Trách nhiệm xã hội của Phật giáo

GN - LTS. Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo quốc tế chủ đề “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc” do Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội phối hợp với Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN) tổ chức (xem tin, ảnh về hội thảo tại đây).

Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Tài Đông, Phó Viện trưởng Viện Triết học, được chính tác giả tóm tắt từ tham luận đã trình bày tại hội thảo trên.

Phat giao 2.jpg

Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử, luôn dấn thân phụng sự nhân sinh và xã hội - Ảnh minh họa

Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến 3 nội dung, một là vấn đề trách nhiệm và trách nhiệm xã hội, hai là vấn đề Phật giáo với trách nhiệm xã hội, và ba là đôi nét về trách nhiệm xã hội của Phật giáo Việt Nam.

1. Trách nhiệm và trách nhiệm xã hội

Trong lịch sử đã có nhiều triết gia lý giải rất sâu sắc về trách nhiệm xã hội, về việc con người phải thực hiện những nghĩa vụ, bổn phận gì với xã hội và vì sao phải làm như vậy. Bài viết của tôi có khái lược lý thuyết của J.J. Rousseau, I. Kant và nhất là của E. Levinas về trách nhiệm xã hội.

Theo cách hiểu của chúng tôi, trách nhiệm xã hội là một lý thuyết hoặc một hệ tư tưởng đạo đức nhấn mạnh đến việc một thực thể (tổ chức hoặc cá nhân) phải có nghĩa vụ hành động vì lợi ích của xã hội. Trách nhiệm xã hội là một vấn đề quan trọng của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội.

Xét từ góc độ cá nhân, ý thức về trách nhiệm xã hội không chỉ là một đức hạnh, một tiêu chuẩn của luân lý, mà còn là một yếu tố cấu thành nhân cách con người, thực hiện trách nhiệm xã hội là thể hiện hành vi đạo đức của con người.

Xét từ góc độ xã hội, trách nhiệm xã hội là một trong những nền tảng để gắn kết các mối quan hệ giữa người với người, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội, một giá trị để đảm bảo cho quyền sống của tất cả mọi người. Ý thức về người khác, quan niệm về bổn phận đối với đất nước, nghĩa vụ đối với xã hội, lòng tốt, tính vị tha, tinh thần bao dung,… là những biểu hiện cụ thể của trách nhiệm xã hội.

2. Phật giáo với trách nhiệm xã hội

Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội”, song tinh thần trách nhiệm xã hội thì thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật. Phật giáo có quan niệm tứ ân. Tứ ân là ân cha mẹ, chúng sinh, đất nước và Tam bảo: hiếu dưỡng cha mẹ, quảng độ chúng sinh, bảo vệ đất nước và cung kính Tam bảo. Trong bốn điều cần phải nhớ ơn và thực hiện thì có hai điều liên quan trực tiếp đến trách nhiệm xã hội là ơn chúng sinh và ơn đất nước. Ơn đất nước là tinh thần yêu nước, ơn chúng sinh là phục vụ nhân dân.

Với văn hóa dân tộc, Phật giáo còn có trách nhiệm và sứ mệnh trong việc kế thừa truyền thống văn hóa, phát huy một nền văn hóa đa dạng, thúc đẩy xây dựng một xã hội văn minh. Phật giáo đã có những đóng góp to lớn đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, từ các loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc… đến một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ. Phật giáo không chỉ tồn tại trên bình diện lý luận, mà nó còn đi sâu vào lối sống, nếp nghĩ của nhiều người Việt Nam từ đời này qua đời khác, từ những chuyện ăn, mặc, ở bình thường hàng ngày đến những việc đối nhân xử thế, lễ nghi đạo đức v.v…

Nguyễn Tài Đông

Tinh thần trách nhiệm xã hội của Phật giáo là tinh thần từ bi, hy sinh bản thân mình vì người khác, luôn quan tâm đến cuộc đời của con người. Kinh Hoa nghiêm có câu: “Bất vi tự kỷ cầu an lạc, đãn nguyện chúng sinh đắc ly khổ” (Không cầu yên lành cho bản thân, mà chỉ nguyện để chúng sinh thoát khổ). Hay như tinh thần của Địa Tạng Vương Bồ-tát: Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề” (Địa ngục chưa hết người thì ta thề không thành Phật. Chỉ khi nào chúng sinh được độ hết thì ta mới chứng Bồ-đề”.

Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Vì vậy có thể hiểu trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là Ngũ giới (giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), là Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), là Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là Tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

Ngay từ đầu, Phật giáo đã chống lại chế độ nô lệ, chủ trương chúng sinh bình đẳng, các nước hòa bình, kêu gọi từ bi tế thế. Có thể nói tinh thần từ bi tế thế là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Cứu cánh của giáo lý nhà Phật là giải thoát sinh tử, đưa con người thoát khổ.

Song giải thoát sinh tử không phải là kêu gọi Phật tử xuất thế, trốn tránh trách nhiệm đối với xã hội, mà trước hết phải là hoàn thành đầy đủ, thậm chí phải làm gương, phải tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội. Chính vì vậy mà chúng ta thường nghe thấy hai mệnh đề “hoằng dương Phật pháp” và “lợi lạc quần sinh” gắn liền với nhau.

Quan niệm về trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài của Phật giáo đối với xã hội và nhân sinh, mà cụ thể là triết lý “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Tình cảm này được thể hiện qua hình tượng nhân từ và gần gũi nhất trong Phật giáo là Quan Thế Âm Bồ-tát, với ý nghĩa là Quan Thế Âm Bồ-tát phát nguyện cứu độ tất cả mọi người, kể cả những người không có duyên với Quan Thế Âm Bồ-tát, vì vậy mới gọi là “vô duyên đại từ”.

Ý nguyện cứu độ những người không có duyên chính là thể hiện một tình cảm vô điều kiện, không vì bất cứ một lý do gì, cũng không phải vì thỏa mãn cái tôi, mà thuần túy là một hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy thì mới có thể “đồng thể đại bi”, nghĩa là coi người khác như chính bản thân mình, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng, không vụ lợi.

Lòng từ bi là gì nếu không phải là sự thấu hiểu đau khổ của người khác cũng chính là đau khổ của bản thân mình để từ đó có khát vọng và hành động để mọi người thoát khổ? Và cùng với ý nghĩa này, theo chiều hướng diễn đạt ngược lại thì hỷ xả chính là hạnh phúc khi người khác hạnh phúc và lấy đó làm xuất phát điểm để giúp đỡ người khác, làm cho người khác hạnh phúc hoặc giải thoát.

Sự liên kết mang tính nhân văn giữa con người với tha nhân như thế này cũng là đặc trưng của nhiều hệ tư tưởng lớn. Từ bi, hỷ xả chính là một nền tảng và công cụ hữu hiệu để xóa bỏ sự vô cảm trong xã hội, xóa bỏ cái ác, sự hận thù. Đây cũng là tiền đề và động lực để các cá nhân thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Ở đây có hai khái niệm là quyền lợi và trách nhiệm. Trong tư tưởng phương Tây, quyền lợi và trách nhiệm tạo thành một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, bao phủ hầu hết các khía cạnh của luân lý và đời sống xã hội. Quyền lợi và trách nhiệm tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, mức độ được hưởng quyền lợi cũng tương ứng với mức độ phải gánh trách nhiệm. Có học giả cho rằng Phật giáo cũng có quan niệm tương tự như vậy, vì theo giáo lý nhà Phật, con người được sinh ra với đầy đủ tự do và trách nhiệm.

Vì vậy nghĩa vụ và quyền lợi cũng không phải hai khái niệm hay một khái niệm nhị nguyên, nếu không có cái này thì cũng không có cái kia, không có quyền lợi thì trách nhiệm cũng không tồn tại. Con người tự do ngay từ lúc sinh ra, vì vậy con người là bình đẳng với nhau cả về nhân phẩm, quyền lợi và trách nhiệm.

Chính vì vậy, mà trong kinh Pháp cú có câu: “Tự vi tự y hỗ, tha nhân hà khả y? Tự kỷ thiện điều ngự, chứng nan đắc sở y”. (“Tự mình là vị cứu tinh. Tự mình nương tựa vào mình tốt thay. Nào ai cứu được mình đây? Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên”), “Tịnh bất tịnh y kỷ, tha hà năng tịnh tha” (“Tịnh hay không tịnh do ta, chính ta tự tạo, ai mà khác đâu!”).

3. Đôi nét về trách nhiệm xã hội của Phật giáo Việt Nam

Trong nhiều giai đoạn lịch sử then chốt của dân tộc, Phật giáo chưa từng rũ bỏ trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với người dân.

Trong xã hội ngày nay, mầm mống của chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa kim tiền, chủ nghĩa cá nhân có nguy cơ ngày càng lan rộng và cùng với nó là sự xuất hiện của sự rạn nứt của các mối dây liên kết trong xã hội, tình trạng vô cảm với người khác, sự hoang mang về định hướng giá trị cũng như xuống cấp của nhân phẩm con người. Tình trạng này càng đặt ra sứ mệnh về mặt văn hóa và đạo đức đối với Phật giáo. 

Phat giao 3.jpg

Một trong những nguyên tắc nền tảng của Phật giáo là “lấy con người làm gốc” - Ảnh minh họa

Vai trò của Phật giáo trong lịch sử có giữ được trong hiện tại hay không nằm ở việc Phật giáo nhìn nhận và góp phần giải quyết các hình thái mới của những vấn nạn này như thế nào. Tôn giáo được con người tạo ra và cũng tồn tại để vì con người. Phật giáo cũng như vậy. Thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao đời sống tinh thần con người, hóa giải các mâu thuẫn xã hội, xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định cũng chính là sứ mệnh của Phật giáo.

Đứng từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam có nhiều đóng góp trong việc hình thành nhân cách, xây dựng các quy phạm đạo đức và duy trì sự ổn định xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của Phật giáo đối với xã hội.

Các quy phạm đạo đức là giá trị cốt lõi của xã hội, trong đó các quy phạm đạo đức Phật giáo đóng vai trò không nhỏ. Quy phạm đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giáo lý căn bản cũng như trong hệ thống giới luật.

Ví dụ như Phật giáo nói đến Ngũ giới: Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu là những chuẩn mực giới luật căn bản nhất của Phật giáo, đồng thời cũng thể hiện tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tôn trọng mọi sự sống, đối xử với người khác như đối xử với mình, có thái độ nhân sinh hợp lý đối với của cải vật chất, bảo vệ gia đình và sự hòa hợp, xây dựng con người có chữ tín và chính trực, đề cao tố chất đạo đức, v.v…

Với văn hóa dân tộc, Phật giáo còn có trách nhiệm và sứ mệnh trong việc kế thừa truyền thống văn hóa, phát huy một nền văn hóa đa dạng, thúc đẩy xây dựng một xã hội văn minh. Phật giáo đã có những đóng góp to lớn đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, từ các loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc… đến một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ. Phật giáo không chỉ tồn tại trên bình diện lý luận, mà nó còn đi sâu vào lối sống, nếp nghĩ của nhiều người Việt Nam từ đời này qua đời khác, từ những chuyện ăn, mặc, ở bình thường hàng ngày đến những việc đối nhân xử thế, lễ nghi đạo đức v.v…

Những giá trị văn hóa truyền thống này cần được kế thừa, phát huy, tăng cường và mở rộng ra nhiều hình thức biểu hiện, vừa để đem lại những giá trị tích cực cho xã hội, vừa là khẳng định thêm sự tồn tại đúng đắn và sức sống của Phật giáo. Văn hóa cần phải được truyền thừa, và truyền thừa văn hóa Phật giáo không có phương cách gì tốt hơn là thông qua giáo dục. Giáo dục ở đây không hoàn toàn là sự trao truyền tri thức, mà là giáo dục nhân sinh, nghĩa là bồi dưỡng về mặt tâm hồn và hun đúc các giá trị đạo đức, tạo thành hệ thống quy phạm luân lý phù hợp với xã hội hiện đại. Đây cũng chính là trách nhiệm của Phật giáo đối với văn hóa.

Một trong những nguyên tắc nền tảng của Phật giáo là “lấy con người làm gốc”, lấy phương thức tư duy và định hướng giá trị coi trọng con người quán triệt đến các giáo lý, giáo nghĩa khác của Phật giáo. Lấy con người làm gốc phải gắn chặt với việc chống lại sự xuất hiện của khuynh hướng tệ đoan xuất hiện trong Phật giáo, như hoạt động mê tín, bói toán, quỷ thần v.v…

Chính vì vậy mà khi thích ứng với những yêu cầu của thời đại mới, Phật giáo không được hùa theo những yêu cầu thấp kém của thế tục, mà phải có trách nhiệm “phổ độ chúng sinh”, tức là dùng một nhãn quan nhân sinh Phật giáo cao đẹp để nhìn nhận và phê bình xã hội, từ đó lý giải và đưa ra các phương cách để hóa giải các vấn nạn xã hội, làm con người trở nên “người” hơn, nâng cao nhân phẩm và đời sống tinh thần của con người. Phật giáo phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và sáng tạo, phải có tinh thần phê phán, trên cơ sở dám bỏ đi những điều không phù hợp với trào lưu tiến bộ của thời đại mới thì mới có thể kế thừa và phát huy di sản quý báu đích thực của Phật giáo.

Phật giáo cũng phải giải quyết được mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội, nhận thức một cách đúng đắn nhu cầu thực sự của xã hội. Nhu cầu này không chỉ là nhu cầu về mặt tâm linh đơn thuần của một số cá nhân, mà quan trọng là nhu cầu của cả xã hội, cả dân tộc, cả đất nước trong thời đại mới.

Phần lớn Phật giáo Việt Nam theo truyền thống Đại thừa, song việc biến lý tưởng Đại thừa thành hành động Đại thừa trong thực tiễn là cả một sự khó khăn và hy sinh to lớn. Có như vậy thì Phật giáo mới giúp được xã hội tiến bước, hoặc nói cách khác, Phật giáo mới thực hiện được trách nhiệm đồng hành với các bước tiến của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày