Giữa phù sinh lướt phù sinh/ Hồn Thiền, hồn Việt – nghĩa tình Cảo thơm!/.

Thi phẩm của thầy với cách viết có luận đề, luận chứng, luận cứ đầy đủ, thuyết phục, khi viết thầy có chủ đích như thế?

- Đó là dụng ý nhằm giúp bạn đọc có thể cắt khúc đọc cũng được. Họ có thể thích một đề mục nào đó và cứ đọc. Vả lại, thể loại trường ca như thế này cần phải được bổ ra thành nhiều khúc để dễ theo dõi…

Đọc thơ, nhìn thấy một nhà thơ lành tính và sành uống trà. Thầy nghĩ như thế nào về nhận xét đó?

- Tui trân trọng tất cả những nhận xét mà bạn bè, bạn đọc dành cho mình. Cuộc sống tui trải qua nhiều chuyện thăng trầm, bể dâu nhưng dẫu có vậy thì mình vẫn cứ là con người có tật, có những điều chẳng hay ho… Còn về việc uống trà, tui cũng chỉ là một người mê trà, xem trà là bạn. Mượn chén trà để tĩnh tâm để giải quyết những bế tắc nào đó… Và đồng thời, thích thú nhất là uống trà với bạn hiền, với những người có khả năng lắng nghe, mình hiểu họ và họ hiểu mình!

Thưa thầy, Lục bát Trà phảng phất triết lý nhà Phật, trong đó có hai câu mà con rất thích: “Sống chưa hẳn đã là còn/ Chết đâu đã hết những tồn tại đâu?”. Phải chăng đó là ý của Bát Nhã Tâm Kinh?

- Tuy không phải là Phật tử nhưng giáo lý nhà Phật ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Trải qua cuộc thế sự rồi mới thấy mọi thứ như một giấc mơ, có đó mất đó. Nếu mình nắm giữ thì mình khổ, nếu mình biết nó chỉ là biểu hiện của nhân quả thì mình bình an.

Sống làm sao để không chấp vào được mất, sống còn thì mình sẽ nhẹ nhàng, phải không?

Vâng, xin cảm ơn thầy. Hôm nay, xin hỏi thầy chừng ấy, sẽ mời thầy một bữa để nghe những chia sẻ khác về Trà!

- Rất sẵn lòng!

Sau Lục bát Trà (NXB Thanh Niên) là Nguyên thanh tình sử (NXB Lao Động) với 20.000 câu lục bát. Tác giả Phạm Văn Sau cho biết, đấy là thi phẩm tôi viết hơn 10 năm, hi vọng sẽ trả được cho đời chút ơn…

anh 2.JPG

Tác phẩm Lục bát Trà của Phạm Văn Sau - Ảnh: L.Đ.L.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.
Bàn giao giếng khoan đến bà con thôn 2, xã Ia Rvê

Bàn giao giếng khoan và tặng quà đến bà con H.Ea Súp (Đắk Lắk)

GNO - Ngày 20-4, Ni sư Thảo Liên, Trưởng Từ thiện xã hội Phật giáo TP.Buôn Ma Thuột, trụ trì tịnh xá Ngọc Ban (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cùng Đại đức Thích Minh Sơn, gia đình Phật tử Phước Minh đến từ TP.HCM đã đến H.Ea Súp trao giếng khoan và trao quà cho bà con tại xã Ia Rvê, H.Easúp.

Thông tin hàng ngày